.

Xung kích trước thiên tai

.

Bên cạnh công tác sẵn sàng chiến đấu cao, lực lượng vũ trang (LLVT) thành phố đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống lụt bão (PCBL), khắc phục thiên tai (KPTT).  

Lực lượng vũ trang thành phố tham gia khắc phục hậu quả cơn bão số 11, năm 2013.
Lực lượng vũ trang thành phố tham gia khắc phục hậu quả cơn bão số 11, năm 2013.

Không ngại hiểm nguy

Cho đến bây giờ, nhiều người dân thành phố Đà Nẵng không sao quên được sự khẩn trương, tích cực, không ngại hiểm nguy của các cán bộ, chiến sĩ LLVT thành phố băng mình trong bão dữ để cứu người, cứu tài sản. Người tham gia chỉ huy cứu người tại phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) trong cơn bão số 11 (năm 2013) là Đại tá Tô Năm, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) thành phố Đà Nẵng nhớ lại thời khắc lịch sử lúc đó: Khi cơn bão số 11 đổ bộ vào thành phố Đà Nẵng rạng sáng ngày 15-10, BCHQS thành phố nhận được tin báo của Ban CHQS phường Khuê Mỹ và Ban CHQS quận Ngũ Hành Sơn về việc có 5 người bị thương tại khu vực An Bắc và tổ 75 (thuộc phường Khuê Mỹ).

Đại tá Tô Năm ra lệnh xe thiết giáp PTR 152 cùng kíp cấp cứu nhanh chóng lên đường cứu người. Tuy đối mặt với nhiều nguy hiểm trên đường như cây đổ ngã, nước ngập xe… nhưng kíp làm nhiệm vụ vẫn mưu trí, vượt qua và cứu được 5 người đang bị thương do kính vỡ. “Đây là ca làm nhiệm vụ hết sức nguy hiểm, bởi gió bão rất mạnh. Chỉ cần sơ suất có thể nguy hiểm đến tính mạng của mỗi cán bộ, chiến sĩ trên xe. Tuy nhiên, anh em đã không quản ngại hy sinh, vượt qua gian khổ và hoàn thành nhiệm vụ”, Đại tá Tô Năm nhớ lại…

Bên cạnh sẵn sàng ứng cứu nhân dân, LLVT thành phố đã chủ động di dời người dân đến nơi an toàn. Đại tá Huỳnh Minh Chức, Chỉ huy trưởng BCHQS thành phố Đà Nẵng cho biết, trong 3 cơn bão số 8, 11 và 14 (bão Haiyan) và trận lũ lịch sử vào giữa tháng 11-2013, BCHQS thành phố phối hợp với các LLVT đóng trên địa bàn thành phố tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả với gần 15.000 ngày công; điều động 9 lượt xe thiết giáp, 204 lượt ô-tô các loại, 15 lượt ca-nô; phối hợp di dời được hơn 46.500 lượt hộ dân, trên 181.000 nhân khẩu; chằng chống, khắc phục trên 10.000 lượt ngôi nhà, 11 trạm y tế, 145 trường học, 42 công trình bị hư hỏng, di chuyển 273 lượt ghe thuyền vào bờ…

Chủ động ứng phó

Dù mùa mưa bão năm nay sẽ đến muộn hơn mọi năm, song đến nay, LLVT thành phố đã triển khai các biện pháp ứng phó. Đại tá Huỳnh Minh Chức cho biết, ngoài việc tham mưu cho Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai các phương án PCBL, BCHQS thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, sử dụng lực lượng, tiến hành phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng khác, theo dõi, nắm chắc mọi diễn biến của khí hậu, thời tiết, sẵn sàng cơ động lực lượng đến các địa bàn trọng điểm khi có thiên tai xảy ra.

Đồng thời, chỉ đạo cơ quan quân sự quận, huyện phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng bổ sung các phương án sát với đặc điểm thực tế của địa phương. Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, nhận thức rõ tác hại của thiên tai để chủ động đối phó, phòng tránh khi cần thiết. Mặt khác, BCHQS thành phố thường xuyên duy trì, bảo đảm hệ thống thông tin, liên lạc, tổ chức trực sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ khi xảy ra thiên tai, bão, lũ.

“Với quyết tâm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản Nhà nước, cán bộ, chiến sĩ LLVT thành phố sẽ không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng di dời dân khi có thiên tai và chủ động khắc phục hậu quả khi thiên tai đi qua”, Đại tá Huỳnh Minh Chức cho biết.

Bài và ảnh: AN NHIÊN
 

;
.
.
.
.
.