.
Trường Sa yêu dấu

Bài cuối: Cột mốc chủ quyền sống ở Biển Đông

.

Đã một lần “hụt” chuyến thăm Nhà giàn DK1 ở vùng thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, nên trong hải trình Trường Sa năm nay, khi chân đã bước thong dong trên “cột mốc sống” này, mọi cảm xúc trong tôi như vỡ òa, hạnh phúc hòa chung niềm xúc động tột cùng.

Nhà giàn DK1/18 Phúc Tần đón khách từ đất liền ra thăm tháng 4-2014.
Nhà giàn DK1/18 Phúc Tần đón khách từ đất liền ra thăm tháng 4-2014.

Nơi nuôi dưỡng tinh thần thép

Khi kể về cuộc sống của anh em nhà giàn, Trung tá Lương Đình Hiền, người có thâm niên hơn 13 năm gắn bó với các nhà giàn DK1 (hay còn gọi là Trạm Kinh tế - khoa học - dịch vụ) cười vui nói: “Mọi thứ ở đây đều không còn là của riêng ai nữa. Tất cả chúng tôi khi sống trên nhà giàn đều cùng ăn, cùng làm việc, cùng san sẻ tình cảm, và hẳn nhiên là cùng hy sinh để bảo vệ chủ quyền thềm lục địa của Tổ quốc”.

Nơi đây, cuộc sống khó khăn, gian khổ, hiểm nguy bao nhiêu thì tinh thần của các anh em lại được hun đúc lớn mạnh bấy nhiêu. Thiếu nước - rất thiếu. Nhưng các anh thích nghi ngay. 5 lít nước mỗi người trong một ngày, vừa vệ sinh cá nhân, tắm, giặt…, vừa dùng nước thải cuối cùng để tưới rau. Trung úy Phạm Tiến Dũng (Nhà giàn DK1/18 Phúc Tần) nói vui: “Em thấy không, tóc các anh ở đây đều cắt rất ngắn, vừa gọn, vừa đỡ tốn nước gội đầu”.

Sá gì gió mưa, khó khăn, gian khổ. Lính nhà giàn vẫn tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi heo, câu cá, bảo đảm lương thực, thực phẩm hằng ngày, kể cả trong mùa mưa bão. Thậm chí, khó khăn, thiếu thốn nhưng các anh vẫn thường xuyên trợ giúp ngư dân. Lúc cấp nước ngọt, khi thì san sẻ bớt thực phẩm. Đặc biệt hơn, theo như lời kể của Trung tá Nguyễn Văn Suốt (Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/18), năm 2013 đã có trường hợp một ngư dân ở Bình Thuận thoát “lưỡi hái tử thần” nhờ quân y trên nhà giàn cứu giúp kịp thời.

Chỉ tay về phía cuốn lịch đang treo trên tường, anh Phạm Tiến Dũng “bật mí” cho chúng tôi nghe câu chuyện bóc lịch: “Không phải ai cũng được bóc lịch hằng ngày đâu nhé. Chỉ có người nào mà thời gian công tác trên nhà giàn còn ít nhất thì mới được ưu tiên xé lịch mỗi ngày”. Vậy đấy, các anh cũng chỉ là những con người giản dị, bình thường, cũng mong ngóng những đợt nghỉ để được về với gia đình, vợ con. Lắm lúc nhớ vợ, thương con nhưng cũng nén lòng để hy sinh cho tình yêu lớn hơn - tình yêu đối với đất nước nơi anh và gia đình đang sinh sống an bình.

“Ăn cơm dân, mặc áo Đảng, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc”

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn khi đến thăm nhà giàn DK1/18 Phúc Tần nói rằng chuyến đi lần này như có phép màu, sóng yên biển lặng. Nhờ vậy, những người đến từ đất liền mới có cơ hội đặt chân lên nhà giàn để tìm hiểu rõ hơn tâm tư, tình cảm của những người lính nơi đây.

Khi đứng trên con tàu HQ 571, nhìn về phía nhà giàn và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên vùng thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, các thành viên trong Đoàn công tác số 6 đều lặng người xúc động. Những cánh hoa cúc vàng chuyền tay nhau thả xuống biển, những vòng hoa nền đỏ kết ngôi sao vàng được trang trọng thả trôi về phía các nhà giàn… thay cho lời tri ân của những người con đất Việt đối với các anh hùng đã quả cảm hy sinh cho sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đó là tấm gương cao đẹp của liệt sĩ Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng - Phó Chính trị Nhà giàn DK1/3 Phúc Tần, khi nhà bị đổ, đã cùng đồng đội bơi nhiều ngày trên biển. Trong lúc sóng to, gió lớn, anh đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng cho người chiến sĩ yếu nhất để thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng vào ngày 5-12-1990. Là sự hy sinh của liệt sĩ Đại úy Vũ Quang Chương - Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên trước sự hung dữ và tàn khốc của cơn bão số 8 (1999)…

Nhiều người đã lặng lẽ giấu đi những dòng nước mắt xúc động khi tận mắt thấy, tai nghe những hy sinh âm thầm của người lính trên những “cột mốc chủ quyền sống” này. Tâm sự với lính nhà giàn, một kiều bào chân tình chia sẻ: “Sau chuyến đi này, tất cả giá trị cuộc sống mình đều phải đánh giá lại hết. Nếu ở đất liền, có những điều bình thường, mình không coi trọng nó. Nhưng với người lính nơi đây, mọi thứ đều phải rất kỳ công mới có được”. Vậy đấy, nói là đến thăm, động viên các anh làm nhiệm vụ, nhưng ngược lại, chính tinh thần thép, ý chí kiên cường của các anh lại là nguồn khích lệ lớn lao đối với những người đến từ đất liền.

“Đảng, Nhà nước giao cho chúng tôi sử dụng một công trình mà phải tốn bao công sức, tiền của, mồ hôi, xương máu mới giữ được, vậy nên chúng tôi phải cố gắng bảo vệ. Không chỉ là cho hôm nay mà cho cả các thế hệ tiếp nối nữa”, lời tâm sự của Trung tá Lương Đình Hiền càng khiến chúng tôi an lòng bởi các anh sẽ luôn giữ vững ý chí sắt đá, tinh thần thép, quyết tâm bảo vệ “cột mốc sống” - niềm tự hào của Tổ quốc trên Biển Đông.

Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ (gọi tắt là DK1) được ra đời ngày 5-7-1989, để đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền, biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới.

Hiện có tất cả 15 nhà giàn. Nhà giàn xa đất liền nhất là Ba Kè C, cách đất liền khoảng 630km, nhà giàn DK1/10 (Bãi cạn Cà Mau, tỉnh Cà Mau) cách Vũng Tàu gần 700km, nhưng cách mũi Cà Mau chỉ 110 hải lý, tương đương gần 200km. Đa số các nhà giàn hiện đã được lắp pin năng lượng mặt trời để cung cấp điện cho sinh hoạt, làm việc. Một số có bãi đỗ máy bay trực thăng, có khả năng liên lạc với đất liền bằng điện thoại di động thông thường.

MỸ HẠNH

;
.
.
.
.
.