.

Việt Nam dùng mọi biện pháp phù hợp để bảo vệ chủ quyền

.

Tại cuộc họp báo chiều 15-5 tại Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết, Việt Nam đã cho lưu hành trong LHQ công hàm phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam. Ông Lê Hải Bình khẳng định: Việt Nam sẽ sử dụng mọi biện pháp phù hợp luật pháp quốc tế, theo luật pháp quốc tế.

Tàu Cảnh sát biển Việt Nam làm nhiệm vụ thực thi pháp luật tại vùng biển Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981. Ảnh: TTXVN
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam làm nhiệm vụ thực thi pháp luật tại vùng biển Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981. Ảnh: TTXVN

Xung quanh sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đầu tháng 5-2014, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình một lần nữa khẳng định giàn khoan này đã nằm sâu 80 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Công ước quốc tế về Luật Biển 1982.

Ông Bình tuyên bố: “Việt Nam cực lực phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, điều này vi phạm nghiêm trọng Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 cũng như Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC). Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ giàn khoan Hải Dương 981 cũng như tàu, máy bay ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và không để tái diễn hành động tương tự”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng bày tỏ cảm ơn các quốc gia, cá nhân, tổ chức đã lên tiếng phản đối, lên án hành vi của Trung Quốc; cảm ơn các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế đã đưa tin khách quan làm rõ hành vì sai trái của Trung Quốc.

Việt Nam kiên trì biện pháp ngoại giao

Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết phù hợp luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền lợi của mình”.

Trả lời câu hỏi Việt Nam sẽ thể hiện quan điểm về Biển Đông như thế nào trong chuyến thăm tới đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Philippines và Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tại Thượng Hải, ông Lê Hải Bình cho biết, đến lúc này, Việt Nam vẫn kiên trì biện pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề. Việc thể hiện quan điểm của Thủ tướng (tại Hội nghị Cấp cao ASEAN vừa qua) đã giúp thế giới hiểu hơn tình hình này.

Cũng theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam tiếp tục kiên trì giao thiệp với Trung Quốc bằng nhiều hình thức khác nhau và sẽ tiếp tục nỗ lực giải quyết bất đồng giữa hai bên. Thông qua các hoạt động hợp tác, Việt Nam luôn coi trọng hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc nhưng quan hệ hai bên chỉ có thể tốt đẹp nếu thiện chí xử lý các bất đồng và tôn trọng lẫn nhau. “Rõ ràng các hành động sai trái của Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin cũng như tình cảm của người dân Việt Nam. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn cố gắng duy trì các hợp tác bình thường vì lợi ích của nhân dân hai nước”, ông Bình nói.

Người phát ngôn Lê Hải Bình còn cho biết thêm, ngày 7-5, Việt Nam đã cho lưu hành tại LHQ công hàm phản đối Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. “Tôi cũng đã khẳng định, tùy diễn biến tình hình, Việt Nam sẽ tính tới các biện pháp phù hợp”, ông Bình nhấn mạnh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định: “Việt Nam sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết phù hợp luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền lợi của mình”. Ảnh: TTXVN
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định: “Việt Nam sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết phù hợp luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền lợi của mình”. Ảnh: TTXVN

99 tàu Trung Quốc bao quanh Hải Dương-981

Tại  cuộc họp báo do Cục Kiểm ngư thuộc Bộ NN&PTNT tổ chức vào chiều 15-5 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Trung- Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, theo quan sát của lực lượng kiểm ngư, số tàu của Trung Quốc đã tăng lên 99 tàu, bao gồm: 38 tàu hải cảnh, 19 tàu phục vụ, 8 tàu kéo, 4 tàu chiến, 30 tàu cá vỏ sắt và các loại máy bay tuần thám vây quanh khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) trái phép.

Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Trung, hiện Trung Quốc vẫn ở thế bị động do tập trung bảo vệ khu vực giàn khoan. Tính đến thời điểm hiện nay, bán kính bảo vệ của các tàu của Trung Quốc đã thu hẹp và chỉ kiểm soát được trong phạm vi 6,5 hải lý. “Thế nhưng tàu Trung Quốc vẫn chia thành các tuyến bảo vệ khu vực giàn khoan đồng thời có những hành động ngăn cản và sẵn sàng va chạm khi tàu cá của ngư dân và tàu chấp pháp của Việt Nam tiếp cận giàn khoan Hải Dương-981”, ông Trung cho hay.
Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Trung nêu rõ, phía lực lượng của Trung Quốc vẫn tăng cường kèm sát, đâm va, cản phá và dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam khi tiếp cận giàn khoan và sử dụng máy bay quân sự để trinh sát, bay quanh khu vực tàu Việt Nam. Mặt khác, các tàu Trung Quốc thường xuyên rú còi có công suất lớn nhằm lấn át khi lực lượng Việt Nam phát loa tuyên truyền quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981.

Tuy nhiên, tàu Cảnh sát Biển và Kiểm ngư Việt Nam vẫn tổ chức tiếp cận giàn khoan Hải Dương-981 để tuyên truyền khẳng định chủ quyền, đồng thời yêu cầu các tàu bảo vệ của Trung Quốc và giàn khoan rời khỏi vùng biển của Việt Nam.

Hơn 8 giờ ngày 15-5, tàu cảnh sát biển 8003 đã hướng vào giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế, song bị lực lượng tàu chấp pháp Trung Quốc ngăn cản. 8 giờ 30, tàu cảnh sát biển 8003 chỉ còn cách giàn khoan 7,5 hải lý; nhưng ngay lập tức bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 3411 tiếp tục theo sát và thực hiện ngăn cản.

Lúc 8 giờ 40, tàu 3411 của Trung Quốc theo sát tàu 2016 của cảnh sát biển Việt Nam, sau đó thực hiện cắt mũi tàu cảnh sát biển 8003.

Đến 9 giờ, tàu cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu 2112 bất ngờ tăng tốc bám sát tàu 8003. Khoảng cách của hai tàu vào khoảng 180m với vận tốc từ 13-15 hải lý. Tàu của Trung Quốc mang số hiệu 3411 cũng tăng tốc để bám sát. Hai tàu áp sát mạn trái và phải của tàu cảnh sát biển Việt Nam 8003. Lúc này, biên đội tàu của Việt Nam chỉ cách giàn khoan khoảng 10 hải lý.

Điều đáng nói, trong nhiều ngày nay, con tàu mang số hiệu 3411 của Trung Quốc luôn theo sát tàu cảnh sát biển Việt Nam 8003. Khi biên đội tàu cảnh sát biển Việt Nam tiến vào hỗ trợ tàu cảnh sát biển 4003, thì lập tức xuất hiện hai tàu 2112 và 3411 của Trung Quốc giảm tốc độ và đổi hướng quay về khu vực giàn khoan.

Trước tình hình này, Việt Nam vẫn duy trì lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển và tàu công vụ khác tham gia bảo vệ chủ quyền. Ngoài số lượng tàu duy trì như ngày 14-5 còn có thêm khoảng 30 tàu cá của các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa sản xuất tại khu vực. Các tàu chấp pháp của chúng ta thường xuyên bám sát, hỗ trợ bảo đảm an toàn cho các tàu cá và ngư dân của ta hoạt động tại ngư trường truyền thống quanh khu vực giàn khoan Hải Dương-981.

Đáng chú ý, theo ghi nhận từ lực lượng kiểm ngư, Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Trung cho hay, trong ngày 15-5, những va chạm giữa tàu của Trung Quốc với các tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam nhìn chung đã giảm so với những ngày trước.

B.T tổng hợp

;
.
.
.
.
.