Có cái nghề để tìm việc ổn định, lánh xa “nàng tiên nâu” là mong muốn của nhiều học viên đang cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06 (Trung tâm 05-06).
Học nghề tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ |
Có nghề, có tương lai
Là học viên tập trung tại Trung tâm 05-06 lần thứ 3, P.H.A (SN 1988, trú quận Liên Chiểu) không khỏi bùi ngùi xúc động khi cầm những đồng tiền nhận được từ công việc gia công giày da. Tuy số tiền không nhiều nhưng đây là tiền chân chính kiếm được từ sức lao động, mồ hôi nước mắt của A. Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và đông anh em, cha mẹ phải lo làm ăn để kiếm tiền nuôi con, thiếu sự quan tâm của gia đình, A. bỏ bê việc học hành, đua đòi theo bạn bè, tụ tập ăn chơi, sử dụng ma túy và trượt dài đến lúc vào Trung tâm 05-06.
A. chia sẻ, mỗi lần tập trung cai nghiện, anh đều được cán bộ, nhân viên Trung tâm 05-06 tổ chức dạy nghề. Qua thời gian học hỏi và đúc kết kinh nghiệm, đến nay A. đã may giày thành thạo và mỗi ngày có thể tự khâu từ 3-4 đôi giày. “Giờ em chỉ mong gia đình, vợ con tha thứ để khi quay trở về nhà em có thể tự kiếm được công việc, trang trải cuộc sống và chăm lo cho gia đình với nghề gia công giày da do Trung tâm tổ chức dạy”, A. thổ lộ.
Cũng như A, học viên V.Q.H (SN 1991, trú quận Sơn Trà) từng tập trung cai nghiện hai lần tại Trung tâm 05-06 chia sẻ, khi nghe Trung tâm thông báo sẽ khai giảng lớp sơ cấp nghề xây dựng, H. đã đăng ký với Ban quản giáo để được tham gia lớp học. Trải qua những tháng ngày chìm đắm với “nàng tiên nâu”, H. không nghĩ đến tương lai và công ăn việc làm. Nhưng bây giờ, sau khi tham gia các lớp dạy nghề hướng nghiệp tại Trung tâm, với thời gian học nghề xây dựng là 6 tháng, anh quyết tâm rèn luyện tay nghề thành thạo để có thể tìm kiếm được việc làm khi tái hòa nhập cộng đồng.
Cần vòng tay cộng đồng
Theo ông Phạm Tạo, Phó Giám đốc Trung tâm 05-06, song song với các hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao, công tác giáo dục dạy nghề cho học viên đang tập trung cai nghiện luôn được Trung tâm quan tâm, triển khai thực hiện thường xuyên. Việc tổ chức dạy nghề cho học viên là một trong những nội dung quan trọng trong toàn bộ quy trình cai nghiện tại Trung tâm. Ông Tạo cho biết, hằng năm Trung tâm tổ chức các khóa dạy nghề ngắn hạn như: gia công giày da, sơ cấp xây dựng, điện dân dụng và sửa chữa xe máy cho học viên. Đặc biệt, để học viên dễ dàng tiếp cận với công việc, trong mỗi khóa đào tạo, thời gian học lý thuyết chỉ chiếm 30%, 70% thời gian còn lại tập trung thực hành. Bên cạnh đó, với nguồn thu nhập từ sản phẩm do các học viên làm ra, 30% thù lao sẽ chi trực tiếp cho học viên, phần thù lao còn lại sẽ sử dụng để cải thiện bữa ăn cuối tuần cho học viên.
Tuy nhiên, theo ông Tạo, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là mặc dù các học viên được trang bị nghề nghiệp để khi tái hòa nhập cộng đồng có thể tìm kiếm được việc làm nuôi bản thân, nhưng thực tế khi về địa phương vẫn còn sự kỳ thị, phân biệt đối xử. Những người muốn hòa nhập cộng đồng khó vượt qua rào cản tâm lý và dễ dàng trở lại con đường sử dụng ma túy. Vì vậy, rất cần cộng đồng mở rộng vòng tay yêu thương để giúp họ làm lại cuộc đời.
THỦY NGÀ