.

Ngày 13-5: Tàu Trung Quốc đâm vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam

.

Vào lúc 8 giờ ngày 13-5, tàu Cảnh sát biển Việt Nam 8003, 2013, 4032 và các tàu kiểm ngư của Việt Nam đồng loạt tiếp cận giàn khoan Hải Dương - 981 do Trung Quốc đặt trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Tàu hải cảnh Trung Quốc tăng tốc sẵn sàng đâm thẳng vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam - Nguồn:  Cảnh sát biển VN
Tàu hải cảnh Trung Quốc tăng tốc sẵn sàng đâm thẳng vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam - Nguồn: Cảnh sát biển VN

Các tàu Việt Nam tiếp tục mở loa tuyên truyền, yêu cầu phía Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hoạt động trái phép ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Các tàu của Việt Nam liên tục phát loa bằng 3 thứ tiếng Việt Nam, Trung Quốc và tiếng Anh với nội dung: “Đây là vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Theo Luật Biển Việt Nam và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, mọi hoạt động của các vị trên vùng biển này là trái phép, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, đi ngược với Tuyên bố ứng xử của các bên đối với biển Đông. Yêu cầu các vị chấm dứt và đưa giàn khoan ra khỏi vị trí vùng biển Việt Nam”.

Sau khi tàu 8003 của Việt Nam tiến về hướng cách giàn khoan trái phép khoảng 7 hải lý, lập tức tàu Trung Quốc 3411 áp sát tàu Cảnh sát biển Việt Nam 8003 và có hành động uy hiếp.

Lúc 8g30, Trung Quốc đã sử dụng 3 tàu (hải giám 7028, hải cảnh 46001 và một tàu không rõ số hiệu) bao vây tàu cảnh sát biển 4032 của Việt Nam. Ngoài một tàu Trung Quốc (không rõ số hiệu) phun nước, tàu hải cảnh số hiệu 46001 của Trung Quốc đã lao vào ngăn cản, đâm vào mạn trái tàu Cảnh sát biển Việt Nam 4032 làm gãy 10m lan can bên mạn trái, hỏng 3 thông gió của tàu Cảnh sát biển 4032 Việt Nam. Đồng thời, tàu hải cảnh của Trung Quốc đã ngăn cản, dùng súng bắn nước vào tàu Kiểm ngư 628 của ta khi tiếp cận cách giàn khoan Trung Quốc 5,3 hải lý.

Lan can của tầu Cảnh sát biển Việt Nam gãy vụn sau cú đâm hung hăng của tàu Hải cảnh 44103 Trung Quốc - Nguồn:  Cảnh sát biển VN
Lan can của tàu Cảnh sát biển Việt Nam gãy vụn sau cú đâm hung hăng của tàu hải cảnh 44103 Trung Quốc - Nguồn: Cảnh sát biển VN

Tàu Cảnh sát biển 4032 của Việt Nam đã cơ động tiếp cận vào phía Tây giàn khoan Hải Dương 981 để tiến hành tuyên truyền và quay phim, chụp ảnh về hành động của các tàu Trung Quốc.

Tình hình trên khu vực quanh giàn khoan trái phép Hải Dương - 981 tiếp tục căng thẳng. Các tàu Trung Quốc có mặt tại khu vực giàn khoan tỏ ra hết sức hung hăng.

Trước đó, Đại úy Nguyễn Huy Trung, Chính trị viên tàu Cảnh sát biển 8003 của Việt Nam, cho biết mặc dù tình hình vẫn tiếp tục căng thẳng nhưng các lực lượng của ta vẫn tiếp tục bám trụ, thực hiện đúng đối sách, mệnh lệnh từ sở chỉ huy.

Tiến vào giàn khoan...

Vào khoảng 15 giờ ngày 13.5, tàu Cảnh sát biển (CSB) 4033 cùng nhiều tàu khác của hợp thành đội hình tiến hành tuần tra trên biển gần khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan  trái phép Hải Dương 981.

15 giờ 10, các tàu được lệnh hỗ trợ nhau tiến sâu vào vùng giàn khoan Hải Dương - 981 để tuần tra việc chấp hành pháp luật trên biển.

15 giờ 20, các tàu CSB thẳng tiến vào hướng giàn khoan thì gặp tàu hộ vệ tên lửa 571 của Trung Quốc áp sát, cách mạn trái tàu CSB 4033 khoảng 5 hải lý.

15 giờ 40, đội hình các tàu của lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam gồm 4033, 2013, 2016, 4032, 4033, 8003... cùng thẳng tiến về phía giàn khoan. Lúc này, chỉ huy đoàn tàu nhận định, nếu Trung Quốc quá khích thì cho các tàu chạy về hướng tây.

16 giờ, các tàu tiếp tục tiến vào giàn khoan. Lúc này, chỉ huy đoàn tàu nhận được lệnh của Bộ tư lệnh CSB phải bảo đảm tuyệt đối an toàn. Khi cách giàn khoan chừng 8 hải lý, nhiều tàu hải cảnh của Trung Quốc lao ra ngăn cản với động thái rất hung hăng.

16 giờ 30, tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc áp sát và chạy song song với tàu CSB 4033 (trên tàu, ngoài lực lượng CSB làm nhiệm vụ còn có khoảng 20 phóng viên báo chí trong nước và quốc tế), liên tục có động thái đe dọa. Các tàu CSB liên lạc với nhau kiên quyết giữ vững đội hình tuần tra.

Gay cấn

16 giờ 35, tàu CSB 4033 cách giàn khoan khoảng 7 hải lý và bắc loa tuyên truyền về việc chấp pháp trên vùng biển thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 3411 tăng tốc thẳng về hướng tàu CSB 4033.

16 giờ 45, đứng trên tàu CSB 4033, PV Thanh Niên Online chứng kiến 6 tàu hải cảnh Trung Quốc đuổi theo tàu CSB 2013, trong đó có tàu hải cảnh Trung Quốc lớn nhất mang số hiệu 3210.

Khi tàu CSB 2013 đi khá xa thì các tàu hải cảnh Trung Quốc quay sang truy đuổi tàu CSB 4033 mà PV Thanh Niên Online đang có mặt. Tàu CSB 4033 buộc phải mở hết tốc lực để tránh sự đụng độ với tàu Trung Quốc 3210.

Vào lúc 19 giờ, có nhiều tàu cá của ngư dân vẫn kiên trì bám ngư trường chủ quyền khu vực giàn khoan mặc dù liên tục bị tàu Trung Quốc đe dọa, truy đuổi trong bán kính 8 hải lý từ giàn khoan. Lúc này trên biển gió cấp 5 cấp 6. Tình hình vẫn rất gay cấn.

Tàu Trung Quốc liên tục xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, hôm nay 13-5, Trung Quốc đã sử dụng 9 loại tàu để bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981.

Những loại tàu này gồm: tàu quân sự, tàu hải cảnh, tàu hải giám, tàu hải tuần, tàu ngư chính, tàu kéo cứu hộ, tàu vận tải, tàu dầu và tàu cá vỏ sắt (trong đó có tàu quân sự đã được ta phát hiện như tàu hộ vệ tên lửa số hiệu 534, tàu tên lửa tấn công nhanh mang số hiệu 752, 753, 754 và mới đây nhất là sự tham gia của tàu tuần tiễu săn ngầm số hiệu 786 hiện diện tại khu vực từ ngày 12-5).

Trong ngày hôm nay (13-5), phía Trung Quốc đã sử dụng tới 86 tàu làm lực lượng hộ tống, bảo vệ cho hoạt động trái phép, xâm phạm của giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Cụ thể: 2 tàu quân sự (1 tàu hộ vệ tên lửa số hiệu 534, 1 tàu tuần tiễu săn ngầm số hiệu 786), 32 tàu hải cảnh, 4 tàu hải giám, 4 tàu hải tuần, 2 tàu ngư chính, 7 tàu kéo cứu hộ, 19 tàu vận tải, 1 tàu dầu, 15 tàu cá vỏ sắt).

Trong khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ chiến sĩ trên các tàu của ta đã thực hiện nghiêm tư tưởng chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển là chủ động, bình tĩnh, không khiêu khích, không mắc mưu khiêu khích, đấu tranh kiên quyết, kiên trì, dung cảm, mưu trí, linh hoạt để vừa giữ vững được chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, vừa giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực.

 

NLĐO/TTO/TNO

;
.
.
.
.
.