.

Kiên quyết chống xâm phạm chủ quyền

.

Chiều 7-5, cuộc họp báo quốc tế về việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông diễn ra tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của đại diện Bộ Ngoại giao, Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Cục Kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tại cuộc họp báo này, Việt Nam khẳng định sẽ kiên quyết chống hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc.

Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công và đâm tàu Việt Nam (Ảnh trưng bày tại cuộc họp báo). Ảnh: TTXVN
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công và đâm tàu Việt Nam (Ảnh trưng bày tại cuộc họp báo). Ảnh: TTXVN

Tàu Trung Quốc hung hăng đâm hỏng tàu Việt Nam

Tại cuộc họp báo, ông Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh, Tham Mưu trưởng Cảnh sát biển - cho biết ngày 1-5-2014, cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện giàn khoan nước sâu Hai Yang Shi You 981 (mà Việt Nam vẫn thường gọi là HD-981) và 3 tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc di chuyển từ tây bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía Nam. Đến 16 giờ ngày 2-5-2014, giàn khoan HD-981 được thả trôi tại tọa độ 15 độ 29 phút 58 giây vĩ bắc - 111 độ 12 phút 06 giây kinh đông, phía nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Trung Quốc hạ đặt giàn khoan này để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam và huy động nhiều tàu bảo vệ đi cùng.

Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, cho biết thêm: Đến thời điểm hiện nay Trung Quốc đã huy động, lúc cao nhất 80 tàu các loại, trong đó có 7 tàu quân sự gồm tàu hộ vệ tên lửa 534 (Giang Hồ II) và tàu tuần tiễu tấn công nhanh số hiệu 763; cùng 33 tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính và các tàu vận tải, tàu cá. Ngoài ra hàng ngày còn có hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực. Một nhóm tàu cá vũ trang và tàu quân sự đã vào cách đảo Lý Sơn từ 50-60 hải lý.

Khi các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam ra kiểm tra, ngăn chặn việc xâm phạm trái phép của phía Trung Quốc, các tàu bảo vệ của Trung Quốc, được sự yểm trợ của máy bay, có hành động hung hăng, chủ động đâm thẳng vào các tàu, dùng vòi rồng có công suất lớn phun nước vào các tàu của Việt Nam nhằm làm hư hỏng tàu thuyền và các trang thiết bị trên tàu, gây thương tích cho thủy thủ trên tàu. Các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đã có mặt kịp thời tại hiện trường, tiến hành quyền kiểm tra, ngăn chặn hành động xâm phạm trái phép của giàn khoan và lực lượng tàu bảo vệ của Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam. Trong quá trình thực thi pháp luật trên biển, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đã kiên trì, kiềm chế trước những hành động hung hăng, ngang ngược của các tàu Trung Quốc.

Vị trí giàn khoan (ô vuông đen) mà Trung Quốc đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam. (Ảnh do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cung cấp).
Vị trí giàn khoan (ô vuông đen) mà Trung Quốc đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam. (Ảnh do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cung cấp).

Trung Quốc chủ ý xâm phạm chủ quyền

Ông Trần Duy Hải cho biết, trong những ngày qua, phía Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng, trao đổi với phía Trung Quốc về vụ việc trên (trong đó có tiếp xúc giữa đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam và tùy viên quân sự Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã gửi thư cho Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí hải dương Trung Quốc - CNOOC). Riêng phía Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có 8 cuộc giao thiệp nghiêm túc với phía Trung Quốc tại Hà Nội và Bắc Kinh. Đáng chú ý, chiều ngày 6-5, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và trước đó ngày 4-5, Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới, lãnh thổ của Việt Nam, Hồ Xuân Sơn cũng đã điện đàm với Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về biên giới, lãnh thổ của Trung Quốc, Lưu Chấn Dân để phản đối hoạt động bất hợp pháp của giàn khoan HD-981 trên thềm lục địa của Việt Nam.

Trong khi đó, phía Trung Quốc bất chấp giao thiệp của phía Việt Nam vẫn không rút giàn khoan nói trên cùng các tàu dịch vụ dầu khí và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Rõ ràng đây là hành động cố tình và có chủ ý xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; cũng như đã vi phạm các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, và trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Ngày 1-5 các tàu Kiểm ngư đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, thanh tra thủy sản trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, phát hiện giàn khoan nước sâu HD981 và lực lượng bảo vệ của nước ngoài cơ động từ phía Bắc xuống hạ đặt khoan thăm dò ở Nam Tri Tôn, vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong khi các tàu Kiểm ngư (KN 761, 762, 763, 764, 765, 628, 629, 766, 767, 768, 769, 770) tiến hành tuyên truyền, ngăn cản, xua đuổi hành vi vi phạm chủ quyền nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì Trung Quốc vẫn tiếp tục có nhiều hành động vi phạm, đồng thời tăng cường lực lượng xuống bảo vệ nhằm đạt được mục đích hạ đặt giàn khoan để khoan thăm dò (ngày 2-5 có 27 tàu bảo vệ; ngày 3-5 có 37 tàu bảo vệ; đến 11 giờ ngày 3-5 có 46 tàu bảo vệ; ngày 5-5 có 66 tàu bảo vệ).

Lực lượng bảo vệ của Trung Quốc đã tiếp cận có hành động mở bạt pháo đe dọa, uy hiếp các tàu Kiểm ngư đang thực hiện nhiệm vụ trên biển ở khu vực trên. Cụ thể: các tàu Hải cảnh chủ động húc đẩy, đâm va với tốc độ cao, góc tiếp cận lớn, rú còi, chiếu đèn pha, phun nước áp lực cao làm hư hại đến các tàu Kiểm ngư Việt Nam. Từ ngày 2 đến 7-5, Trung Quốc thường xuyên sử dụng từ 2-3 tàu kèm 1 tàu ta để ngăn cản, đâm húc và phun nước áp lực cao làm hư hại 8 tàu Kiểm ngư đang thực thi pháp luật trên biển, có tàu Kiểm ngư bị tàu Hải cảnh đâm, húc đẩy nhiều lần (KN 762 bị 9 lần vào các ngày 2, 3, 4 và 5-5).

VietnamPlus

Yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan

Ông Hải nói việc làm của Trung Quốc đã ảnh hưởng rất lớn đến sự tin cậy chính trị giữa hai nước, ảnh hưởng tiêu cực đến các diễn đàn đàm phán về các vấn đề trên biển giữa hai nước, trong đó có diễn đàn của Nhóm bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển, tác động xấu đến tâm tư, tình cảm của nhân dân hai nước. Việt Nam một lần nữa nghiêm túc yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan nói trên cùng các tàu, thiết bị, nhân sự có liên quan ra khỏi thềm lục địa của Việt Nam, bồi thường cho những thiệt hại gây ra cho người và phương tiện của Việt Nam và không để tái diễn các hành động tương tự.

Cũng tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Ngoại giao, Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên trong nước và quốc tế về các vấn đề liên quan, trong đó khẳng định: Việc giàn khoan HD-981 và các tàu của Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam và hành động hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc đối với các tàu Việt Nam là việc làm vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam; vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế. Vi phạm thỏa thuận giải quyết các vấn đề trên Biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC).

Khu vực xâm phạm của Trung Quốc nằm trên tuyến hàng hải quốc tế đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hàng hải, ảnh hưởng đến các nước trong khu vực và các nước trên thế giới. Việc làm sai trái trên của Trung Quốc làm ảnh hưởng đến mối quan hệ và thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam-Trung Quốc, gây mất lòng tin của Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Việt Nam chủ trương thông qua các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, kiên trì trao đổi với Trung Quốc về các vấn đề ở Biển Đông; kiên trì sử dụng các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

“Động thái của Trung Quốc tạo ra kịch bản vô cùng nguy hiểm”

Nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, tiến sĩ Ian Storey cho rằng việc Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu ra hoạt động tại vùng biển của Việt Nam mở ra “một kịch bản vô cùng nguy hiểm”. Tờ Straits Times, nhật báo hàng đầu của Singapore, trong chuyên mục châu Á ra ngày 7-5 dẫn lời tiến sĩ Ian Storey nói rằng Việt Nam sẽ phải có phản ứng trước những thách thức đối với chủ quyền của họ và khi Việt Nam hành động thì Trung Quốc chắc chắn sẽ phản ứng. Vì thế, tiến sĩ Ian Storey nhấn mạnh: “Chúng ta (các nước trong khu vực) đang có nguy cơ sẽ phải đối mặt với một kịch bản vô cùng nguy hiểm”.

Nguồn tin cho biết thêm một số nhà phân tích cho rằng việc đặt một khối lớn như vậy (giàn khoan HD-981) tại khu vực biển đang tranh chấp là một bước leo thang đáng kể trong tranh chấp giữa Trung Quốc với một số nước châu Á khác.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên tiếng cảnh báo về việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào khu vực Biển Đông, cho rằng đây là một hành động mang tính khiêu khích và gây bất ổn định khu vực. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 6-5 tại trụ sở của Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Jen Psaki cho biết: “Mỹ đã và đang xem xét nghiêm túc tới sự vụ này. Căn cứ vào lịch sử căng thẳng ở Biển Đông, việc Trung Quốc đưa giàn khoan là một hành động khiêu khích và không có lợi cho việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực. Diễn biến này càng cho thấy các tuyên bố về chủ quyền của các nước trong khu vực cần phải được dựa trên luật pháp quốc tế. Các hành động như thế không được phép xảy ra trong khu vực tranh chấp”.

Trong chuyến thăm châu Á vừa qua, Tổng thống Obama đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc cần phải tuân theo luật pháp quốc tế trong các hành động ứng xử cả ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Học giả Trung Quốc phản đối việc hạ giàn khoan

Việc Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đưa giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam không chỉ gây nên phản ứng phẫn nộ từ cộng đồng quốc tế, mà còn vấp phải sự phản đối từ chính giới học giả nước này.

Học giả hàng đầu Lý Lệnh Hoa nói Trung Quốc là nước ký Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, do vậy phải tôn trọng chủ trương thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước xung quanh.  Ngày 6-5, tại blog của mình trên trang 163.com, học giả Lý Lệnh Hoa đã kể lại việc trước đó, phóng viên Hoàn Cầu Thời báo gọi điện hỏi về cách nhìn nhận liên quan tới tình hình tại Tây Sa (chính là Hoàng Sa của Việt Nam, hiện bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép). Tác giả đã thẳng thắn nói với phóng viên Hoàn Cầu về cách nhìn nhận của mình: Trung Quốc là nước ký Công ước Quốc tế về luật biển, cần phải hành xử theo điều 74 và điều 83, phải tôn trọng chủ trương thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước duyên hải xung quanh. “Nội dung liên quan phương diện này đều có trong các bài viết gần đây của tôi, hy vọng có thể xem qua một chút”, ông nói với phóng viên Hoàn Cầu.

TTXVN

B.T tổng hợp

;
.
.
.
.
.