Trong chuyến hành trình của Đoàn công tác số 6 đến với Trường Sa tháng 4-2014, lần đầu tiên, gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp có 3 món quà đặc biệt dành tặng Trường Sa.
Đoàn công tác số 6 do Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn (giữa) dẫn đầu, cùng Thượng tọa Thích Giác Nghĩa (cạnh Thứ trưởng) trao tặng cây kim giao cho đảo Sơn Ca. |
Tiếp sức mạnh cho Trường Sa
Chiều trên đảo Sơn Ca. Giữa cái nắng gắt và gió biển dịu nhẹ, hàng chục người tề tựu chung quanh gốc cây kim giao mảnh khảnh, chứng kiến thời khắc cây chính thức là “công dân của Trường Sa”. Điều đặc biệt, gây sự chú ý của nhiều người là bởi cây kim giao này do chính gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi tặng Trường Sa và người “chuyển tải” chính là Thượng tọa Thích Giác Nghĩa, trụ trì chùa Trường Sa Lớn trên đảo Trường Sa Lớn.
Thượng tọa Thích Giác Nghĩa tâm sự: “Khi Đại tướng từ trần, tôi ở Trường Sa không về viếng được. Vậy nên, cuối năm 2013, khi về nghỉ phép ở Nha Trang và nhân chuyến ra Hà Nội, tôi đã đến thăm gia đình Đại tướng, thắp hương cho Đại tướng. Anh Võ Hoài Nam, người con trai út của Đại tướng, đã tiếp đón trân trọng và trao cho tôi 3 sản phẩm rất đặc biệt liên quan đến người cha của mình. Đó là di ảnh Đại tướng có chữ ký của ông, sắc phong Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký vào năm 1948 và 3 cây kim giao để đem ra Trường Sa trồng. Những cây kim giao này được chiết từ cây kim giao do Đại tướng sưu tầm và hiện đang được trồng trong vườn nhà Đại tướng ở Hà Nội”.
Những món quà đặc biệt này hiện đang được lưu lại trên các đảo ở Trường Sa, mang theo tinh thần bất khuất, kiên trung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân trên đảo. “Chúng tôi đem cây kim giao ra đảo trồng để mang tinh thần của Đại tướng đến với mọi người, với biển đảo. Đó là tinh thần một đời cống hiến cho đất nước, dân tộc, một người anh hùng lớn của dân tộc Việt Nam. Cây kim giao này nhắc nhở bộ đội rằng chúng ta luôn học tập theo công hạnh, cuộc đời của Đại tướng. Cây này lớn mạnh chừng nào thì tinh thần của Đại tướng lớn mạnh ở biển đảo nói riêng và đất liền nói chung. Chúng tôi mong rằng cây kim giao này là biểu tượng đem đến sức sống, lời nhắc nhở các thế hệ thanh niên ý thức hơn về sự sống còn của quốc gia, bình yên của dân tộc. Tổ quốc của chúng ta đang cần sự đóng góp, hòa hợp dân tộc để xây dựng một đất nước lớn mạnh”, Thượng tọa Thích Giác Nghĩa nói.
Nối vòng tay lớn đến Trường Sa
Đại đức Thích Thắng Tấn (huyện Di Linh, Lâm Đồng) lần đầu tiên đến Trường Sa, mang theo mình một bức thư với những dòng tâm sự mộc mạc, chân thành của các em thiếu niên trong một nhóm từ thiện gửi đến những người lính đảo. Trong thư, các em viết: “Nước mình còn nghèo về kinh tế nhưng tình cảm thì không bao giờ thiếu cả. Lòng yêu nước đã thấm đẫm và chảy trong máu của mỗi người dân Việt. Giữa chốn ngút ngàn trùng khơi quanh năm sóng vỗ ấy, chúng em biết các anh phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, gian khổ… Chúng em biết nơi đảo xa xôi, các anh luôn nhớ về đất liền thân yêu, về gia đình ấm áp của mình. Nhưng các anh đừng buồn nhé! Tình cảm của chúng em cũng như nhân dân cả nước dành cho các anh rất nhiều và cả gia đình của các anh nữa. Tất cả vẫn luôn đứng bên sát cánh cùng các anh, cổ vũ các anh hoàn thành nhiệm vụ cao cả mà Đảng và Nhà nước giao cho. Những trái tim nhỏ bé chốn đất liền luôn hướng về Trường Sa!”. Cùng với lá thư này là chiếc áo mang sắc màu cờ đỏ sao vàng gửi tặng chiến sĩ Hải quân - một hình ảnh đẹp như nhắc nhở, động viên các anh vượt qua khó khăn, kiên cường bám biển, giữ đảo.
Không chỉ vậy, nhiều người còn thể hiện tình yêu Trường Sa theo cách riêng của mình. Anh Tưởng Văn Quý (TP. Hồ Chí Minh) gửi tặng đảo Sơn Ca và Trường Sa Đông 6 chú chó Phú Quốc - một giống chó đặc biệt của Việt Nam mà theo anh là rất dễ sống ở vùng đảo. Những chú chó này gia nhập “đội quân đuôi dài” trên đảo và cũng được xem là những “công dân đặc biệt” của Trường Sa. Hay anh Lê Thanh Hải (Việt kiều Ba Lan) đã tặng cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 những chiếc phao lắp ghép (trị giá hơn 50 triệu đồng). Và ngay sau chuyến đi, anh nói rằng sẽ vận động bạn bè, người quen cùng đóng góp để tặng xuồng CQ, hoặc xuồng CV cho một đảo nào đó ở Trường Sa. “Tôi nghĩ tôi có thể làm được điều đó”, anh Hải nhấn mạnh.
Với những Việt kiều đến từ khắp nơi trên thế giới, ngoài quà tặng vật chất dành tặng Trường Sa, thì món quà ý nghĩa hơn nữa chính là những thông điệp rõ ràng gửi đến những ai còn nghĩ sai lạc về đất nước. Bác sĩ Bùi Duy Tâm (Việt kiều Mỹ) khẳng định ông sẽ nói với kiều bào khác rằng: “Người Việt Nam ở hải ngoại nếu không làm gì để ủng hộ thì cũng không nên có những luận điệu không tốt, không có lợi cho dân tộc. Dù gì họ cũng là người Việt Nam. Tôi muốn gửi thông điệp cho các kiều bào là hãy chung tay giữ vững lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam mà cha ông đã dựng nên”.
(Còn nữa)
MỸ HẠNH