.

Bản lĩnh trước sự cám dỗ của thông tin mạng

.

Có thể nói, chưa bao giờ công việc của nhà báo lại có được sự hỗ trợ tích cực đến từ công nghệ thông tin như hiện nay. Không ít nhà báo khai thác "lợi thế" này chỉ ngồi nhà thực hiện vài động tác rất đơn giản là “copy” và “paste”, sau đó “xào trộn” một ít và “send” bài về tòa soạn. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt, thuận lợi đó, nhưng lạm dụng quá mức đã khiến không ít nhà báo trở thành “tội đồ” khi đưa tin thiếu chính xác, thậm chí bịa đặt hoàn toàn.

Các nhà báo tác nghiệp tại lễ khởi công đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi.
Các nhà báo tác nghiệp tại lễ khởi công đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi.

Còn nhớ buổi chiều trước khi cơn bão số 11 năm 2013 (có tên là Nari) được dự đoán sẽ đổ bộ vào khu vực Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam vào khoảng thời gian từ 12 giờ trở đi, lúc đó nhóm phóng viên của chúng tôi được tài xế cơ quan đưa đi bằng ô-tô để viết bài cho số ngày mai. Trong lúc ngồi trên xe, chúng tôi tranh thủ liên hệ với lãnh đạo một xã miền núi thuộc huyện Hòa Vang để nắm tình hình. Tuy nhiên, lấy lý do bận chỉ đạo công tác phòng chống bão nên vị lãnh đạo xin được cung cấp thông tin qua điện thoại với đại ý rằng, đến thời điểm trước 15 giờ toàn bộ bà con ở nhà không kiên cố được chuyển đến khu vực an toàn trong xã là trường học, trạm y tế, chùa...

Cùng lúc đó, tranh thủ lướt trên mạng, chúng tôi cũng đọc được vài bài báo phản ánh đúng như lời vị lãnh đạo xã nọ cung cấp cho chúng tôi. Lúc đó trời cũng đã bắt đầu tối và gió cũng đã mạnh dần lên, thế nhưng với quyết tâm đến tận nơi xem nơi ăn ở của bà con tránh bão như thế nào, nên chúng tôi quyết tâm đi tiếp. Và kết quả thật bất ngờ, đến nơi đâu cũng vắng hoe, thì ra chưa có người dân nào đến nơi tránh bão cả. Thế là chúng tôi phản ánh đúng tình hình thực tế như vậy. Chỉ có điều, ngày hôm sau chúng tôi bị một số đồng nghiệp làm ở các văn phòng đại diện đã phàn nàn “ông viết như thế chết anh em tôi hết, cơ quan mới điện thoại ra phê bình vì dựng chuyện lên mà viết”. Thì ra, các nhà báo đồng nghiệp của tôi chỉ nghe gọi điện thoại và “tham khảo” thông tin trên một số trang báo mạng và thế là say sưa ngồi vào máy “miêu tả” cảnh bà con tránh bão trong những ngôi nhà kiên cố (!)

Cũng trong năm 2013, sau khi Báo Đà Nẵng và Báo Giao thông vận tải đưa tin phản ánh việc Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố Đà Nẵng phê bình và thay người quản lý trong 2 gói thầu thuộc dự án tuyến đường vành đai phía Nam, một nhà báo đại diện cho một trang báo mạng ở Hà Nội đã “nhanh nhạy” vào cuộc bằng bài điều tra về sự “Chậm trễ và vô trách nhiệm của chủ đầu tư là Sở GTVT thành phố Đà Nẵng khiến cho dự án vành đai phía Nam bị chậm trễ”. Chưa dừng lại ở đó, nhà báo này còn “nâng quan điểm” kinh phí cho dự án từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, vì vậy sự việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của địa phương (?). Trước việc bài báo được viết theo công nghệ “copy” và “paste” này, buộc lòng Sở GTVT thành phố phải có văn bản phản hồi để Ban biên tập trang báo mạng này hiểu rằng: Tiến độ chung của toàn dự án vẫn đúng kế hoạch, thực ra 2 gói thầu này chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ dự án lớn chứ không phải dự án tuyến đường vành đai phía Nam như nhà báo nọ lầm tưởng. Về vấn đề này, Chánh Văn phòng Sở GTVT thành phố Bùi Thanh Thuận tỏ ra rất bức xúc: Giá như nhà báo này đừng ngồi văn phòng rồi copy bài của người khác mà trực tiếp gặp chúng tôi trao đổi để hiểu cặn kẽ vấn đề thì có phải hay hơn không?

Trong thời kỳ bùng nổ thông tin, và đặc biệt là các thiết bị đầu cuối như các máy tính xách tay, Ipad, các loại điện thoại thông minh... đều có chức năng truy cập mạng không dây để lướt web đã khiến không ít nhà báo trở nên lười và thậm chí mất hẳn việc đi thực tế. Hiện nay, với những thiết bị như vậy và sự phủ sóng wifi rộng khắp, có thể nói những nhà báo “văn phòng” này có thể “tác nghiệp” được khắp nơi với tốc độ cực nhanh và số lượng bài vở, tin ảnh vô cùng nhiều và nhanh nhạy.

Thêm một ví dụ nữa, ngay sau khi chúng tôi đi dự lễ khởi công xây dựng tuyến đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, từ tỉnh Quảng Nam về đến nhà đã hơn 12 giờ trưa, bỏ cả ăn trưa ngồi vào bàn viết trước một tin cho trang điện tử của báo. Khoảng đầu giờ chiều thì tin được đăng, và khoảng 30 phút sau mở các trang báo mạng ra thì đâu đâu cũng tràn ngập tin và hình ảnh về lễ khởi công. Thậm chí, những bài báo này còn “hoành tráng” hơn tin của chúng tôi khi tận dụng triệt để khả năng “copy” từ nhiều tờ báo khác để “ghép” thành một bài báo cả ngàn chữ. Chưa hết, có nhà báo còn đăng cả phóng sự ảnh chỉ với thao tác copy của các đồng nghiệp khác và sau đó dùng phần mềm xử lý ảnh (photoshop) “mông má” lại. Như vậy, chỉ cần ngồi nhà, nhà báo này đã có được một bài viết dài và một phóng sự ảnh.

So với việc bỏ công chạy vào Quảng Nam giữa nắng nóng hoặc đội mưa gió để lấy thông tin trong cơn bão Nari và việc ngồi nhà rồi sau đó “ăn cắp” của đồng nghiệp thì cách thứ hai là quá hấp dẫn với những nhà báo chuyên phận “tầm gởi” lên đồng nghiệp. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, bạn đọc rất cần sự bản lĩnh của nhà báo trước sự cám dỗ của thông tin mạng để có những bài viết chân thực sau những chuyến đi cho dù vất vả và nguy hiểm. Chúng tôi tin rằng bạn đọc sẽ trân trọng những nhà báo như thế.

THANH VÂN

;
.
.
.
.
.