.

"Phải làm thêm nhiều trận Điện Biên Phủ"

.

Năm 2014 này, lần đầu tiên kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ vắng một hình bóng thân thương, người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, vị tướng của nhân dân: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm lại Điện Biên tháng 5-2004.(Ảnh tư liệu)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm lại Điện Biên tháng 5-2004.(Ảnh tư liệu)

Lần cuối cùng trở lại Điện Biên Phủ

Năm 2004, dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại chiến trường xưa. Lúc đó, ở tuổi 92, sức đã yếu, Đại tướng vẫn quyết tâm trở lại chiến trường xưa thăm bạn bè, đồng chí và đồng bào các dân tộc địa phương - những người từng nếm mật nằm gai cùng Đại tướng làm nên một huyền thoại trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Đi trên chiến trường từng thấm đẫm máu xương của đồng đội, “máu trộn bùn non”, mắt Đại tướng cứ rưng rưng.

Trong Hồi ức Điện Biên Phủ, Đại tướng đã viết: “Mỗi lần trở lại Điện Biên Phủ, tôi tới nghĩa trang liệt sĩ dưới chân đồi A1 thắp nén hương tưởng niệm những người đồng đội đã nằm lại đây. Đứng trước rất nhiều ngôi mộ không có tên, tôi hình dung ra anh chiến sĩ trẻ tới chiến trường giữa trận đánh, chiến đấu bên những người đồng đội chưa kịp biết tên mình và mình cũng chưa kịp biết là ở đơn vị nào...”. Và trong cuốn sổ lưu niệm ở nghĩa trang Độc Lập vẫn còn bút tích của Đại tướng trong dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ đã oanh liệt hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân”.

Với bà con các dân tộc ở Điện Biên, 10 năm đã đi qua nhưng đến nay vẫn còn nhiều người nhớ như in ngày 17-4-2004 ấy. Cái nắng tràn trên dãy Pú Tà Cọ và Pú Hồng Mèo, nắng xuống cả cánh đồng Mường Thanh. Cả Điện Biên như ngày hội, các cụ già lẫn các em thơ đều náo nức chờ đón Đại tướng và phu nhân. Chiếc trực thăng mang ký hiệu VN-B206 của Quân chủng Phòng không - Không quân hạ cánh khoảng 13 giờ. Từ hướng đông nam thung lũng Mường Thanh, chiếc trực thăng hạ dần độ cao rồi nhẹ nhàng đỗ xuống sân bay Mường Thanh. Bên khung cửa máy bay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện thật gần gũi và giản dị. Lãnh đạo tỉnh Điện Biên ra tận chân cầu thang đón Đại tướng và phu nhân. Nhiều người kể lại: Sân bay Mường Thanh hôm đó tiếng reo hò như triều dâng thác đổ. Hoa vẫy tưng bừng, cờ bay rạo rực, nắng vàng lung linh và những giọt nước mắt hạnh phúc.

Gần một tuần ở lại Điện Biên, Đại tướng và phu nhân thắp hương tưởng niệm tại Nghĩa trang A1, thăm di tích Noong Nhai, lên đồi D1 thăm Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ khi công trình đang vào giai đoạn thi công nước rút, thăm cầu Mường Thanh (cây cầu bắc qua sông Nậm Rốm, đã được xếp hạng “Di tích lịch sử quốc gia” từ năm 1962).

Sáng 19-4-2004, chiếc chuyên cơ mang số hiệu Mi-172 của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam đưa Đại tướng từ sân bay Mường Thanh vào xã Mường Phăng (huyện Điện Biên), thăm lại nơi đóng quân của Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi chiếc máy bay hạ cánh xuống cánh đồng Phiêng Ta Lét, hàng chục nghìn người dân Mường Phăng và các xã trong vùng đã chờ sẵn để đón Đại tướng. Sáng 20-4, Đại tướng thăm lại hầm Đờ-cát, nơi đóng Sở chỉ huy quân Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại đây, lúc 17 giờ 30 ngày 7-5-1954, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật (Đại đội 360, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312) dẫn đầu một tổ xung kích gồm 4 chiến sĩ, đánh thẳng vào hầm Đờ-cát, bắt sống toàn bộ cơ quan đầu não của Pháp…

Trong chuyến về Điện Biên này, Đại tướng gặp gỡ với hơn 300 cựu chiến binh tỉnh Điện Biên và tỉnh Cao Bằng, cùng đại diện các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng vũ trang tỉnh Điện Biên tại Trung tâm Hội nghị văn hóa tỉnh. Những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt Đại tướng.

Không ngờ chuyến trở lại Điện Biên năm 2004 ấy lại là lần cuối Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến mảnh đất mà ông có quá nhiều kỷ niệm. Nơi đó người dân Tây Bắc vẫn luôn mong ông trở lại, gọi ông thân thương là “Ải thẩu” (từ tiếng Thái, dành cho người mà họ kính yêu nhất).

“Phải làm thêm nhiều trận Điện Biên Phủ”

Trong cuộc đời binh nghiệp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nổi tiếng là người biết tiếc từng giọt máu của đồng bào, của chiến sĩ. Ông coi bộ đội như con, coi thanh niên xung phong như bộ đội. Vì vậy, nhiều người vẫn nhớ mãi quyết định “lui quân” của Đại tướng vào tháng 1-1954, khi hàng vạn bộ đội, dân quân đã được lệnh xuyên rừng tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, khi những khẩu pháo lớn đã được kéo vào trận địa tốn bao công sức thì lại có lệnh rút quân. Đại tướng từng tâm sự: Trong dân quân, nhiều người nói đây là lệnh của Việt gian. Riêng đối với tôi, quyết định thay đổi phương châm tác chiến là quyết định lớn nhất và khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của tôi. Tôi nhớ nhất là sự thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”. Mấy vạn quân đã dàn rồi, sắp nổ súng mà lại ra lệnh rút quân.

Nhờ có quyết định sáng suốt ấy, máu xương của nhân dân không bị phung phí. Và chúng ta có thời gian để kiện toàn, chuẩn bị tốt hơn cho chiến dịch. Đúng như Đại tướng đã đúc kết: “Điện Biên Phủ cho ta một bài học là nếu ta yêu nước, ta có chí quyết thắng, biết đánh biết thắng thì có thể thắng”.

Lúc sinh thời, Đại tướng nhiều lần nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các cựu chiến binh, thanh niên xung phong; với lãnh đạo tỉnh Điện Biên hoặc với tuổi trẻ cả nước. Đại tướng luôn nhắc đi nhắc lại mong muốn: Trận Điện Biên Phủ năm 1954 đã giải phóng Điện Biên, giải phóng Tây Bắc, giải phóng Hà Nội, giải phóng miền Bắc. Chúng ta bây giờ phải có thêm nhiều “Điện Biên Phủ”, cần làm một trận Điện Biên Phủ trong xây dựng và phát triển kinh tế.

Đại tướng nói: “Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, ta phải theo thực tiễn. Tình hình thực tế khác đi thì ta phải thay đổi. Quốc doanh làm chừng nào, hợp tác xã làm chừng nào, tư nhân chừng nào, khoa học công nghệ chừng nào… đều phải theo thực tiễn. Phải có đầu óc đổi mới. Tôi thường nói với anh em cựu chiến binh là “Cựu mà không cũ”. Cựu vẫn phải đổi mới. Bởi vì lúc chúng ta đánh giặc thì ta theo tình hình mới nhất, bây giờ xây dựng đất nước cũng phải theo tình hình mới nhất để hoạch định phương châm chiến lược hành động. Theo tôi, khoa học, giáo dục, công nghệ phải là quốc sách của đất nước hôm nay. Phải thông minh trong hành động và phải tôn trọng nhân tài thì mới làm được những việc tưởng chừng như không làm được. Mỗi một ngành về kinh tế, xã hội, văn hóa… phải làm nên những thành tích lớn nhỏ, những Điện Biên Phủ lớn nhỏ để làm cho nước Việt Nam tuy đã rất tiến bộ nhưng còn nghèo trở thành một nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh…”.

PHẠM HƯƠNG

;
.
.
.
.
.