.

Đề nghị lấy 15 năm cuối cùng để tính lương hưu

.

Sáng 29-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề.

Tham gia thảo luận, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa nhận định, thời gian qua, tình trạng doanh nghiệp nợ, chậm và cố tình chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động rất phổ biến, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và nguồn thu quỹ BHXH. Trong khi đó, lực lượng thanh tra của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội còn quá mỏng nên công tác thanh tra BHXH không đạt được kết quả như mong muốn; nhưng cơ quan BHXH trực tiếp làm công tác này lại không có thẩm quyền để thanh tra, xử lý vi phạm. Do đó, ĐB cho rằng việc bổ sung quyền của tổ chức BHXH trong việc thanh tra chuyên ngành về chính sách BHXH tại khoản 3 Điều 21 là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Để giải quyết bất hợp lý trong thời gian qua do tiền lương tháng đóng BHXH thấp hơn nhiều so với thu nhập thực tế gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, ĐB đề nghị cần quy định tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương ghi trên hợp đồng lao động theo pháp luật lao động. Quy định này bảo đảm tính khả thi do tương đối ổn định; nhưng khi thực hiện cần có bước đi phù hợp để các doanh nghiệp kịp điều chỉnh, đặc biệt là trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế hiện nay.

Thiếu tướng, Chính ủy Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) đề nghị xem xét lại điểm d khoản 1 Điều 61 khi quy định tham gia BHXH từ ngày 1-7-2015 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian; vì nếu tính lương hưu bình quân cả quá trình tham gia BHXH so với hiện nay (bình quân 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu) thì lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức giảm trung bình từ 25% đến khoảng 51% và lực lượng vũ trang sẽ giảm trung bình từ 34% đến khoảng 46%.

Còn nếu tính bình quân 15 năm so với bình quân tiền lương 5 năm liền trước khi nghỉ hưu thì lương hưu của CBCCVC giảm trung bình từ 5,8% đến khoảng 42% và lực lượng vũ trang giảm trung bình từ 9% đến khoảng 36%. Vì vậy, để bảo đảm nguyên tắc chính sách BHXH ngày càng tiến bộ, không suy giảm đến lương hưu, ĐB đề nghị cách tính là lấy mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu của CBCCVC và lực lượng vũ trang bắt đầu tham gia BHXH từ ngày luật này có hiệu lực tính theo 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu là phù hợp.

Về sự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) nhất trí bổ sung thêm một số chính sách ưu đãi đối với người học nghề như đã thể hiện tại Điều 65 dự thảo luật. Tuy nhiên, ĐB cho rằng những chính sách này vẫn còn chưa đủ mạnh, chưa sát với đặc điểm, tính chất của dạy nghề trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay. Theo ĐB thì điều cốt lõi của việc sửa đổi chính sách đối với người học nghề là phải làm sao để người dân tự giác học nghề, say sưa với việc học nghề tương tự như với mục tiêu vào học tại các trường đại học.

Để đổi mới và tạo sức thu hút mạnh mẽ hơn nữa đối với người học nghề, ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung thêm một số chính sách, hình thức ưu đãi khác cho người học nghề sau khi tốt nghiệp như chính sách tiền lương, tiếp tục được đào tạo nâng cao tay nghề, tôn vinh người lao động,… ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ hơn việc hình thành Trung tâm kiểm định chất lượng dạy nghề do Nhà nước thành lập như quy định tại khoản 1 Điều 75 có làm tăng bộ máy quản lý Nhà nước.

PHẠM HỮU HOA

;
.
.
.
.
.