Bực dọc, thất vọng rồi dẫn đến đánh mắng con là biểu hiện thường thấy của nhiều phụ huynh khi phát hiện ra con mình nói dối.
Người lớn không nên đánh mắng trẻ khi trẻ nói dối. (Ảnh mang tính minh họa) |
Lo lắng
Khi đi chợ về, chị Nguyễn Phương Lan (34 tuổi, ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu) ngạc nhiên và tức giận vì toàn bộ ly tách chị để trên bàn ăn đã “bay” xuống đất vỡ tan tành. “Cu Bin, ra đây mẹ hỏi”, chị Lan quát to. Cu Bin (6 tuổi) chạy ra “mách”: “Mẹ ơi, đừng đánh con, con không làm vỡ ly”. “Con không làm thì ai làm, ở nhà chỉ có con và bé Bông thôi mà”, giọng chị Lan giận dữ. Bin lập tức chỉ sang bé Bông (1 tuổi) đang ngơ ngác hết nhìn mẹ đến nhìn anh. Dù đang bực nhưng chị Lan không khỏi buồn cười vì Bông làm sao với tới bàn ăn.
Vừa lúc chồng về, nghe chuyện, chồng chị đánh Bin một trận để răn đe vì tội làm vỡ ly và thêm tội nói dối bố mẹ. Và đây không phải là lần đầu tiên Bin đổ lỗi cho bé Bông. “Hai vợ chồng đều là giáo viên nên luôn chú trọng việc dạy con. Bin còn nhỏ thế này mà đã nói dối nên mình lo lắm. Đánh con cũng xót nhưng không răn đe thì sợ bé quen tật rồi nói dối nhiều hơn”, chị Lan thổ lộ.
Còn anh Nguyễn Hoài Nam (37 tuổi, ở phường Chính Gián, quận Thanh Khê) đau đầu hơn khi không chỉ cậu con trai nhỏ nói dối mà cậu con trai lớn học lớp 7 cũng nói dối không biết từ khi nào. “Con giấu tiệt những thông báo và nhận xét của cô giáo. Thậm chí, nó còn nói dối cô giáo rằng, cha mẹ đi công tác dài ngày, rồi có lúc giả cả chữ ký của mình để nộp cho cô”, anh Nam vò đầu bứt tai nói. Nguyên nhân cũng vì vợ chồng anh Nam bận rộn việc buôn bán nên ít quan tâm con, chỉ nhờ bà ngoại ở cùng kiểm tra giúp. Tổng kết năm học vừa qua, đi họp phụ huynh, anh mới “tá hỏa” khi cô giáo chỉ ra bao nhiêu “tội trạng” của con mà vợ chồng anh không hay biết. Và hình phạt được anh Nam áp dụng ngay với cậu con quý tử là không được đi chơi, xem phim trong 2 tuần.
Hãy giúp trẻ!
Với chị Lan, sau nhiều lần cu Bin nói dối, đánh mãi vẫn không chừa, chị đổi “chiến thuật” không đánh con nữa và tỏ ra tin tưởng con, khích lệ, khen ngợi mỗi khi con dám nhận lỗi. Chị Lan kể, có lần, chị để bánh trên bàn chưa kịp cất vào tủ thì thấy mất một miếng to. Hỏi cu Bin thì nó lắc đầu lia lịa bảo không biết, trong khi miệng còn dính vụn bánh.
Chị không mắng con nữa mà giải thích cho con hiểu rằng, ăn bánh là tốt, nhưng không nên ăn bánh lúc gần ăn cơm. Và chị cùng chồng chú ý hơn đến những lời nói, hành động của mình. “Có lần mình nhận điện thoại và vì không muốn nghe nên đưa máy cho chồng nhờ nói mình đi chợ, không có nhà. Hoặc có những buổi tối bé đòi ăn kẹo nhưng mình không muốn cho con ăn ngọt nhiều nên nói dối con là hết kẹo và sau đó bé biết được… Những hành động đó vô tình khiến bé tập theo”, chị Lan kể.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hằng Phương, giảng viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), việc đánh trẻ không phải là giải pháp tốt. “Bé nói dối tức là bé đang sợ tội, không dám đối diện với những hành động sai trái của mình, sợ bị la, bị đánh. Bởi vậy, cha mẹ càng đánh con khiến bé càng sợ hơn và nói dối nhiều hơn”, thạc sĩ Hằng Phương nói.
Cũng theo thạc sĩ Phương, cha mẹ nên tự đặt câu hỏi vì sao con nói dối và phải hiểu trẻ tùy theo từng độ tuổi để có cách ứng xử phù hợp. Tìm được nguyên nhân rồi thì phải phân tích nhẹ nhàng, dễ hiểu, tích cực để con hiểu rằng không nên nói dối. Điều quan trọng là cha mẹ phải làm gương, việc nói dối trước mặt con sẽ rất có hại. Ngoài ra, cần uốn nắn bé khi bé nói dối nhưng phải đúng phương cách, bởi nếu để lâu dần sẽ hình thành thói quen không tốt. Điều quan trọng là phải chỉ cho bé thấy hậu quả của việc nói dối để bé không tái phạm nữa. Nên giúp con khắc phục những sai lầm, hậu quả hơn là chỉ trích và trách móc bé khiến bé sợ và phải nói dối.
Bài và ảnh: K.NGÂN