.
Trường Sa yêu dấu

Bài 2: Người lập pháo đài giữ đảo Cô Lin

.

Tháng 4 đầy nắng gió, trên con tàu Trường Sa- HQ 571, có một nhân vật đặc biệt mà sự xuất hiện của ông khiến những người đồng hành luôn muốn đến gần bày tỏ sự thán phục. Ông là Đại tá, Anh hùng LLVTND Vũ Huy Lễ - thuyền trưởng tàu HQ 505 - người chỉ huy lái con tàu lao lên bãi cạn, giữ đảo Cô Lin, bất chấp sự đe dọa trắng trợn của kẻ thù. Nhờ có ông và đồng đội, đảo Cô Lin vẫn hiên ngang giữa biển trời thuộc chủ quyền Việt Nam.

Lễ tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên vùng biển đảo Gạc Ma năm 1988 được tổ chức ngay trên tàu Trường Sa - HQ 571.
Lễ tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên vùng biển đảo Gạc Ma năm 1988 được tổ chức trang nghiêm ngay trên tàu Trường Sa - HQ 571.

Cắm cờ giữ đảo

Cựu thuyền trưởng tàu HQ 505 nhớ lại: “Ngày 13-3-1988, Quân chủng Hải quân mật lệnh cho tàu tôi neo ở đảo Cô Lin để giữ đảo, còn tàu HQ 604 giữ đảo Gạc Ma, không cho đối phương lấn chiếm đảo của mình. Chiều 13-3, chúng tôi thả neo ở phía nam đảo Cô Lin, tàu HQ 604 thì neo ở Gạc Ma. Trên đường đi từ đảo Đá Lớn lên đó, đối phương thường xuyên cho tàu chiến ngăn cản nhưng anh em vẫn quyết tâm giữ hướng đi, duy trì tốc độ, kéo còi tránh va quốc tế, yêu cầu họ tránh đường để chúng tôi đi. Chúng tôi đến Cô Lin đúng theo kế hoạch và chỉ thị của cấp trên. Tuy nhiên, khi thả neo xong, đối phương thường xuyên cho tàu chiến đến quan sát, áp sát, chạy xung quanh tàu chúng tôi”.

Lúc bấy giờ, thấy tình hình căng thẳng, ông Lễ nhận định khả năng ngay trong đêm hoặc sáng hôm sau, hải quân Trung Quốc sẽ cho quân lên chiếm đảo. Chính vì thế, ông bàn với anh em trong ban chỉ huy tàu cho người lên đảo cắm cờ để thể hiện chủ quyền của Việt Nam.

Ngay sau khi anh em thống nhất và được sự chấp thuận của Sở chỉ huy ở đất liền, thuyền trưởng Lễ cử một tổ lên đảo cắm cờ. “1 giờ đêm, chúng tôi hạ xuồng xuống, anh em đi bộ lên đảo Cô Lin. Lúc đó nước xuống thấp nhất, những bãi san hô hiện ra, anh em dùng cuốc chim, xà ben đào lỗ cắm cờ. Đến 4 giờ sáng, anh em cắm cờ xong và về tàu”, ông Lễ kể.

Nhờ kế hoạch nhanh trí này, cờ đỏ sao vàng Việt Nam đã tung bay trên đảo Cô Lin, bất chấp sự rình rập, đe dọa của đối phương. Tuy nhiên, niềm vui đánh dấu chủ quyền thắp lên chưa được bao lâu thì cảnh tượng ngay sau đó khiến ông Lễ cùng anh em tàu HQ 505 không khỏi bàng hoàng, căm phẫn.

Đại tá, anh hùng QĐND Vũ Huy Lễ luôn nhớ về những đồng đội đã hy sinh trên vùng biển Gạc Ma năm 1988
Đại tá Vũ Huy Lễ luôn nhớ về những đồng đội đã hy sinh trên vùng biển Gạc Ma năm 1988

Giây phút sinh tử

Cắm cờ ở đảo Cô Lin xong, ông Lễ cùng đồng đội trên tàu HQ 505 quan sát về phía Gạc Ma, nơi tàu HQ 604 neo đậu. Mọi người bất ngờ khi thấy trên đảo có nhiều người lố nhố, trong khi xuồng của Trung Quốc lại ở ngay sát mép đảo. “Thấy thế, chúng tôi tổ chức báo động, nhổ neo cho tàu cơ động sẵn sàng chiến đấu. Nhìn sang đảo Gạc Ma, tôi thấy nòng pháo trên tàu chiến đối phương lóe sáng cùng nhiều tiếng nổ lụp bụp. Tôi hiểu bên đó tàu HQ 604 đang bị bắn, còn đối phương đã lên chiếm đảo của ta. Được một lúc sau thì HQ 604 bị chìm. Đối phương tiếp tục dùng 2 tàu chiến tập trung hỏa lực bắn sang tàu của tôi. Toàn bộ phía mạn phải, đài chỉ huy, hầm dầu, hầm hàng bị trúng đạn. Toàn tàu bị mất điện, tàu không cơ động được nữa, không sử dụng được lái, máy chính bị sự cố, gió mùa đông bắc lại thổi khiến tàu bị trôi ra xa đảo. Lúc ấy, nước vào tàu rất nhiều, lái không sử dụng được, tàu nghiêng, có khả năng bị chìm như HQ 604”, ông Lễ nhớ lại thời khắc sinh tử đã qua.

Với ông Lễ, trong thời khắc ấy, chỉ tồn tại duy nhất một suy nghĩ là “nếu tàu bị chìm thì ta mất tàu, mất đảo, trên 50 cán bộ, chiến sĩ sẽ hy sinh hết”. Chính vì thế, ông trao đổi cùng tập thể ban chỉ huy tàu bằng mọi giá phải đưa tàu lên đảo. Nghe xong, tất cả đều quyết tâm chiến đấu, giữ tàu, giữ đảo. Mọi người ngay lập tức tỏa ra các vị trí trên tàu. Trưởng máy cho người xuống khoang sửa chữa, bịt rò, chống đắm. Một số khác đi đến các vị trí sẵn sàng chiến đấu nếu đối phương tiếp tục lấn chiếm đảo của ta. Dù vậy, một lúc sau, tàu lại tiếp tục trúng một quả đạn pháo nữa, ở phía trục lái, làm lái tàu kẹt cứng không thể nào khắc phục được.  “Sau đó, đồng chí máy trưởng báo 2 máy chính đã sửa xong. Tôi sử dụng một máy tiến, một máy lùi để cho mũi tàu quay về phía đảo, dùng cả hai máy tiến hết tốc độ để lao lên bãi cạn. Lao lên được rồi, chúng tôi kiên quyết sẽ dùng súng bộ binh chống trả nếu đối phương cho quân lên chiếm đảo”, Đại tá Vũ Huy Lễ kể.

Khi tàu lên bãi cạn, quan sát sang phía Gạc Ma, thuyền trưởng Lễ và đồng đội nhìn thấy anh em HQ 604 trôi dạt trên biển rất nhiều, trên đảo thì lố nhố người. Ngay lập tức, mọi người triển khai công tác cứu vớt đồng đội bằng chiếc xuồng cứu sinh duy nhất còn lại trên tàu. Đến 12 giờ trưa, anh em HQ 505 đã cứu được trên 40 cán bộ, chiến sĩ, có cả thương binh, tử sĩ. Và đến 1 giờ chiều, toàn bộ anh em tàu HQ 604 được đưa sang HQ 671 để chuyển về đảo Sinh Tồn tiếp tục cứu chữa. “Lúc này, mọi người rất đau xót, căm phẫn đối phương vì đảo của mình mà đối phương lại ngang nhiên đến đánh chìm tàu, chiếm đảo”, giọng ông Lễ chùng xuống khi nhắc lại khoảnh khắc bi thương năm ấy.

Suốt 2 tháng sau đó, vị thuyền trưởng dạn dày sương gió Vũ Huy Lễ cùng gần chục đồng đội bám trụ giữ đảo Cô Lin, dù cho Trung Quốc liên tục cho tàu đến đe dọa. Khi rời tàu, rời đảo về đất liền, ông Lễ không khỏi bịn rịn, lưu luyến khi nhìn con tàu bị thương vì đạn pháo của đối phương. Con tàu đã đổi màu vì sóng gió nhưng vẫn hiên ngang đứng vững trên đảo Cô Lin - nơi ông và đồng đội đã hy sinh xương máu để giữ bằng mọi giá.

Nhiều năm trôi qua, giờ đây, khi đứng giữa biển khơi mênh mông tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ hy sinh ở vùng biển đảo Gạc Ma năm ấy, Anh hùng Vũ Huy Lễ vẫn không thôi buồn thương, xúc động. Suốt một hành trình dài trên sóng nước Trường Sa, lúc nào gương mặt ông cũng chìm trong suy tư, trầm mặc. Có lẽ ông nhớ đồng đội đã hy sinh, hay ông không thể quên được những thời khắc sinh tử mà ông và những đồng đội của mình phải trải qua để bảo vệ đảo, giữ chủ quyền vùng biển thiêng liêng của đất nước. Chính nhờ những giây phút kiên cường đó mà giờ đây, ông lại được thênh thang đi giữa biển trời gió lộng, ngắm cờ Tổ quốc tung bay trên Trường Sa sừng sững kiên trung.

(Còn nữa)

MỸ HẠNH

;
.
.
.
.