Ai đã từng đến Trường Sa cách đây 5 năm, bây giờ quay lại, chắc chắn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến những đổi thay vượt bậc của huyện đảo này. Từng ngõ ngách ở các đảo của Trường Sa đều toát lên một sức sống kiên cường, dù bao khó khăn, gian khổ, hiểm nguy vẫn còn đó.
Thị trấn Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) đã “thay da đổi thịt” với cơ sở vật chất ngày càng khang trang, hiện đại. |
“Chồi non nẩy lộc”
“Chồi non” gây ấn tượng đặc biệt với những người đến từ đất liền chính là cô bé Đoàn Phúc Vi Sa, chưa đầy một tháng tuổi - công dân nhỏ tuổi nhất ra đời tại xã đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Giấc ngủ bình yên của bé bên cha mẹ và anh trai trong căn nhà khang trang, sạch đẹp trên đảo càng khiến những người đến thăm em thấy ấm lòng.
Chị Phạm Thị Bích Luyện, mẹ bé Sa, đâu ngờ rằng mình lại sinh non trước gần 2 tháng. Chính vì vậy, khi các bác sĩ quân y trên đảo đỡ đẻ thành công, “mẹ tròn, con vuông”, chị Luyện vui mừng khôn xiết. Chị chia sẻ: “Lúc đầu tôi cũng định vào đất liền sinh con nên đến khi chuyển dạ trên đảo, tôi lo lắng lắm. Sau đó, mọi chuyện suôn sẻ, bình an, cả nhà đều thấy vui mừng, hạnh phúc”. Vậy là Trường Sa đã có thêm thành viên mới, một “chồi non” đầy sức sống trên mảnh đất xa xôi, khắc nghiệt. Mai này đây, khi lớn lên, chắc hẳn Vi Sa sẽ rất tự hào là công dân Trường Sa, mảnh đất chôn nhau cắt rốn rất đặc biệt này.
Ở các đảo chúng tôi đến thăm như Đá Nam, Sinh Tồn, Đá Thị, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn, Đá Tây, Đá Lát…, cuộc sống thực sự rất bình yên, tĩnh tại. Những mầm non cây lá trên các đảo nổi hằng ngày vẫn sinh sôi, nảy nở, bao phủ một màu xanh rợp trời biển. Ở các đảo chìm, cuộc sống vất vả bội phần nhưng nào thiếu những mảng xanh, những “hạ sĩ quan cún” - theo tiếng gọi vui của lính đảo, những chú vịt, chú lợn thong dong, thư thả “ngắm” mây trời… Cuộc sống thanh bình nơi đảo xa đã khiến những người đến từ đất liền nảy sinh một tình yêu vô bờ đối với mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc. Ông Bùi Hữu Trung (Việt kiều Đức) còn nhấn mạnh, nếu được đăng ký làm công dân Trường Sa, chắc chắn huyện đảo Trường Sa là nơi đông dân nhất Việt Nam.
Điểm du lịch tuyệt vời
“Trường Sa có sân bay có thể là điểm du lịch tuyệt vời về hàng không, có thềm san hô rộng, đẹp trên 132 nghìn m2, đa sắc màu, chủng loại san hô, nhiều hải sản quý… Đến điểm này, chúng ta có thể du lịch lặn biển, câu cá, tìm hiểu thềm san hô…”, Thượng tá Phạm Văn Hòa - Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn, nói về triển vọng biến Trường Sa thành một điểm du lịch lý tưởng của Việt Nam.
Chuyện du lịch Trường Sa nghe có vẻ còn mông lung nhưng trên thực tế, những ai đi biển vào tháng 4 trên tàu HQ 571 cũng đều có cảm giác như đang được du lịch đến vùng đảo này. Bởi bao quanh các đảo là những cảnh đẹp thỏa mãn lòng yêu thích của bất cứ ai ham mê du lịch và khám phá. Đó có thể là ánh bình minh huyễn hoặc vào buổi sớm mai giữa mênh mông sóng nước, hay ngắm hoàng hôn buông chầm chậm khi chiều về, cùng ánh trăng vằng vặc soi sáng cả một vùng biển đêm bao la. Đó cũng có thể là những giây phút tĩnh tại, lắng đọng tâm hồn khi nghe tiếng chuông chùa vang vọng trên một hòn đảo nổi; là cảm giác khoan khoái khi hít thở khí trời Trường Sa từ trên những cây đèn biển cao đến hàng chục mét…
Chuyển động không ngừng
Khi đến thăm xã đảo Sinh Tồn, Đại tá, PGS, TS Đỗ Minh Thái, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân cho biết, ở vị thế tiền tiêu, Sinh Tồn hội tụ đầy đủ các yếu tố của một đời sống kinh tế - xã hội tương đối độc lập, có chùa, trụ sở cơ quan chính quyền của xã, hải đăng, dân cư sinh sống, trường học… Sinh Tồn đang tổ chức xây dựng âu thuyền như ở Song Tử Tây để lúc bão gió, hàng trăm tàu cá của ngư dân có thể về tránh bão, chứ không phải chạy vào bờ nữa. Nhờ vậy, giảm chi phí về thời gian, nhiên liệu, giúp ngư dân luôn bám ngư trường, cùng quân và dân Trường Sa khẳng định chủ quyền ở vùng biển, đảo xa xôi của Tổ quốc.
5 năm trước, lớp học ở Sinh Tồn chỉ là những phòng ghép, dùng tạm của trụ sở chính quyền. Giờ đây, Sinh Tồn đã có một ngôi trường tiểu học hai tầng khang trang, hiện đại. Cùng thời gian cách đây 5 năm, Trường Sa Lớn chưa có ngôi chùa uy nghiêm hay Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ… Đảo chìm Đá Tây chưa có những ngôi nhà 3 tầng kiên cố được xây dựng từ kinh phí của chương trình Góp đá xây Trường Sa như bây giờ… Biết bao đổi thay của Trường Sa chỉ diễn ra trong vòng vài năm trở lại đây khiến những ai đã từng đến và trở lại đều ngạc nhiên, trầm trồ thán phục.
Giờ đây, Trường Sa không còn là những hòn đảo đơn độc giữa Biển Đông bao la mà nơi này mang trong mình mọi hình thái của một đời sống kinh tế - xã hội phong phú, đa dạng và đang ngày một “thay da đổi thịt” từng ngày theo cùng sự phát triển của đất nước. Có người đã thốt lên rằng: “Đúng là cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”. Cả nước đang hướng đến Trường Sa, chung tay góp sức xây dựng Trường Sa ngày càng phát triển mạnh mẽ. Quân và dân trên quần đảo Trường Sa cũng không phụ lòng người dân cả nước, ngày đêm canh giữ biển trời, bảo vệ từng tấc đất, tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc.
(Còn nữa)
MỸ HẠNH