Từ khắp nơi trên thế giới, gần 50 kiều bào hội tụ trên chuyến tàu Trường Sa - HQ 571 đến với quần đảo Trường Sa thân thương. Đa số họ đều lần đầu đặt chân đến vùng biển đảo này, chính vì vậy, cảm xúc dâng trào theo nhiều cung bậc khác nhau, từ chỗ ngỡ ngàng, ngạc nhiên tột bậc, đến những giọt nước mắt xúc động, những khúc ca hào hùng, những tâm sự rất thật, chan chứa tình yêu quê hương, đất nước.
Các kiều bào và những thành viên Đoàn công tác số 6 hô vang "Trường Sa, Hoàng Sa" khi hải trình ra thăm Trường Sa khởi hành. |
Đi tìm sự thật
Nhiều bà con kiều bào chia sẻ rằng, ở nơi họ đang sinh sống, có những luận điệu xuyên tạc cho rằng Biển Đông không còn là của Việt Nam. Bởi thế, tâm trạng của họ trước khi bắt đầu hải trình đến với Trường Sa chen niềm hào hứng lẫn sự bâng khuâng và hơn hết là tò mò về một vùng đất mà “không phải ai cũng có thể đến thăm được”. 81 tuổi - bước qua ngưỡng “cổ lai hy”, bác sĩ Bùi Duy Tâm (Việt kiều Mỹ) không ngần ngại tham gia chuyến hành trình dài ngày này. Ông tâm sự: “Tôi tình nguyện đăng ký được đi Trường Sa vì đây là điểm nóng hổi của đất nước, nhiều ý kiến trái ngược, không chính xác nên tôi muốn đi, mắt thấy, tai nghe sự thật”.
Sau chuyến hải trình chục ngày trên sóng nước Biển Đông, sự thật mà những kiều bào lần đầu tiên được thấy khiến họ không khỏi ngỡ ngàng. Khác xa những gì họ tưởng tượng, Trường Sa khoác trên mình màu xanh cây lá. Trường Sa có những mái nhà đầy ắp tình yêu thương, tiếng cười, tiếng hát trẻ thơ, và cả những ngôi chùa bình an, tĩnh tại giữa mênh mông biển trời. Trường Sa đang được bảo vệ vững chắc bởi những người lính dạn dày sương gió, da thẫm đen nhưng nụ cười lúc nào cũng thường trực trên môi và đôi mắt luôn ánh lên ý chí sắt đá, quyết tâm giữ biển, bảo vệ đảo đến tận hơi thở cuối cùng.
“Trong chuyến đi này, tôi nhận ra được rất nhiều điều mà tôi khó tưởng tượng ra. Tôi thấy các đảo tôi đến tổ chức cuộc sống rất chu đáo, các chiến sĩ canh giữ đảo có những tiện nghi mà tôi không thể ngờ được. Tất cả mọi thứ đều được tổ chức có khuôn phép, trật tự. Anh em cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn là những người tiên phong, lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu. Tinh thần đó tôi rất khâm phục. Tôi yên tâm hết sức là chúng ta không bao giờ mất Biển Đông”, ông Tâm chia sẻ những lời đầy tâm huyết. Trong khi đó, David Nguyễn (Việt kiều Mỹ) cho biết ông từng có những quan điểm cực đoan, chưa chính xác về Việt Nam, nhưng khi đến Trường Sa, được ca vang khúc hát về Trường Sa, Hoàng Sa ngay trên Biển Đông, ông hiểu rõ rằng, Biển Đông luôn luôn thuộc chủ quyền Việt Nam. “Tôi quá tự hào, hãnh diện là người Việt Nam, nhất là khi đứng giữa Biển Đông bao la”, David Nguyễn nói khi đến thăm đảo chìm Đá Tây C và khẳng định ông sẽ mang thông điệp “Biển Đông là của Việt Nam” chia sẻ với những người ở miền đất nơi ông đang sinh sống.
Ông Nguyễn Phương Hùng (Việt kiều Mỹ), dù lần thứ hai ra Trường Sa nhưng lúc nào cũng tất bật với việc quay phim, chụp ảnh, chia sẻ cảm xúc với mọi người về niềm tự hào khi đến với Trường Sa: “Tôi đã khóc rất nhiều trong chuyến đầu tiên ra thăm đảo, từ lúc bước lên tàu cho đến lúc cập bến đảo Song Tử Tây, tôi vừa quay phim vừa khóc. Lần này, tôi muốn chứng minh cho bà con ở hải ngoại thấy Trường Sa vẫn luôn thuộc chủ quyền của Việt Nam, mà tôi không nói bằng miệng, mỗi hình ảnh chúng tôi ghi lại sẽ nói lên hàng vạn lời”.
Hình ảnh những người lính Hải quân kiên trung, ngày đêm canh giữ biển trời Trường Sa đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng kiều bào đến từ khắp nơi trên thế giới. |
Lòng yêu nước lên đến đỉnh điểm
Gần 30 năm xa quê hương, ông Bùi Hữu Trung (Việt kiều Đức) có một chuyến đi đầy ý nghĩa mà theo ông, trong suốt cuộc đời, không chuyến đi nào sánh bằng. Ở điểm cuối của hải trình về Trường Sa, dừng chân ở khu vực nhà giàn DK1, ông Trung xúc động nói: “Cảm ơn Trường Sa! Chính Trường Sa đã quy tụ tất cả người Việt ở khắp nơi trên thế giới, với nhiều chính kiến, quan điểm khác nhau, để rồi tất cả đều thấy cùng điểm chung lớn nhất là tình yêu đất nước, lòng tự hào dân tộc. Lúc nào tôi cũng muốn bày tỏ lòng kính trọng rất lớn đối với quân và dân ở Trường Sa vì chắc chắn không phải ai cũng làm được như họ, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Cho đến bây giờ, có thể thấy lòng yêu nước, nhiệt huyết của mỗi thành viên trên tàu đã lên đến đỉnh điểm”.
Lời tâm sự của ông Trung cũng là cảm xúc rất thật của bà con kiều bào trên chuyến tàu HQ 571 đến thăm Trường Sa năm nay. Với họ, được lênh đênh trên sóng nước Biển Đông suốt một chặng đường dài, cảm nhận từng tấc đất, tấc biển quê hương, nhìn thấy sự bình yên nơi đảo xa được bao bọc bởi ý chí kiên cường của những người lính giữ đảo… là niềm hạnh phúc không gì sánh bằng. Cũng bởi lẽ đó, bà Phùng Tuệ Châu (Việt kiều Mỹ) nói rằng cứ đến điểm đảo nào bà cũng khóc vì xúc động, tự hào. Ông Lê Văn Thái (Việt kiều Thái Lan), là thế hệ người Việt sinh ra trên đất Thái, nhưng vẫn khẳng định ông tự hào mang dòng máu Việt và cảm thấy mình có trách nhiệm chung tay cùng người Việt trong và ngoài nước bảo vệ chủ quyền đất nước trên Biển Đông. Hay như ông Nguyễn Huy Thắng (Việt kiều Đức), đã sáng tác ngay ca khúc về Hoàng Sa, Trường Sa và hát vang giữa biển trời Trường Sa mênh mông…
Rất nhiều cảm xúc đọng lại sau chuyến hải trình ra thăm Trường Sa của bà con kiều bào năm nay. Tựu trung, ai cũng đều cảm thấy rất tự hào khi được đến với Trường Sa, một vùng biển đảo xa xôi của Tổ quốc. Dù bao khó khăn, vất vả vẫn còn nhưng mỗi con người sinh sống, làm việc trên đảo đều toát lên một tinh thần thép, một ý chí kiên cường, luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, bảo vệ từng tấc đất, tấc biển mà cha ông để lại. Và trên hết, kiều bào về với Trường Sa, như Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn khẳng định, là về với sự hòa hợp dân tộc, đại đoàn kết dân tộc vì một nước Việt Nam thống nhất, hòa bình.
(Còn nữa)
MỸ HẠNH