.

Quốc hội đồng tình chính sách BHYT bắt buộc

.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, sáng 22-5, các đại biểu (ĐB) Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân (sửa đổi).

Đại biểu Thân Đức Nam phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Hữu Hoa
Đại biểu Thân Đức Nam phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Hữu Hoa

Bắt buộc tham gia BHYT mang ý nghĩa nhân văn

Thảo luận về những nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, nhiều ý kiến ĐB đồng tình với dự thảo luật quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc để đẩy nhanh lộ trình thực hiện BHYT toàn dân.

Tán thành với quy định BHYT là hình thức bắt buộc để chăm sóc sức khỏe không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện, ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) phân tích: Việc không bắt buộc tham gia BHYT gây nên tình trạng có nhiều đối tượng khỏe mạnh, có thu nhập cao, kinh tế ổn định nhưng không tham gia BHYT mà chỉ có những người có nguy cơ mắc bệnh cao hoặc mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị dài hạn mới tham gia BHYT. Điều này gây nên sự mất khả năng cân đối, ảnh hưởng tới chính sách bền vững của BHYT.

Theo ĐB, việc bắt buộc tham gia BHYT mang ý nghĩa nhân văn vì lợi ích chăm sóc sức khỏe cho người dân, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng. Để bảo đảm tính khả thi và thúc đẩy việc thực hiện chính sách BHYT bắt buộc, ĐB kiến nghị Nhà nước cần tăng cường hoạt động tuyên truyền vận động các đối tượng, bố trí nguồn lực bảo đảm; nâng cao y đức và chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở khám chữa bệnh ở tuyến dưới; đồng thời có chế tài xử phạt đối với các cơ quan, tổ chức không tham gia BHYT.

Cùng quan điểm trên, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đề nghị dự án luật cần bổ sung thêm các quy định chặt chẽ hơn để xử lý các trường hợp trốn tránh trách nhiệm tham gia BHYT. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục mua BHYT như các loại hình bảo hiểm thương mại khác; đơn giản hóa việc cấp thẻ BHYT, thủ tục khám chữa bệnh và đặc biệt là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cung cấp các dịch vụ BHYT hiện nay.

ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) lại tỏ ra băn khoăn với tính khả thi, tính thuyết phục của quy định này bởi: “Không thể bắt buộc toàn dân phải tham gia BHYT khi lĩnh vực này còn nhiều bất cập, chưa có các giải pháp khả thi, hiệu quả tạo tiền đề cho BHYT toàn dân”.

ĐB đề xuất cần giải quyết những bất cập của chất lượng khám chữa bệnh và quyền lợi khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến, bảo đảm tính công bằng của các đối tượng tham gia BHYT. Trước tiên, Nhà nước cần bỏ quy định tuyến khám chữa bệnh để thực hiện cho được chủ trương BHYT toàn dân, sớm khắc phục bất cập về chất lượng khám chữa bệnh và quá tải các bệnh viện tuyến trên.

Khám, điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ cần được hưởng BHYT

Các ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh, Hà Thị Lan (Bắc Giang), Bùi Thị An (Hà Nội), Phạm Thị Mỹ Lệ (Bình Phước) đều quan tâm và đề xuất cần bổ sung vào phạm vi hưởng BHYT nội dung khám, tư vấn dinh dưỡng và điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 6 tuổi. ĐB Hà Thị Lan (Bắc Giang) dẫn chứng, theo thống kê, cứ 3 trẻ dưới 5 tuổi ở Việt Nam, có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi, xấp xỉ 2,5 triệu trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi và 221.000 trẻ bị suy dinh dưỡng gầy còm. Việt Nam đứng thứ 13 thế giới về tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng.

Đây là tình trạng đáng báo động, bệnh suy dinh dưỡng sẽ để lại nhiều hệ lụy và gánh nặng cho xã hội. Việc phòng ngừa trẻ suy dinh dưỡng và chữa trị cho trẻ bị suy dinh dưỡng là cần thiết và mang lại lợi ích cho phát triển giống nòi. Cần đưa khám, tư vấn và điều trị suy dinh dưỡng của trẻ em vào hệ thống y tế và cơ chế chi trả bền vững, BHYT chi trả là tốt nhất.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cũng lập luận, chiều cao trung bình của người Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực, 30% của người trưởng thành mang thể trạng của một tuổi thơ suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng không chỉ là hậu quả của việc thiếu dinh dưỡng mà còn là hậu quả của việc thiếu kiến thức, hiểu biết về dinh dưỡng trẻ em. Suy dinh dưỡng là một bệnh, cần phải được chữa trị. BHYT không quan tâm đến chữa trị suy dinh dưỡng của trẻ em là bất hợp lý và thiếu hoàn thiện, ĐB Dương Trung Quốc nhấn mạnh. (B.T tổng hợp)

Cần cân nhắc việc tập trung quyền lực về TAND tối cao

Chiều 22-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) (sửa đổi) và Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (TAND) (sửa đổi). Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa điều hành phiên thảo luận của Tổ đại biểu số 6 bao gồm Đoàn ĐBQH 4 địa phương: Hòa Bình, Hưng Yên, Cần Thơ và Đà Nẵng.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đoàn ĐBQH Đà Nẵng) nhất trí bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ của TAND thực hiện quyền tư pháp như đã thể hiện tại Điều 2 dự thảo luật, vì đây là sự thể hiện việc cụ thể hóa một bước Hiến pháp vừa mới được thông qua năm 2013. Tuy nhiên, ĐB cho rằng đây vẫn là vấn đề mới, cần tiếp tục được nghiên cứu, cân nhắc thận trọng. ĐB đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của TAND để bảo đảm phù hợp với định hướng cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.

ĐB thống nhất việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực theo địa hạt tư pháp trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo ĐB, phương án này có tính linh hoạt, khắc phục được những bất cập của mô hình tổ chức TAND theo cấp huyện như hiện nay là các TAND ở những huyện có đông dân cư, kinh tế-xã hội phát triển thì có quá nhiều việc dẫn đến quá tải, tồn đọng án; nhưng các TAND ở các huyện miền núi thì lại có số lượng vụ việc rất thấp. ĐB tán thành việc quy định thẩm phán TAND Tối cao có thể được bổ nhiệm không kỳ hạn cho đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác, vì đây là quy định mang tính tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, về TAND sơ thẩm khu vực, tại hội thảo ở địa phương chỉ có một đại biểu thống nhất. Do đó, ĐB kiến nghị cần nghiên cứu thấu đáo mô hình mới này, bởi việc giải trình của TAND Tối cao là khiên cưỡng và không thuyết phục. Về vai trò quản lý của địa phương trong việc bổ nhiệm thẩm phán, cần làm rõ cơ chế giám sát của cử tri, của cơ quan quyền lực Nhà nước địa phương đối với cơ quan xét xử trước khi quyết định bỏ quy định về Hội đồng tuyển chọn thẩm phán của các địa phương.

Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa thống nhất với nhận định của ĐB Nguyễn Tiến Sinh. Theo ĐB, dự thảo Luật Tổ chức TAND đã dồn quyền về TAND Tối cao khá nhiều, cần cân nhắc thêm, nhất là quy định về việc tuyển chọn và bổ nhiệm thẩm phán. Bởi, theo quy định hiện hành thì Chánh án TAND và Viện trưởng VKSND phải báo cáo công tác trước HĐND địa phương để giám sát. Do đó, nhất thiết HĐND phải có ý kiến đối với công tác kiểm sát, công tác xét xử của TAND, VKSND nói chung và kiểm sát viên, thẩm phán nói riêng.  

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (Đoàn ĐBQH Đà Nẵng), hiện nay, ở Tòa án Quân sự đã có Tòa án Quân sự khu vực. Đối với TAND sơ thẩm khu vực thì tất nhiên phải chọn nơi trung tâm để đặt trụ sở, bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân trong việc đi lại. Theo ĐB thì mô hình tổ chức TAND sơ thẩm khu vực như vậy là hợp lý, bảo đảm tiết kiệm về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. (PHẠM HỮU HOA)

;
.
.
.
.
.