.
Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Mô hình mới mang tính đột phá

.

Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đang là chương trình hành động trọng điểm của nhiều địa phương ở nước ta- từ các đô thị phát triển cho đến các tỉnh miền núi, vùng sâu còn khó khăn trong phát triển.

Cho đến nay, không ít tỉnh, thành phố - trong đó có Đà Nẵng - treo bảng cầu hiền, trải thảm đỏ đón người tài và không ít tỉnh, thành phố- trong đó có Đà Nẵng - dùng ngân sách địa phương để chọn người đưa đi đào tạo tại các trường đại học danh tiếng trong nước cũng như nước ngoài. Đối với Đà Nẵng và không riêng Đà Nẵng, đây là một dự án đầu tư công với nguồn tài lực khá lớn nhằm đáp ứng số lượng ngày càng tăng người được thu hút và được chọn cử đi đào tạo ở nhiều quốc gia trên thế giới. Do vậy việc quản lý dự án này không thể tiếp tục kéo dài tình trạng phân tán và thiếu tính chuyên nghiệp như lúc vừa khởi sự.

Đà Nẵng khởi sự treo bảng cầu hiền, trải thảm đỏ đón người tài cách đây 15 năm, khởi sự dùng ngân sách địa phương để chọn người đưa đi đào tạo cách đây 10 năm, và cách đây 5 năm thành lập Trung tâm Phát triển Nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố Đà Nẵng (tên giao dịch quốc tế là CPHUD) nhằm chuyên nghiệp hóa và tập trung quản lý việc đưa người đi đào tạo. Trung tâm Phát triển Nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố Đà Nẵng (dưới đây gọi tắt là Trung tâm) cũng giống như Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố Đà Nẵng (tên giao dịch quốc tế là IPC DANANG), đều là đơn vị sự nghiệp tương đương cấp sở, trực thuộc UBND thành phố.

Tuy nhiên, do xuất phát từ quan niệm chọn người đưa đi đào tạo ở bậc đại học thực chất là tạo nguồn cán bộ từ sớm - riêng chọn người đưa đi đào tạo ở bậc sau đại học thì đích thị là tạo nguồn cán bộ rồi, nên Trung tâm được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo mà thường xuyên là của Thường trực Ban Chỉ đạo Phát triển Nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố - gồm tập thể Thường trực Thành ủy và Trưởng ban Tổ chức Thành ủy. Có thể nói đây là mô hình mới và mang tính đột phá của Đà Nẵng.

Khâu tác nghiệp đầu tiên của Trung tâm là tham mưu chọn đúng người để đưa đi đào tạo. Muốn chọn đúng người không thể không xuất phát từ nhu cầu nhân lực chất lượng cao của thành phố trên từng lĩnh vực, từng ngành nghề và quan trọng hơn là trong từng thời điểm. Quan tâm đến nhu cầu trong từng thời điểm nhằm xác định chỉ tiêu tuyển sinh tương thích với thời điểm hoàn thành quá trình đào tạo - chứ không phải thời điểm bắt đầu quá trình đào tạo - của  từng lĩnh vực, từng ngành nghề và theo từng bậc học là biểu hiện rõ nét của tính chuyên nghiệp.

Muốn chọn đúng người cũng không thể không tổ chức xét tuyển công minh trên cơ sở sơ tuyển theo một hệ thống tiêu chuẩn hợp lý - do chính Trung tâm tham mưu, và qua phỏng vấn trực tiếp nhằm đánh giá động cơ tham gia Đề án của mỗi ứng viên. Chọn đúng người là một việc khó, bởi có khi người giỏi hơn -  thậm chí người được tuyển thẳng - lại không muốn tham gia Đề án, hay có khi người có triển vọng tốt về đào tạo chuyên môn theo lĩnh vực, ngành nghề thì không vượt qua được rào cản ngoại ngữ và ngược lại.

Đó là chưa kể tuyển chọn theo chỉ tiêu từng lĩnh vực, từng ngành nghề sẽ phải chấp nhận nghịch lý là người giỏi hơn có thể không được chọn hoặc không được chọn để đào tạo đúng với lĩnh vực, ngành nghề mà người đó có hứng thú và hơn thế nữa là đam mê - trong khi một lựa chọn tối ưu, lý tưởng phải đạt độ hài hòa cao giữa ba yếu tố: năng lực tự thân, hứng thú cá nhân và nhu cầu công vụ…

Khâu tác nghiệp thứ hai của Trung tâm là tham mưu chọn đúng trường, đúng khoa và thậm chí đúng thầy để đưa người đi đào tạo. Đúng trường tức là đúng địa chỉ đào tạo sao cho có chất lượng như mong đợi. Đà Nẵng ngay từ đầu đã hướng đến việc lựa chọn các trường trong top 200 theo bảng xếp hạng các đại học thế giới của Tạp chí Times Higher Education, vì thế đúng trường trước hết là phải chọn trường nằm trong thứ bậc nêu trên. Tuy nhiên tính chuyên nghiệp của Trung tâm còn biểu hiện ở chỗ phải biết gắn chọn đúng trường với chọn đúng khoa, bởi địa chỉ đào tạo có chất lượng như mong đợi có khi nằm ở cấp khoa của những trường được xếp hạng ngoài top 200.

Nhìn chung, với tính chuyên nghiệp cao và bề dày kinh nghiệm, Trung tâm có thể chủ động chọn đúng trường hoặc chọn đúng khoa, riêng chọn đúng thầy đến nay vẫn là việc trong tầm nhìn mà ngoài tầm với. Tất nhiên đã chọn đúng trường hay chọn đúng khoa thì về cơ bản là đã chọn đúng thầy, bởi thương hiệu của khoa hay của trường phần lớn được hình thành từ uy tín chuyên môn và phẩm hạnh nhà giáo của người thầy. Sở dĩ ở đây phải đặt vấn đề phấn đấu chọn đúng thầy là nhằm tạo điều kiện cho người tham gia Đề án có thể theo đuổi được lâu dài định hướng nghiên cứu vừa phù hợp với sở trường khoa học của thầy mình lại vừa phù hợp với đòi hỏi của đất nước.     

Khâu tác nghiệp thứ ba của Trung tâm là tham mưu theo dõi quản lý toàn bộ quá trình đào tạo của người tham gia Đề án. Không phải cứ chọn đúng người để đưa đi, cứ chọn đúng trường, đúng khoa, đúng thầy để gửi đến là tất yếu sẽ có được kết quả đào tạo như mong đợi. Thực tế cho thấy có không ít trở lực đối với những người đi học xa nhà, xa đất nước: nào là sốc văn hóa, nào là áp lực học tập căng thẳng dẫn đến các vấn đề về sức khỏe, nào là vướng bận chuyện tình cảm yêu đương…

Cho nên phải rất chuyên nghiệp thì Trung tâm mới có thể thiết lập được các kênh thông tin đa chiều về từng người tham gia Đề án nhằm kịp thời theo dõi quản lý và quan trọng hơn là kịp thời xử lý khi cần thiết - có trường hợp lâm bệnh nặng đến mức phải nhờ người đưa về nước chữa trị, có trường hợp phải xin gia hạn so với quy định chế tài để người học có cơ hội phấn đấu vượt lên ngưỡng xếp loại học tập khá…

Đó là chưa kể Trung tâm phải có đủ thông tin nhằm tham mưu giải quyết các trường hợp xin chuyển trường, xin chuyển ngành học hoặc xin kéo dài thời gian về nước để tiếp tục học lên… Ngoài ra Trung tâm còn phải thu thập những thông tin liên quan đến thành tích nghiên cứu khoa học của người tham gia Đề án, từ tham luận được đọc và đăng trong kỷ yếu các hội thảo khoa học cho đến những công trình nghiên cứu được chọn công bố trên các tạp chí chuyên ngành danh giá - thậm chí được in thành sách tham khảo…

Khâu tác nghiệp thứ tư của Trung tâm là tham mưu để phân-công-công-tác-sau-đào-tạo đối với người tham gia Đề án. Ở đây đòi hỏi Trung tâm phải thực sự trở thành chiếc cầu nối để những người mới tốt nghiệp trở về và những người sẽ trực tiếp sử dụng chất xám của họ có cơ hội tìm hiểu thông tin về nhau - tức thông tin ở cả hai chiều.

Mấy năm trở lại đây, nhằm giúp người mới tốt nghiệp trở về có dịp  quảng bá thông tin về quá trình học tập và nghiên cứu khoa học của bản thân, Trung tâm thường xuyên tổ chức các buổi báo cáo kết quả học tập dành cho người mới tốt nghiệp trở về. Tuy nhiên nỗ lực ấy cũng mới chỉ giải quyết được chiều thứ nhất; riêng chiều thứ hai là làm thế nào để mỗi người mới tốt nghiệp trở về nắm được thông tin liên quan tới cơ quan, đơn vị sẽ tiếp nhận và sử dụng chất xám của mình thì hầu như còn phó mặc cho chính họ.

Điều đáng nói là việc phân-công-công-tác-sau-đào-tạo đối với người tham gia Đề án không dừng ở chỗ ban hành quyết định đưa người này về đơn vị này, đưa người kia về cơ quan nọ mà còn kéo dài ít nhất là đến khi họ hoàn thành nghĩa vụ cống hiến cho sự phát triển của thành phố như đã cam kết trước khi được đưa đi đào tạo. Tất nhiên để có khả năng quán xuyến như vậy, Trung tâm cần chủ động tranh thủ sự hợp tác của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng và quản lý người tham gia Đề án được phân-công-công-tác-sau-đào-tạo.

Khâu tác nghiệp cuối cùng của Trung tâm là tham mưu xử lý các vấn đề tài chính của Đề án. Như đã nói trên, Đề án này là một dự án đầu tư công với nguồn tài lực khá lớn chủ yếu được lấy từ tiền thuế của người dân - tức là công quỹ. Cái khó của Trung tâm là một mặt làm thế nào để quản lý nguồn công quỹ ấy cho thật chặt chẽ theo đúng những quy định nghiêm ngặt về quản lý tài chính, nhất là về quản lý ngoại tệ, nhưng mặt khác lại phải hết sức linh hoạt nhằm đáp ứng những đòi hỏi nhiều khi rất khẩn trương của quá trình triển khai thực hiện Đề án, chẳng hạn như phải chuyển học phí cho cơ sở đào tạo đúng hạn - nếu chuyển quá hạn sẽ bị phạt…

Trung tâm còn phải tính toán phương án giải ngân để có thể chuyển được sinh hoạt phí vào thời điểm “giao thừa” giữa hai năm tài chính, khi Kho bạc Nhà nước kết toán khóa sổ… Vấn đề tài chính của Đề án còn là việc đàm phán với các cơ sở đào tạo để được họ giảm mức học phí có khi lên đến 25% hoặc 30% và nhất là phải “săn tìm” học bổng nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách- đây đồng thời cũng là cách xử lý vấn đề tài chính của bản thân Trung tâm (do thành phố có chính sách trích thưởng để khuyến khích Trung tâm tích cực đàm phán và “săn tìm”).

Ngoài ra tuy chưa phổ biến nhưng không còn cá biệt những trường hợp người tham gia Đề án vi phạm hợp đồng đào tạo đến mức buộc phải bồi hoàn kinh phí đã được thành phố chi trả, vì thế Trung tâm còn có nhiệm vụ đại diện cho thành phố để xử lý các tranh chấp dân sự có thể phát sinh…

Năm năm không phải là quá dài để có thể đánh giá đầy đủ mặt mạnh mặt yếu của một mô hình, tuy nhiên qua những gì vừa trình bày trên đây cũng đủ để khẳng định rằng Trung tâm quả là một mô hình mới và mang tính đột phá của Đà Nẵng.

Thời gian tới, bên cạnh việc phát huy tốt hơn nhiệm vụ tham mưu tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên đề ngắn hạn với giảng viên là những chuyên gia ngoại quốc nhằm cập nhật thông tin cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trên địa bàn thành phố về một số vấn đề mang tính toàn cầu như quản lý đô thị hiện đại, như giữ chân người tài, như phát triển bền vững…, Trung tâm còn có thể được giao thêm trọng trách tham mưu về việc treo bảng cầu hiền, trải thảm đỏ đón người tài nhằm tạo sự liên thông cần thiết giữa hai phương thức tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

ThS  BÙI VĂN TIẾNG

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy

;
.
.
.
.
.