.
Bác Hồ với báo chí

Dân ta làm chủ biển của ta

.

Trong hệ thống quan điểm, tư tưởng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận thấy vị trí, ý nghĩa đặc biệt quan trọng của biển, đảo. Người chỉ rõ việc cấp thiết bảo vệ, khai thác nguồn lợi từ biển phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời luôn đặt ra yêu cầu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau khi chỉ đạo thành lập Cục Phòng thủ bờ biển (ngày 7-5-1955) - tiền thân của Hải quân Nhân dân Việt Nam ngày nay, ngày 31-3-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm làng cá Cát Bà (Hải Phòng). Nói chuyện với bà con ngư dân tại đây, Bác Hồ khẳng định: “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ”. “Làm chủ”, theo Người, là bảo vệ biển và khai thác các nguồn lợi từ biển, làm chủ tiềm năng của biển để phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước và nâng cao đời sống của nhân dân.

Ngày 10-4-1956, nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cải cách miền biển, Người khẳng định: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế nó sẽ vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển... Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”.

Cờ Tổ quốc hiên ngang trên đảo Trường Sa. Ảnh: M.C.M
Cờ Tổ quốc hiên ngang trên đảo Trường Sa. Ảnh: M.C.M

Tháng 3-1961, đi cùng các cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân vào thăm hang Đầu Gỗ, “công binh xưởng” xưa kia quân của Trần Hưng Đạo làm cọc cắm trên sông Bạch Đằng để chống quân Nguyên, Bác Hồ căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Trong lần thăm này, Bác dành nhiều thời gian để nói chuyện với cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Hải quân về trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh hải Việt Nam. Giao nhiệm vụ cho lực lượng Hải quân, Bác Hồ căn dặn: “Bờ biển nước ta có vị trí rất quan trọng.

Vì vậy nhiệm vụ của hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Phải biết tìm ra cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa của tổ tiên” (Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử (2008), Nxb CTQG, Hà Nội). Những tư tưởng đó là định hướng chiến lược sáng suốt cho lực lượng Hải quân trước khi xảy ra cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ với miền Bắc. Đó cũng là những tiền đề cho tư duy nghệ thuật tác chiến biển của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Người cũng từng nhiều lần đưa các vị khách quốc tế thăm biển đảo Việt Nam như một cách giới thiệu vẻ đẹp của đất nước mình với bạn bè quốc tế, đồng thời khẳng định chủ quyền với vùng biển Tổ quốc. Người cũng đã tới thăm đảo Cô Tô (Quảng Ninh) và đồng ý cho dựng tượng mình ở đây. Đây là nơi duy nhất Bác Hồ đồng ý cho dựng tượng khi Người còn sống. Tượng đài Bác đứng uy nghiêm, lưng tựa vào núi, tay phải giơ cao vẫy chào, mặt nhìn hướng ra Biển Đông. Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phép dựng tượng Người trên đảo cũng đã thể hiện tầm nhìn chiến lược về chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Vì quan tâm nhiều về biển đảo quê hương nên đã nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nhân dân các địa phương: Đồ Sơn (Hải Phòng), Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Sầm Sơn (Thanh Hóa), Quảng Bình. Người đã tới các đảo: Tuần Châu, Hòn Rồng, Cồn Cỏ, Cô Tô, Vạn Hoa, Bạch Long Vĩ… Bác Hồ đã dành tình cảm đến thăm và chúc Tết chiến sĩ, bà con ngư dân miền biển. Hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một ngư dân thực thụ cùng kéo lưới với bà con vùng biển Sầm Sơn-Thanh Hóa làm chúng ta vô cùng xúc động. Người cũng đã cùng bà con ở đảo Cô Tô thu hoạch khoai lang…

Chủ tịch Hồ Chí Minh kéo lưới cùng ngư dân trên bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa ngày 17-7-1960. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh kéo lưới cùng ngư dân trên bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa ngày 17-7-1960. (Ảnh tư liệu)

Điểm lại vài dòng lịch sử đó, có thể thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra không gian chiến lược, vai trò to lớn của biển đảo đối với quốc phòng và an ninh quốc gia, đồng thời dành sự quan tâm đặc biệt tới nhiệm vụ bảo vệ biển đảo của lực lượng hải quân.

Thực hiện lời dạy và tâm huyết của Người, trong công cuộc xây dựng đất nước, Đảng ta đã đặc biệt quan tâm tới bảo vệ, giữ vững chủ quyền và phát triển các vùng biển đảo. Đảng đã có Nghị quyết Trung ương 4, khóa X về “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó xác định mục tiêu phấn đấu “đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển, giàu lên từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển đảo”. Trong Văn kiện Đại hội lần thứ XI, đề cập kinh tế biển (bao gồm cả vùng biển, ven biển và hải đảo), Đảng ta một lần nữa đề ra định hướng rất quan trọng là cần phải “phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta”.

B.T (tổng hợp)

;
.
.
.
.
.