Toàn cảnh hội nghị. |
Ngày 5-5, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng,Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng ban Nội chính Trung ương chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có các thành viên Ban Chỉ đạo, Bí thư Ban Cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương, Trưởng ban Nội chính các Tỉnh ủy, Thành ủy; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng được tổ chức kể từ sau khi Bộ Chính trị lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vào đầu năm 2013.
Hội nghị có vị trí quan trọng vì công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian vừa qua mặc dù đã được các cấp, các ngành, địa phương triển khai với quyết tâm cao, có nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt, bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên thực tế cho thấy, tham nhũng vẫn là vấn đề rất bức xúc, nhức nhối trong xã hội.
Công tác phòng, chống tham nhũng cần tiếp tục được đẩy mạnh, làm quyết liệt với quyết tâm cao, biện pháp cụ thể, tích cực, hiệu quả hơn nữa.
Hội nghị này nhằm thúc đẩy thêm một bước công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, đồng thời đáp ứng sự mong đợi của nhân dân.
Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, năm 2013, công tác phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được triển khai đồng bộ và đạt được những kết quả tích cực trên các mặt: Xây dựng và hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng; cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể xã hội và báo chí trong phòng, chống tham nhũng v.v...
Việc điều chỉnh một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã bước đầu phát huy được hiệu quả trong việc hạn chế phát sinh tiêu cực, tham nhũng.
Công tác xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng đã được tập trung đẩy mạnh một bước, tạo chuyển biến tương đối rõ nét, tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã được đẩy nhanh hơn.
Nhiều vụ án được mở rộng điều tra cả về tội danh và số lượng bị can; mức án đủ nghiêm, đủ sức răn đe hành vi tham nhũng. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được đưa ra xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, đánh giá tốt. Việc thành lập, củng cố về tổ chức, hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng cũng đạt những kết quả bước đầu.
Những kết quả trên thể hiện quyết tâm cũng như khả năng phòng, chống tham nhũng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đây là những tiền đề tích cực, có ý nghĩa quan trọng để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng chưa tạo được chuyển biến căn bản về nhận thức của người dân trong phòng, chống tham nhũng. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, còn mang tính hình thức.
Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp. Việc rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những sơ hở của cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng. Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rất yếu. Việc phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn hạn chế. Việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả thấp; chưa phát huy được sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội để phòng ngừa tham nhũng theo tinh thần Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI); các văn bản pháp luật liên quan tới công tác phòng, chống tham nhũng; các luật về tổ chức bộ máy nhà nước cho phù hợp Hiến pháp sửa đổi 2013 và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện các quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng; Chỉ thị số 33 của Bộ Chính trị “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản;” Nghị quyết số 63 của Quốc hội tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó chú trọng phòng, chống tội phạm về kinh tế, chức vụ và tham nhũng; Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng và các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chức năng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống tham nhũng.
Các cấp ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; công tác thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của Nhà nước; công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đồng bộ cả về kỷ luật Đảng, hành chính, kinh tế và hình sự các vụ việc, vụ án tham nhũng, tập trung vào một số lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao, như quản lý sử dụng đất đai; xây dựng cơ bản; tài nguyên, khoáng sản; tài chính, ngân hàng; thuế, hải quan; cấp phép đầu tư; quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước; lĩnh vực tư pháp; tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ; thực hiện các chính sách xã hội v.v...
Các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; tập trung vào các vụ việc, vụ án tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương chỉ đạo xử lý.
Các cấp ủy chú trọng chỉ đạo các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án tăng cường phối hợp trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 08 của Bộ Chính trị về kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng tại một số ngành, địa phương.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung đánh giá tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng từ năm 2013 đến nay; phân tích những mặt được, chưa được và nguyên nhân; tìm những khâu khó, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ; đi sâu vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm và kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở đó, các đại biểu đề xuất các giải pháp đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.
Theo chương trình, buổi chiều, các đại biểu tiếp tục tham luận. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ kết luận Hội nghị.
TTXVN