.

Ai gây ra cơn sóng tháng 5?

.

Tiếp tục những luận điệu “vừa ăn cướp, vừa la làng”, nhằm phụ họa cho các phát biểu mang đậm màu sắc bành trướng, bá quyền của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, các phương tiện truyền thông của nước này trong những ngày qua đưa những tin bài sai sự thật nhằm vu cáo Việt Nam “gây hấn”, Việt Nam “cố tình xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông”…

Phóng viên trên tàu Kiểm ngư HP 926 đang quay lại hình ảnh hung hăng của tàu Trung Quốc. Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Phóng viên trên tàu Kiểm ngư HP 926 đang quay lại hình ảnh hung hăng của tàu Trung Quốc. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Ngày 1-6, trên trang điện tử của đài CRI đăng bài  “Việt Nam chớ tự đưa mình vào ngõ cụt” của Trương Dĩnh, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu chiến lược phát triển Hải dương Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc. Nhà nghiên cứu này đã đánh lận con đen khi vu cáo Việt Nam “liên tục áp dụng hành vi khiêu khích, hung hăng quấy nhiễu hoạt động khoan giếng thăm dò” của Trung Quốc, vu cáo “phương tiện truyền thông của Việt Nam và một số nước trên thế giới không phân biệt rõ chân tướng sự thật, cố tình đảo lộn và bóp méo sự thực, vô cớ chỉ trích Trung Quốc”.

Cũng trên CRI, Trung Quốc tiếp tục cho đăng bài “Việt Nam gây ra “cơn sóng tháng 5” của Trần Khánh Hồng - Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc. Cũng với giọng điệu mang tính xuyên tạc, vu cáo, Trần Khánh Hồng viết: “Xét đến quan hệ hai nước và ổn định khu vực, tính đến ngày 20-5, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành khoảng 30 cuộc trao đổi với Việt Nam. Thế nhưng, Việt Nam không những không đình chỉ hành vi quấy nhiễu trên biển, mà còn đổi trắng thay đen, than khóc khắp nơi, cáo buộc đó đây”. Trần Khánh Hồng cho rằng, “Việt Nam lại bất chấp đại cục quan hệ hai nước và ổn định khu vực, một mực gây ra “cơn sóng tháng 5” tại Nam Hải. Chính phủ Việt Nam cần phải chịu trách nhiệm trước vụ việc này, đồng thời bồi thường tổn thất cho Trung Quốc và xin lỗi trước nhân dân Trung Quốc” (?!).

Đúng là máu bành trướng, bá quyền thấm đẫm trong người của nhà nghiên cứu Trần Khánh Hồng, nên ông ta không ngượng ngùng khi có những ngôn từ như vậy.

Đầu tháng 5, Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981 trên thềm lục địa Việt Nam. Hộ tống giàn khoan là hàng trăm tàu quân sự, tàu vỏ sắt để bao vây, tấn công tàu Việt Nam đang hoạt động chấp pháp và tàu của ngư dân Việt Nam. Tàu của Trung Quốc phun vòi rồng, đâm chìm tàu cá của Việt Nam, làm bị thương hàng chục ngư dân và hư hại nhiều phương tiện, thì Trần Khánh Hồng lại cho rằng “Trung Quốc bị đe dọa, bị tấn công”?! Và ông ta không biết ngượng khi đòi Việt Nam phải “bồi thường”, phải “xin lỗi”.

Tàu Trung Quốc túc trực thành nhiều lớp xung quanh giàn khoan Hải Dương-981. Ảnh: ĐẮC MẠNH
Tàu Trung Quốc túc trực thành nhiều lớp xung quanh giàn khoan Hải Dương-981. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Hành động nguy hiểm và ngang ngược đó của Trung Quốc đã làm cả dân tộc Việt Nam hướng về Biển Đông. Bởi lẽ, đây không chỉ là việc đưa một giàn khoan vào hoạt động bất hợp pháp ở vùng biển của một quốc gia có chủ quyền, mà sâu xa hơn Trung Quốc đang thực hiện mưu toan chiến lược nhằm chiếm toàn bộ Biển Đông, biến khu vực rộng lớn của nhiều quốc gia có chủ quyền thành ao nhà của họ.

Cộng đồng quốc tế trong những ngày qua lên tiếng phản đối các hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế, vô trách nhiệm, mang tính bá quyền của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Trước những chứng cứ lịch sử và ngay trên thực địa mà các nhà báo Việt Nam cũng như quốc tế chứng kiến, nhiều quốc gia, nhiều phương tiện truyền thông thế giới đã không ngừng ca ngợi tinh thần độc lập dân tộc, tự chủ và đầy trách nhiệm của Việt Nam trước hành động đen tối của nhà cầm quyền Trung Quốc. Nhiều chính khách đã không ngần ngại khi chỉ thẳng “Trung Quốc là kẻ gây hấn”, “Trung Quốc đang làm cho nguy cơ xung đột gia tăng”, “Trung Quốc đang làm cho Biển Đông dậy sóng”…

Rõ ràng, kể từ sau cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 đến nay, thì những ngày tháng 5 vừa qua đã trở nên nóng bỏng khi Biển Đông dậy sóng. Tuy súng chưa nổ ngoài biên ải hay trên vùng Biển Đông nhưng không khí đấu tranh vì độc lập, tự do, vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam trước họa xâm lăng núp dưới chiêu bài “chung sống hòa bình” và “sự trỗi dậy hòa bình” đã cuộn dâng ở một dân tộc vốn chịu nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh để lại. Càng căm ghét chiến tranh, càng yêu hòa bình tha thiết thì dân tộc Việt Nam càng vững tâm đoàn kết, thể hiện ý chí và quyết tâm chống ngoại xâm, bảo vệ non sông của Tổ quốc.

Đó là câu trả lời cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc, hay Trương Dĩnh, Trần Khánh Hồng và những ai đó… về hành động gây ra “cơn sóng tháng 5” trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, nhưng lại cố tình “gắp lửa bỏ tay người”!

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.