Mô hình “Tiếng còi báo động” ở tổ dân phố 168 (TDP 62 cũ) phường An Khê, quận Thanh Khê của ông Trần Đình Dũng - tổ trưởng - đã vang khắp 83 tổ trong toàn phường, lan đến các phường khác trên địa bàn quận và một số phường lân cận. Ít ai biết tiếng còi đó là sự tiếp nối, “chuyển hóa công năng” từ tiếng kẻng của tổ hợp tác năm xưa gọi nhân dân ra đồng mỗi sáng và trở về nhà vào cuối chiều.
Ông Dũng bảo rằng tiếng còi báo động “hiệu quả lắm, lại đơn giản và quan trọng là đúng nguyện vọng của nhân dân. Cứ nhân dân hưởng ứng, phát huy hiệu quả thì làm tới. Cốt yếu mình làm vì dân, vì cái sự nghiệp, kinh nghiệm, những trăn trở với công việc làm tổ trưởng TDP suốt hơn 20 năm - muốn bỏ cũng không ai cho”.
Từ năm 2006-2008, khu vực Phần Lăng chưa có TDP, trong khi cư dân phần lớn từ khắp nơi về sinh sống sau khi dự án mở rộng đường Điện Biên Phủ được triển khai. Cướp, trộm cắp lộng hành ngày đêm khiến nhân dân bất an. Bản thân người dân đến sinh sống thì không sao, nhưng nhiều thanh niên hư hỏng từ khắp nơi đổ về làm khuấy động, hỗn tạp cả khu dân cư. “Tôi về định cư ở đây từ năm 2007, đến tháng 4-2008 thành lập tổ và được bầu làm tổ trưởng TDP. Trước thực trạng bất ổn trong khu dân cư, tôi bàn với anh Mười (Bí thư chi bộ lúc bấy giờ) nên triển khai mô hình “Tiếng còi báo động”. Tôi đã có kinh nghiệm mô hình này từ khi còn ở TDP cũ nên không khó để triển khai”, ông Trần Đình Dũng kể lại.
Cái khó ban đầu là kinh phí mua một amply đủ tốt, phát âm thanh mạnh, 2 điện thoại di động, 4 loa phóng thanh, dây điện và tiền card điện thoại để duy trì sim không bị khóa. Nhưng với sự nhất trí của bà con, khó khăn ban đầu được giải quyết.
“Tiếng còi báo động” được triển khai từ năm 2009, đến năm 2010 bắt được 4 vụ trộm cắp, mà kẻ phạm tội dù táo tợn mấy cũng không bằng sức mạnh đoàn kết toàn dân. Cứ có tiếng kẻng báo động, nhà nào trong tổ cũng có sẵn gậy, sợi dây, đèn pin để ào ra chặn lối, đón bắt kẻ trộm, cướp. Từ những người chẳng quen nhau, ban đầu còn bỡ ngỡ, sau mấy lần cùng bắt trộm thành ra thân thiết. Tình làng nghĩa xóm cũng thế mà ấm áp hơn.
Ông Dũng còn chia sẻ: “Tôi đã sống gần đến tuổi thất thập, trải qua nhiều biến cố lịch sử, xã hội của đất nước. Cái ấn tượng về thời bao cấp với tiếng kẻng gọi đồng cứ ám ảnh tôi. Hiệu ứng của tiếng kẻng là rõ ràng, nên khi làm tổ trưởng TDP, từ thực trạng trộm cắp, tội phạm lộng hành, mà người dân ai cũng sợ bị trả thù từ kẻ xấu. Chuyện người ngay chống kẻ gian, rồi bị nạn thù vặt lạ gì, nên tôi nghĩ đến mô hình này. Nhà láng giềng thấy nhà bên cạnh có kẻ trộm, lặng lẽ vào nhà bấm chuông đến số tổng đài (do Trưởng ban an ninh tổ phụ trách - PV), từ điện thoại này sẽ chuyển đến một điện thoại chính để kích hoạt tiếng chuông báo, phát lên loa phóng thanh để mọi người biết, cùng hợp lực bắt kẻ gian. Nó ra đời như thế đấy, tất nhiên ban đầu tiếng còi làm bằng... bình chữa cháy đã qua sử dụng, dần “hiện đại hóa” lên điện thoại”.
Bây giờ, tiếng còi báo động nổi tiếng rồi, mỗi lần có dịp người dân trong tổ tụ hội, mọi người đùa rằng, chúng ta là những “anh hùng Lương Sơn Bạc” từ khắp nơi về bắt cướp!
TRỌNG HUY