.

Sự thật về giàn khoan Hải Dương - 981

.

Ngày 2-5-2014, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương- 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đây là giàn khoan thế hệ thứ sáu, dài 114 mét, rộng 90 mét, cao 137,8 mét, nặng 31.000 tấn, kích thước sàn bằng cả một sân bóng đá. Giàn khoan có thể hoạt động ngoài khơi ở độ sâu tối đa là 3.000 mét, có thể khoan sâu tới 12.000 mét. CNOOC mất hơn 6 năm và gần 1 tỷ USD để xây dựng giàn khoan này.

Giàn khoan Hải Dương-981. Ảnh: AP
Giàn khoan Hải Dương-981. Ảnh: AP

Chủ sở hữu của giàn khoan này là Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC). CNOOC là ai và mục đích ở Biển Đông của họ là gì?

Công cụ của chính phủ

Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương (tên tiếng Anh: China National Offshore Oil Corporation, tiếng Trung: Zhōngguó Háiyáng Shíyóu Zǒnggōngsī) là công ty dầu khí quốc gia lớn thứ ba Trung Quốc, sau Tổng công ty dầu khí quốc gia CNPC (công ty mẹ của PetroChina) và Tập đoàn hóa dầu Trung Quốc (Sinopec). CNOOC tập trung khai thác, thăm dò dầu thô và khí đốt ngoài khơi Trung Quốc. Đây là một trong 116 công ty Nhà nước nằm dưới quyền quản lý của Ủy ban Giám sát và Quản trị Tài sản nhà nước của Quốc vụ viện (SASAC).

Khi Quốc vụ viện Trung Quốc thực hiện quy định về hợp tác với các đối tác nước ngoài trong khai thác tài nguyên dầu khí ngoài khơi ngày 30-1-1982, CNOOC được trao toàn bộ trách nhiệm và quyền hạn hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực này, trở thành công ty độc quyền trong khai thác dầu khí ngoài khơi. Đặt trụ sở ở thủ đô Bắc Kinh, CNOOC có tới 98.750 nhân viên và 6 chi nhánh, mỗi chi nhánh lại có nhiều chi nhánh con. 4 chi nhánh đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, trong đó có CNOOC Ltd - công ty nắm những mảng kinh doanh chủ chốt của CNOOC là khai thác và sản xuất dầu ngoài khơi. CNOOC Ltd là chi nhánh lớn nhất trong 6 chi nhánh.

Được nhà nước thành lập tháng 2-1982 với vốn trực tiếp 48 tỷ USD, CNOOC được coi là cánh tay thương mại của chính phủ trong phát triển ngành khai thác dầu ngoài khơi trong lãnh thổ Trung Quốc thông qua liên doanh với nước ngoài. CNOOC độc quyền và có đầy đủ thẩm quyền trong ngành khai thác dầu khí ngoài khơi. Tổng giám đốc đầu tiên của CNOOC là Thứ trưởng Bộ Dầu khí. Về sau, CNOOC được giao cho Bộ Năng lượng quản lý và từ năm 1999, CNOOC cùng CNPC và Sinopec do Quốc vụ viện trực tiếp quản lý. CNOOC hoạt động rộng khắp từ khoan dầu cho đến dịch vụ tài chính, vươn “vòi” ra khắp năm châu lục để tìm cách thỏa mãn cơn khát dầu. Sản lượng dầu hằng ngày của CNOOC là 909.000 thùng năm 2011.

Theo bài phân tích về các công ty nhà nước Trung Quốc của ông Duajie Chen thuộc Đại học Calgary (Canada), không giống với các doanh nghiệp nhà nước ở phương Tây, CNOOC được thành lập để phục vụ một chính sách, chiến lược của chính phủ Trung Quốc trong ngành dầu khí, đó là “ra ngoài” để kiểm soát tài nguyên toàn cầu vì mục đích an ninh năng lượng quốc gia. Lịch sử 30 năm của CNOOC chứng minh rằng công ty này luôn tìm cách thực hiện nhiệm vụ chính phủ giao. Có thể nói CNOOC là tập đoàn luôn theo đuổi lợi nhuận thông qua độc quyền và phục vụ chính sách của chính phủ trong lĩnh vực dầu khí, trong đó có mục đích tham vọng là bành trướng trên thị trường dầu toàn cầu. Hiện nay, CNOOC có các phương tiện, kỹ thuật hiện đại có thể thăm dò, khoan dầu ở những vị trí rất sâu ngoài khơi. Giàn khoan Hải Dương - 981 là một tài sản hiện đại có khả năng này.

Hải Dương - 981 lần đầu vận hành ở Biển Đông ngày 9-5-2012, tại vị trí cách Hong Kong 320km về phía đông nam, ở độ sâu 1.500 mét. Với giàn khoan này, Trung Quốc trở thành nước đầu tiên thăm dò dầu ở vùng nước sâu Biển Đông. Khi giàn khoan mới đi vào hoạt động, Chủ tịch CNOOC Wang Yilin gọi giàn khoan nước sâu này là “lãnh thổ quốc gia di động” và là vũ khí chiến lược để thúc đẩy phát triển ngành dầu khí ngoài khơi của Trung Quốc. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài để đi trong lĩnh vực này. Ông Christ Faulkner, Tổng Giám đốc Công ty Dầu khí Breitling, cho biết CNOOC đang tìm cách mua những thứ mà họ còn thiếu.

Vậy một tập đoàn thuộc hàng lớn nhất thế giới, đứng trên cả Sony của Nhật Bản và Boeing của Mỹ, vẫn còn thiếu cái gì? Theo ông Christ Faulker, qua thương vụ CNOOC mua lại công ty khai thác dầu khí Nexen của Canada, ta có thể thấy rõ cái mà CNOOC muốn.

CNOOC thật sự muốn gì?

Ngày 25-2-2013, vụ mua lại công ty Nexen với giá 15,1 tỷ USD chính thức hoàn tất sau hơn 7 tháng công bố. Đây là vụ sáp nhập một công ty nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay ở Trung Quốc. Vụ sáp nhập đã được chính phủ Canada đồng ý vào tháng 12-2012. Với Nexen trong tay, CNOOC có thêm khu vực khai thác dầu khí ngoài khơi, đó là ở Biển Bắc, Vịnh Mexico và ngoài khơi phía tây châu Phi. Ngoài ra, CNOOC còn sở hữu các tài sản phục vụ khai thác dầu khí ở Trung Đông và Canada. Riêng tại Canada, CNOOC nắm quyền kiểm soát dự án cát dầu Long Lake ở tỉnh Alberta nhiều dầu mỏ, cùng với trữ lượng tương đương hàng tỷ thùng dầu ở khu vực nhiều dầu thô thứ ba thế giới. Sau vụ bán Nexen, chính phủ Canada tuyên bố đây là thương vụ cuối cùng kiểu này mà nước này chấp nhận. Có nghĩa là từ đó trở về sau, không có công ty nhà nước nào được nắm cổ phần lớn trong khai thác cát dầu.

Trước khi trở thành một phần của CNOOC, Nexen đã lỗ 5,9 tỷ USD trong quý 4-2012 do hoạt động yếu kém trên thị trường khí đốt Bắc Mỹ. Vậy tại sao CNOOC lại mua một công ty như vậy?

Hợp tác giữa CNOOC và các công ty nước ngoài sẽ giúp phát triển công nghệ thăm dò khí đốt và dầu ở vùng nước sâu tốt hơn. Điều này là rất cần thiết để bảo đảm nguồn cung năng lượng cho tương lai của Trung Quốc. Nhưng mục đích này dường như lại không đạt được theo ý của CNOOC. Bình luận về thương vụ mua Nexen, tờ China Digital Times cho biết Nexen không hề có khả năng kỹ thuật mà CNOOC cần để hoạt động ở vùng nước sâu ngoài Biển Đông. Công ty Nexen chỉ là người mới đến trong lĩnh vực khai thác và thăm dò dầu ở vùng nước sâu. Nexen không hề có bất kỳ giàn khoan nào và phụ thuộc vào các nhà thầu bên ngoài để thực hiện phần lớn công việc kỹ thuật khi thăm dò, khai thác dầu ở khu vực của mình trên Vịnh Mexico. Các nhà thầu này CNOOC có thể thuê hợp pháp bất kỳ lúc nào mình muốn.

Liên quan đến vụ mua Nexen, ngoài sự đồng ý của chính phủ Canada, CNOOC cũng phải được sự đồng ý từ chính phủ Mỹ vì Mỹ lo ngại thương vụ sẽ đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ. An ninh quốc gia cũng là một lý do mà Mỹ từ chối cho CNOOC mua công ty dầu Unocal của mình. Tháng 6-2005, CNOOC đề nghị mua công ty dầu Unocal của Mỹ với giá 18,5 tỷ USD, hơn cả mức giá mà công ty Chevron Texaco đưa ra. Lợi ích về dầu mỏ của Unocal ở Trung Á được coi là rất phù hợp với CNOOC về mặt chiến lược.

Tàu Hải cảnh Trung Quốc bảo vệ giàn khoan. Ảnh: ĐẮC MẠNH
Tàu Hải cảnh Trung Quốc bảo vệ giàn khoan. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Một nhóm nghị sĩ thuộc cả đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Quốc hội Mỹ phản đối đề nghị mua Unocal của CNOOC. Họ cho rằng 13 tỷ USD trong mức giá 18,5 tỷ USD mà CNOOC đề xuất là tiền CNOOC được vay ưu đãi từ chính phủ Trung Quốc, điều đó cho thấy đây không phải một vụ giao dịch trên thị trường tự do. Hơn nữa, nếu bán Unocal cho CNOOC, con số 13 tỷ USD này có nghĩa là chính phủ Trung Quốc được quyền sở hữu tài sản dầu mỏ của Mỹ - điều này có thể đặt ra rủi ro về mặt an ninh - kinh tế cũng như rủi ro cho cả khu vực. Unocal có công nghệ khoan và thăm dò dầu khí ở vùng nước sâu mà Trung Quốc còn thiếu. Sự phản đối của giới nghị sĩ Mỹ mạnh tới mức có nguy cơ tổn hại quan hệ song phương Mỹ - Trung. Ngày 20-7-2005, Unocal thông báo chấp nhận bán mình cho Chevron Texaco với giá 17,1 tỷ USD nhưng vẫn để ngỏ khả năng cho CNOOC nếu công ty này chào mua với mức giá hời hơn. Tuy nhiên, ngày 2-8-2005, CNOOC tuyên bố rút khỏi thương vụ với lý do thương vụ gây căng thẳng chính trị ở Mỹ.

Qua hai thương vụ của CNOOC, thành công với Nexen và thất bại với Unocal, có thể thấy rõ tham vọng bành trướng trên thị trường dầu toàn cầu của Trung Quốc nhằm thỏa mãn cơn khát dầu cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trở lại vụ việc giàn khoan Hải Dương - 981 ở Biển Đông. Nó vốn được các chuyên gia coi là một vũ khí mà Trung Quốc sử dụng để hỗ trợ trong công cuộc tìm nguồn dầu khí ở Biển Đông. Tuy nhiên, ông Ernest Bower, chuyên gia Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, nhận định: Hải Dương - 981 không hẳn có nhiệm vụ khai thác dầu ở vị trí đó, mà sự có mặt của nó ở Biển Đông là nhằm gây hấn và thể hiện sự tính toán của Trung Quốc. Sau khi thăm dò phản ứng của các nước, Trung Quốc vạch những bước tiếp theo nhằm thâu tóm dần khu vực Biển Đông.

Theo Tin tức/TXXVN

;
.
.
.
.
.