.
THI CÔNG CÔNG TRÌNH NÚT GIAO THÔNG NGÃ BA HUẾ

Hộ kinh doanh nhỏ gặp khó khăn

.

Sau khi các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn phường Hòa An, quận Cẩm Lệ lên tiếng vì không có đường để vận chuyển hàng hóa, đầu tháng 3-2014, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp này và kết quả là UBND thành phố chỉ cấm các phương tiện lưu thông vào một số giờ nhất định, còn lại vẫn cho phép lưu thông bình thường. Nhờ sự điều chỉnh kịp thời này mà hiện nay các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường.

Nhiều hộ kinh doanh trên đường Điện Biên Phủ ngay vị trí thi công nút giao thông ngã ba Huế đã đóng cửa vì ế ẩm.
Nhiều hộ kinh doanh trên đường Điện Biên Phủ ngay vị trí thi công nút giao thông ngã ba Huế đã đóng cửa vì ế ẩm.

Theo ông Trương Hùng Mạnh, Chủ tịch UBND phường Hòa An, khi thành phố thực hiện việc “cấm xe tải theo giờ”, hầu hết các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn đã tổ chức lại hoạt động phù hợp, nhờ đó không còn trường hợp nào kêu ca với địa phương như trước đây nữa. Ông Trần Văn Bình, chủ doanh nghiệp chuyên vận tải thiết bị máy, cho biết từ giữa tháng 3 đến nay, khi thực hiện cấm xe tải theo giờ, đơn vị đã chủ động điều chỉnh lại lịch làm việc, mặc dù có bất tiện, nhất là đối với các tuyến đi xa như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh khi về đến Đà Nẵng thường là vào giờ cấm nên  cố gắng nằm chờ.

Thế nhưng, theo ông Trương Hùng Mạnh, các hộ kinh doanh nhỏ trên địa bàn lại gặp khó khăn. Nguyên nhân là do nhiều người không đi được qua nút giao thông ngã ba Huế mà phải chọn các đường vòng khác nên các hộ kinh doanh này mất khá nhiều khách từ khu vực ngã ba Huế về trung tâm thành phố. “Từ đầu năm đến nay, phường đã ký giấy xác nhận rất nhiều trường hợp đề nghị cơ quan thuế giảm hoặc miễn thuế cho các hộ bị ảnh hưởng như thế này, tuy nhiên theo tôi biết thì chưa có trường hợp nào được thực hiện chính sách miễn giảm”, ông Mạnh nói. Cái khó của các hộ kinh doanh nhỏ hiện nay là mặc dù buôn bán ế ẩm do mất khách, nhưng vẫn không được miễn giảm tiền thuê mặt bằng hay tiền thuế nên nhiều người đã nghỉ bán.

Thống kê của Đội quản lý chợ Hòa An cho thấy, việc buôn bán tại chợ thời gian qua khá ế ẩm, mất khoảng 30% lượng khách. Hiện nay, tại  khu ki-ốt hàng ăn chỉ còn 6/24 hộ kinh doanh, khu ki-ốt bán trái cây còn 2 hộ kinh doanh và 2 hộ kinh doanh hoa tươi, 20 ki-ốt bỏ trống. Mặc dù vậy, theo Đội quản lý chợ, giải pháp hiện nay là ghi nợ cho các hộ này chứ không thể miễn vì chỉ tiêu đã được cơ quan thuế xây dựng từ đầu năm.

Đối với những hộ đang kinh doanh ở chân công trình nút giao thông ngã ba Huế, mặc dù được hỗ trợ tiền hằng tháng cũng như miễn giảm thuế, nhưng hầu hết những hộ này đang gặp rất nhiều khó khăn do buôn bán ế ẩm. Theo bà Thu, chủ hiệu buôn bán phụ tùng xe máy Thanh Thu, sau khi các hộ kinh doanh tại đây có đơn kiến nghị UBND thành phố thì đã được giảm 1/3 tiền thuế và có thêm tiền hỗ trợ hằng tháng, thế nhưng vẫn không bằng trước đây. Cụ thể, trường hợp của bà Thu được UBND thành phố hỗ trợ 12 triệu đồng/tháng, giảm 1/3 tiền thuế, thế nhưng theo bà Thu, so với trước khi khởi công công trình, thu nhập chỉ còn 50%.

Từ nay đến ngày công trình nút giao thông ngã ba Huế khánh thành đưa vào sử dụng khoảng 1 năm nữa, chính vì vậy người dân mong muốn cơ quan thuế nên xem xét miễn giảm cho các trường hợp thực sự bị ảnh hưởng từ công trình này. Bên cạnh đó, cần sớm tìm ra các giải pháp tổ chức giao thông phù hợp để tạo thuận tiện cho người dân đi lại và buôn bán ổn định cuộc sống.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.