.

Tàu lớn ra Hoàng Sa

.

Trong thời điểm Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam cũng như ngang ngược ra lệnh cấm ngư dân đánh bắt hải sản trên Biển Đông (trong đó có ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa) từ ngày 16-5 đến ngày 1-8-2014, ngư dân Đà Nẵng liên tục hạ thủy tàu cá có công suất lớn.

Tàu cá ĐNa 90604 TS của anh Nguyễn Sương (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) sắp sửa vươn khơi.
Tàu cá ĐNa 90604 TS của anh Nguyễn Sương (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) sắp sửa vươn khơi.

Một gia đình có 5 tàu lớn ra Hoàng Sa

Cuối tháng 5, ba tàu cá có công suất lớn (trong đó có 2 tàu đánh bắt cá có tổng công suất 2.300 CV và 1 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá) của gia đình anh Nguyễn Sương (ngụ phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) sẽ ra Hoàng Sa đánh bắt và thu mua hải sản. Hiện tại, gia đình anh cũng đã có 2 tàu công suất 450 CV và 500 CV hoạt động ở ngư trường Hoàng Sa.

Căn nhà mà vợ chồng anh Nguyễn Sương đang sống khá rộng rãi, khang trang. Đây là thành quả từ sự nỗ lực của vợ chồng anh bao năm bám biển. Chị Hương (vợ anh Sương) cho biết, trước đây gia đình vốn làm biển ở Quảng Ngãi nhưng với tàu công suất nhỏ. Năm 2007, hai vợ chồng ra Đà Nẵng, sau đó bán tàu nhỏ, vay mượn thêm đóng hai tàu có công suất 400 CV và 500 CV. Thời điểm đó, tàu của anh cũng thuộc dạng lớn nhất nhì ở Đà Nẵng, vươn khơi xa, mỗi lần về cá đầy ắp. Kinh tế mỗi ngày mỗi khá giả, tạo được công ăn việc làm cho nhiều lao động ở Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, lại liên tục bị tàu Trung Quốc xua đuổi, cướp bóc, nên anh Sương muốn có những con tàu vững chắc hơn, vươn xa hơn. Với nguồn vốn tích góp được hơn 10 tỷ đồng, anh Sương mạnh dạn vay thêm 4 tỷ đồng từ ngân hàng. Sau hơn 4 tháng khởi công, cuối tháng 5-2014, 3 tàu của anh được hạ thủy. Trong đó có 2 tàu cá vỏ gỗ, kích thước, công suất máy, tải trọng lớn nhất miền Trung và đều đóng theo mẫu tàu cá Thái Lan.

Điều đáng nói, việc đóng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá của anh Sương cũng là một trong những cách nghĩ mới. “Trước hết, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá sẽ phục vụ nhu yếu phẩm và chuyên chở hải sản từ 4 tàu cá của mình, sau đó sẽ thu mua hải sản, cung cấp nhu yếu phẩm cho các ngư dân, để họ yên tâm vươn khơi bám biển dài ngày”, anh Sương tâm sự.

Sẽ có thêm nhiều tàu lớn đóng mới

Tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam    

Tối 26-5, ông Trần Văn Lĩnh, Quyền Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng cho biết, lúc 16 giờ cùng ngày, tàu cá ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm ở khu vực phía Nam Tây Nam giàn khoan Hải Dương-981 mà Trung Quốc đang hạ đặt trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước ta. Rất may 10 ngư dân trên tàu ĐNa 90152 đã được các tàu của ngư dân Việt Nam vớt và cứu hộ an toàn.

“Hội Nghề cá cực lực lên án hành vi hung hăng, bất chấp luật pháp quốc tế, vô nhân đạo của lực lượng Trung Quốc, cũng như tàu cá Trung Quốc. Về phía mình, Hội Nghề cá đang có kế hoạch để giúp ngư dân đóng lại tàu mới để vươn khơi”, ông Lĩnh nói.

Theo ông Lĩnh, ngư dân cần hết sức bình tĩnh trước hành vi ngang ngược của Trung Quốc và tiếp tục ra khơi bám biển; bởi ta đã có cơ sở pháp lý, đồng thời lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển luôn sát cánh để bảo vệ ngư dân…

AN NHIÊN

Chi cục Thủy sản thành phố Đà Nẵng cho biết, năm 2014, thành phố Đà Nẵng sẽ có khoảng 10 tàu có công suất trên 400 CV được đóng mới. Hiện tại, đã tổ chức hạ thủy 5 tàu, công suất từ 450 CV - 1.150 CV. Các phương tiện được hạ thủy đang làm hồ sơ để nhận tiền hỗ trợ của thành phố từ mức 400-800 triệu đồng. Đây là năm thứ ba thành phố thực hiện việc hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu thuyền và là năm có sự hỗ trợ nhiều tàu nhất, thể hiện bước đột phá trong chiến lược phát triển ngành thủy sản của thành phố.

Điển hình, vào giữa tháng 5-2014, gia đình ông Trần Toàn (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) đã cho hạ thủy tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có công suất 850 CV. Đây là tàu dịch vụ hậu cần lớn thứ 2 Đà Nẵng được hạ thủy trong thời gian qua. Hiện tại, tàu của ông Toàn có hơn 10 lao động hoạt động thu mua hải sản và cung ứng nhiên liệu tại ngư trường Hoàng Sa cùng với tổ dịch vụ hậu cần nghề cá số 1 Đà Nẵng.

Bên cạnh tàu vỏ gỗ, Công ty CP Ứng phó sự cố tràn dầu và dịch vụ hàng hải Bảo Duy (Công ty Bảo Duy) và một đối tác đang cùng nhau hoàn thành bản vẽ chi tiết, đồng thời tiến hành các thủ tục cần thiết để có thể cho ra đời bộ đôi tàu vỏ sắt công suất lớn ngay trong năm 2014. Ông Trần Công Vinh, Giám đốc Công ty Bảo Duy cho biết: “Ý tưởng hợp tác đóng hai con tàu sắt của chúng tôi là làm dịch vụ hậu cần nghề cá trọn gói trên các vùng đánh bắt truyền thống của ngư dân miền Trung với công suất mỗi chiếc 1.200 CV”.

Theo ông Vinh, mỗi tàu dài 35m, rộng 8m, mớn nước 3,2m, trọng tải 200 tấn. Mức đầu tư mỗi tàu không dưới 10 tỷ đồng.

Ngoài hai máy đông lạnh và thiết bị bảo quản hiện đại, những con tàu này còn có nhiều khoang chứa cá, thiết bị, thực phẩm, nhiên liệu, nước ngọt... đủ để hoạt động trên biển dài ngày. Khi đưa vào sử dụng, bộ đôi tàu dịch vụ hậu cần bằng vỏ sắt này sẽ trở thành một chuỗi cung ứng trọn gói trên biển, vừa thu mua hải sản vừa cung ứng nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho ngư dân có điều kiện bám biển dài ngày. Cũng theo ông Vinh, nếu hoàn thành được thủ tục giấy phép đóng tàu sớm trong năm nay thì đây sẽ là bộ đôi tàu sắt làm dịch vụ ra đời sớm nhất ở miền Trung.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

Động viên, hỗ trợ Cảnh sát biển, Kiểm ngư và ngư dân

Chiều 26-5, Đoàn công tác của Kho bạc Nhà nước Việt Nam do ông Trần Quốc Vinh, Phó Tổng Giám đốc làm trưởng đoàn đến thăm và động viên, hỗ trợ lực lượng Kiểm ngư Vùng 2. Cùng đi với đoàn có lãnh đạo Kho bạc Nhà nước thành phố. Thay mặt lãnh đạo ngành Kho bạc Nhà nước, ông Trần Quốc Vinh trao số tiền 1 tỷ đồng cho Chi đội Kiểm ngư số 3 (Chi cục Kiểm ngư Vùng 2). Dịp này, Kho bạc Nhà nước Việt Nam cũng đến thăm, động viên và hỗ trợ 1 tỷ đồng cho Vùng Cảnh sát biển 2 và 1 tỷ đồng cho Hội Nghề cá và Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi. Đây là số tiền đóng góp của cán bộ, công nhân viên ngành Kho bạc Nhà nước.                  

THÀNH LÂN

Tàu HP 926 cập cảng Đà Nẵng để sửa chữa

Sau 26 giờ hành trình từ vùng biển Hoàng Sa, đến chiều tối 26-5, tàu kiểm ngư HP 926 của Việt Nam đã cập cảng Đà Nẵng an toàn để tiến hành khắc phục, sửa chữa những hư hỏng do bị tàu Trung Quốc hung hãn lao vào.

Thuyền phó tàu HP 926 Nguyễn Bưởi kể lại, khoảng 9 giờ ngày 23-5, khi tàu HP 926 cùng các tàu Kiểm ngư và tàu Cảnh sát biển (CSB) khác của Việt Nam tiếp tục thực hiện quyền chấp pháp trên vùng biển Việt Nam tiếp cận giàn khoan Hải Dương-981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép thì bị tàu lai dắt đẩy ủi Hữu Liên 9 của Trung Quốc (thường gọi là tàu “đĩa bay”) hung hăng đuổi theo.

Khi cách tàu HP 926 khoảng 30m, tàu Hữu Liên 9 hú còi, chạy tốc độ cao và liên tục áp sát, sau đó dùng vòi rồng áp lực cao phun vào tàu HP 926. Mặc dù tàu HP 926 đã chủ động né tránh nhưng vẫn bị tàu “đĩa bay” này nhiều lần trườn lên tìm cách đâm va. Hậu quả, phía mạn trái tàu HP 926 bị hư hại từ khoảng sườn 27 về sau lái khoảng hơn 15m, hệ thống đường ống tàu phía mạn trái bị hỏng và gãy, khoang chân vịt trái bị biến dạng. Rất may không có thương tích về người.

Mặc dù tàu bị hư hại nhưng các cán bộ, thuyền viên trên tàu HP 926 vẫn kiên cường, tiếp tục bám trụ ngoài thực địa nhằm đấu tranh, bảo vệ chủ quyền trước khi nhận được lệnh đưa tàu về bờ sửa chữa.           

ĐẮC MẠNH

 

;
.
.
.
.
.