.

Hội Luật gia Việt Nam phản bác hành động phi pháp của Trung Quốc

.

Đúng 13g50 chiều 9-5, Hội Luật gia VN chính thức gặp gỡ báo chí, ra “Tuyên bố về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển VN”. Ngoài việc tuyên bố quan điểm, Hội Luật gia VN còn trả lời báo chí các vấn đề liên quan dựa trên cơ sở pháp luật.

Đại diện của Hội luật gia Việt Nam trên bàn chủ tọa trả lời các câu hỏi của phóng viên - Ảnh: Nguyễn Khánh
Đại diện của Hội luật gia Việt Nam trên bàn chủ tọa trả lời các câu hỏi của phóng viên - Ảnh: Nguyễn Khánh

* Hội Luật gia có mối quan hệ với Hội Luật gia Trung Quốc. Hội có gửi tuyên bố này cho phía Trung Quốc?

- Ông Lê Minh Tâm - Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội luật gia Việt Nam: Chúng tôi có mối quan hệ với Hội Luật học Trung Quốc. Đây là hội có thành phần giống Hội Luật gia VN. Hàng năm chúng tôi vẫn có sinh hoạt chung. Hội luật gia dựa trên lẽ phải, công bằng, công lý, trong hoạt động với phía bạn, chúng tôi luôn trao đổi để làm sao thực thi pháp luật trong nước quốc tế cho tốt. Chúng tôi sẽ thông báo cho họ về tuyên bố của Hội Luật gia VN.

* Phía Trung Quốc có tuyên bố VN rút tàu mới đàm phán, ông có bình luận gì?

- Ông Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ:  Vị trí HD981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của VN, không dính dáng gì đến vùng gọi là vùng chồng lấn, vùng thuộc hòn đảo mà họ chiếm của VN. Vùng này hoàn toàn của VN  nên lực lượng hoạt động thực thi luật pháp là bình thường. Không có lý gì mà VN phải rút tàu trước khi ngồi vào đàm phán. Ta rất kiên trì, kiềm chế, nhưng không phải bằng bất cứ giá nào.

* Nhiều nước coi vùng biển Trung Quốc đặt giàn khoan là vùng tranh chấp. Thực tế có thể coi đó là vùng tranh chấp không?

- Ông Trần Công Trục: Vị trí đó hoàn toàn nằm trong vùng thềm lục địa của VN, còn cách ranh giới phía ngoài của thềm lục địa VN tới 80 hải lý, nên nó không hề có tranh chấp.

Nên kiện Trung Quốc ra tòa?

Trung Quốc vi phạm, ta có hành động quốc tế nào để luật pháp quốc tế có thể phân xử?

Ông Lê Minh Tâm - Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội luật gia Việt Nam trong vòng vây của báo chí khi đưa ra tuyên bố của Hội Luật gia Việt Nam về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Khánh
Ông Lê Minh Tâm - Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội luật gia Việt Nam trong vòng vây của báo chí khi đưa ra tuyên bố của Hội Luật gia Việt Nam về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Khánh

Ông Lê Minh Tâm: Công ước đã đề ra chế tài, thủ tục, chế định để các bên có thể đưa vấn đề lên cơ quan tài phán quốc tế về luật biển. Ta hoàn toàn có thể làm điều đó. Philipines đã làm. Họ đã có hồ sơ rất đầy đủ kiện lên Hội đồng trọng tài. Hội đồng đã được thành lập với 5 thành viên. Việc làm trên đã nhận được sự ủng hộ của các quốc gia trong khu vực. Việc làm của Trung Quốc tương tự như đã làm với Philipines, nên VN là thành viên, ta hoàn toàn có thể làm điều chính đáng, một biện pháp hòa bình, đó là kiện Trung Quốc ra tòa.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đã nói trong cuộc điện đàm với phía Trung Quốc là VN sẵn sàng sử dụng các biện pháp hòa bình cần thiết. Thì biện pháp kiện là hoàn toàn văn minh và cần thiết.

Theo ông, VN có cần kiện ngay chưa hay đợi gì khác? VN hoàn toàn có thể tịch thu giàn khoan của Trung Quốc?

Ông Trần Công Trục: Về nguyên tắc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã nói VN sẵn sàng áp dụng tất cả các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp. Các cơ quan chức năng VN theo tôi đã chuẩn bị rồi, chuẩn bị rất lâu rồi, giờ nên hoàn thiện lên. Ta không nên sốt ruột. Việc này không thể nói là làm ngay. Dù ta có đủ chứng cứ cần thiết, nhưng đã làm cần phải chắc phần thắng, đề phòng tất cả khả năng. Ngay cả lực lượng luật sư cũng phải sẵn sàng. Hiện nay thế mạnh của VN là lẽ phải và pháp lý.

* Ngày mai, ở HN và TP.HCM có thể có mittinh.  Ý kiến của các ông về hành động này?

- Ông Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch Hội Luật gia: Chúng tôi chưa nắm được thông tin về sẽ có mittinh vào cuối tuần này ở hai thành phố lớn. Nhưng chúng ta có thể giải quyết qua nhiều cơ sở pháp luật khác nhau. Vấn đề là làm sao kết hợp hài hòa chính trị, xã hội, pháp lý. Tôi tin các cơ quan chức năng VN sẽ có biện pháp hợp lý.

* Khi kiện Trung Quốc về hành động của họ, Hội Luật gia có niềm tin chiến thắng không? Thủ tục có thể dài, các ông nghĩ VN cần chuẩn bị gì?

Ông Trần Công Trục - nguyên trưởng ban biên giới chính phủ trả lời các câu hỏi của phóng viên - Ảnh: Nguyễn Khánh
Ông Trần Công Trục - nguyên trưởng ban biên giới chính phủ trả lời các câu hỏi của phóng viên - Ảnh: Nguyễn Khánh

- Ông Trần Công Trục: Nói thật khách quan, với tư cách người nghiên cứu nhiều năm, tôi cho rằng nếu ta đưa vụ kiện nên các cơ quan quốc tế, chắc chắn VN sẽ thắng lợi. Vì VN có đầy đủ căn cứ pháp lý, cơ sở để kiện. Tuy nhiên, đúng là các bạn cũng nên nhớ, kiện lên cơ quan tài phán có cả một quá trình với các thủ tục.

Khi kiện ra tòa, tôi cho rằng đúng là có vấn đề không chỉ ở pháp lý, chân lý, mà còn thái độ ủy viên tham gia hội đồng xét xử. Nên ta phải chuẩn bị rất nhiều biện pháp để tiếng nói chân lý được thành hiện thực. Còn nếu thủ tục bình thường, không phải kiện có phán quyết ngay. Philippines kiện cách đây đã lâu, nhưng giờ vẫn trong giai đoạn thụ lý. Song, ít nhất kiện VN cũng kiên quyết dựa theo luật pháp quốc tế, vì thế giới hòa bình, ổn định.

* Theo ông, thời điểm này Trung Quốc đưa giàn khoan ra có phải ngẫu nhiên hay có toan tính của họ, VN nên ứng phó thế nào?

Ông Trần Công Trục: Về tính thời điểm, khi họ tính bước mới, họ đã tính thời điểm quốc tế đang có nhiều vấn đề, nhất là Phương Tây, Nga, Mỹ đang có quan tâm rất lớn ở Ukraine. Nhân loại đang hồi hộp trông chờ điều gì sẽ diễn ra. Nên có thể Biển Đông không phải quan tâm số một nữa. Trung Quốc lợi dụng thời điểm này nhảy vào. Họ lợi dụng trong khu vực vẫn còn ý kiến chia rẽ, họ dựa vào thái độ của các quốc gia mà thời gian qua họ đã thăm dò. Đó là sự tính toán của Trung Quốc mà ta phải lưu ý.

Tuyên bố của Hội Luật gia VN

Ngày 2-5 Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan HD-981 tại toạ độ 15029’58” vĩ Bắc – 111012’06” kinh Đông, phía Nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời huy động số lượng lớn tàu hộ tống đi cùng, trong đó có cả tàu quân sự.

Các tàu này đã cố tình đâm va vào các tàu thực thi pháp luật – tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư – của Việt Nam đang hoạt động chấp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây thiệt hại về tài sản và đe dọa nghiêm trọng tính mạng. 

Khu vực giàn khoan HD-981 và các tàu bảo vệ của Trung Quốc hoạt động hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Các việc làm trên của Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm ngang nhiên chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (Điều 58, Điều 77) mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên. Hành động này cũng đã đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN. Mặc dù Tuyên bố đã nêu rõ: “Tất cả các bên cam kết kiềm chế thực hiện những hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định”, nhưng hành động nêu trên của Trung Quốc rõ ràng là đã làm phức tạp tình hình và gây bất ổn định ở khu vực Biển Đông.

Việc Trung Quốc cho rằng đây là “hoạt động tác nghiệp bình thường” và so sánh hành động này của Trung Quốc với các hoạt động thăm dò, khai thác do Việt Nam thực hiện trên Biển Đông là hết sức vô lý vì các hoạt động của Việt Nam được tiến hành trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo đúng quy định tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, được các nước công nhận và cùng hợp tác, trong khi Trung Quốc tiến hành thăm dò tại thềm lục địa của Việt Nam chỉ dựa trên yêu sách đơn phương của Trung Quốc, trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và không được bất cứ quốc gia nào khác công nhận.

Hội Luật gia Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, không để tái diễn những hành động tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Hội Luật gia Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển năm 1982, theo đó, không ai có quyền tiến hành thăm dò thềm lục địa hay khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa, nếu không có “sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia ven biển”.

Hội Luật gia Việt Nam cũng yêu cầu Trung Quốc thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết được nêu trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Hội Luật gia Việt Nam kêu gọi giới luật gia các nước trên thế giới có tiếng nói bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, đặc biệt là bảo vệ Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

Hội Luật gia Việt Nam khẳng định mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa nhân dân Việt Nam - Trung Quốc nói chung và giữa giới luật gia hai nước nói riêng; đồng thời sẵn sàng làm hết sức mình để góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, giữ gìn hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực và trên thế giới.

TTO

;
.
.
.
.
.