.

Ký hợp đồng với người giúp việc: Liệu có khả thi?

.

Theo Nghị định 27 của Chính phủ về quản lý lao động giúp việc gia đình bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25-5 tới, chủ nhà phải ký hợp đồng lao động với người giúp việc, nếu không sẽ bị phạt cảnh cáo. Nghị định này nhằm bảo vệ quyền lợi cho người giúp việc, nhưng lại thiếu khả thi khi áp dụng vào cuộc sống.

Giám sát việc ký hợp đồng lao động rất khó đối với nghề giúp việc gia đình. (Ảnh minh họa)
Giám sát việc ký hợp đồng lao động rất khó đối với nghề giúp việc gia đình. (Ảnh minh họa)

Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều gia chủ cũng như người giúp việc hiện rất thờ ơ với việc ký hợp đồng lao động.

Băn khoăn

Từ ngày có bé Bi ra đời, chị Nguyễn Thị Trâm (30 tuổi, ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu) phải thuê người giúp việc nhà và chăm sóc bé. “Giờ bé Bi 3 tuổi, chúng tôi xem chị giúp việc như người thân trong nhà và trả thù lao 3 triệu đồng/tháng, chưa kể thưởng lễ, Tết, mua quần áo. Bây giờ xem trên báo, đài, thấy quy định phải ký hợp đồng với người giúp việc, chúng tôi chấp hành thôi, nhưng không biết làm hợp đồng như thế nào, theo mẫu nào. Tuy nhiên, nếu trả thêm tiền để chị ấy đóng BHYT, BHXH, thêm khoảng gần 1 triệu đồng nữa thì quá cao, chúng tôi không kham nổi mà nếu bớt lương của người giúp việc để đóng thì chị ấy có chịu không?”, chị Trâm băn khoăn.

Có “thâm niên” làm osin cho các gia đình tại Đà Nẵng, chị Lê Thị Ba (48 tuổi, quê ở Quảng Nam) cho biết: “Tui làm osin được 7 năm và đã chuyển chỗ làm qua 5 gia đình. Nơi nào gia chủ tốt, trả lương cao thì tui làm. Hợp đồng “miệng” nhưng thường thì gia chủ rất giữ chữ tín, thậm chí thưởng và thỉnh thoảng cho thêm quần áo, vật dụng vì sợ mất người làm. Nếu họ có làm hợp đồng thiệt, tui cũng không ưng vì lỡ không thích làm nữa thì chuyển cho nhanh, đỡ rắc rối”.

Chị Ba còn cho biết, nếu họ đưa thêm tiền cho chị để đóng BHYT, BHXH (như Nghị định 27 quy định) thì chị không đóng mà để dành gửi về quê giúp chồng, con. Chị Ba cũng như nhiều người giúp việc khác đều cho rằng, osin là nghề thời vụ. Chị nói rằng, khi nào con gái sinh nở thì không làm nữa nên không thể gắn bó cho đến khi được nhận chế độ của BHXH. “Vậy nếu chúng tôi không làm nữa thì mất trắng luôn số tiền nếu đã đóng bảo hiểm hay được nhận một lần?”, chị Ba thắc mắc.

Theo Nghị định, trong thời hạn 10 ngày kể từ sau ngày ký kết hợp đồng lao động, chủ nhà phải thông báo với UBND xã, phường, thị trấn nơi người giúp việc làm việc. Tuy nhiên, báo với ai, chủ tịch hay cán bộ phường thì lại không rõ. Theo lãnh đạo một phường trên địa bàn quận Hải Châu, điều này thiếu khả thi, bởi ở phường đã rất nhiều việc, nếu quản lý luôn cả việc này thì liệu có hiệu quả? “Nên chăng có một trung tâm môi giới đứng ra làm việc này, họ hưởng thù lao từ hai phía nên phải có trách nhiệm bảo đảm, phải nắm hợp đồng lao động”, vị lãnh đạo phường này nói.

Ai phạt, phạt ai?

Theo Nghị định 27, mức phạt cảnh cáo được áp dụng đối với người sử dụng lao động không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình. Đồng thời, mức phạt từ 5-7 triệu đồng được áp dụng với người sử dụng lao động có hành vi giữ giấy tờ tùy thân của người giúp việc gia đình… Tuy nhiên, ai có quyền kiểm tra xem chủ nhà đã ký hợp đồng và chi tiền BHXH cho người giúp việc chưa thì chưa thấy đề cập trong nghị định.

Theo ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, quy định tại nghị định nói trên có lợi cho người lao động. Nếu người giúp việc nhà được đóng BHXH, BHYT thì họ sẽ gắn bó lâu dài với chủ nhà hơn. Tuy nhiên, nếu chủ nhà đưa tiền để người lao động tự đóng thì sẽ khó thực hiện được nên cần phải có những quy định, hướng dẫn rõ ai sẽ giám sát việc người lao động có đóng BHXH, có tham gia BHYT hay không... Bởi trên thực tế, đối với các doanh nghiệp, việc quản lý đóng bảo hiểm đã khó, nói gì đến việc quản lý đóng bảo hiểm với người giúp việc.

Còn luật sư Trần Khánh Linh - thuộc Đoàn Luật sư Đà Nẵng cho rằng, mục đích của nghị định là bảo vệ người lao động, nhưng đây là công việc đặc thù, nếu áp dụng các quy định chung về hợp đồng; thời giờ làm việc, nghỉ ngơi; tiền lương, phép năm, làm thêm giờ... như các loại hình lao động khác thì sẽ không khả thi. “Theo quy định mới, khi ký kết hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với người giúp việc, chủ nhà phải thông báo với UBND phường, xã. Như vậy, trách nhiệm chính quản lý quan hệ lao động giữa chủ nhà và người giúp việc là UBND phường, xã nhưng cơ quan này thể hiện trách nhiệm của mình đến đâu thì chưa biết. Mà thực ra nếu đến nhà kiểm tra cũng không dễ nếu như chủ nhà nói đó là bà con ở quê lên”, luật sư Linh nói.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.