.

Bộ GD&ĐT nhận trách nhiệm về cử nhân thất nghiệp

.

Sáng nay 11-6, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, trước thực trạng hàng chục ngàn cử nhân thất nghiệp mỗi năm, nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận những yếu kém trong chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận những yếu kém trong chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, vấn đề sinh viên tốt nghiệp chưa tìm được việc làm liên quan thị trường việc làm và nhiều yếu tố khác. “Tuy nhiên, Bộ và các cơ sở giáo dục, đào tạo có trách nhiệm chính trong các yếu kém nói trên”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng khái thừa nhận.

Nêu các nguyên nhân của thực trạng này, Bộ trưởng Luận cho biết, trách nhiệm của Bộ là trong thời gian dài mô hình giáo dục, đào tạo chỉ chú trọng quy mô, số lượng mà chưa chú ý đúng mức chất lượng. Nội dung chương trình, phương pháp dạy học, thi cử chủ yếu xuất phát từ khả năng hiện có của nhà trường mà chưa chú ý, hoạt động thiết thực đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.

Thứ ba, quy trình mở trường, cấp phép hoạt động còn thiếu các quy định chặt chẽ, chưa chú trọng nhu cầu thực tế của xã hội của địa phương. Chương trình đào tạo chưa theo kịp phát triển của thực tế; nhẹ thực hành, chưa chú trọng kỹ năng mềm, khả năng làm việc nhóm, hoạt động xã hội.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, những yếu kém trên dẫn đến quy mô tuyển sinh, sinh viên tốt nghiệp hàng năm tăng lên, nhưng chất lượng đào tạo còn thấp vì vậy không đáp ứng.

Nêu các giải pháp cải thiện tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã hạn chế thành lập các đại học cao đẳng, cải tiến quy trình cấp phép thành lập và hoạt động, khắc phục tình trạng có tường được thành lập nhưng chưa có cơ sở vật chất, chưa có thầy cô mà đã có chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo.

Bộ đã điều chỉnh chỉ tiêu 200 sinh viên/một vạn dân cho phù hợp với khả năng quy mô của mạng lưới giáo dục, đào tạo. Rà soát các mạng lưới cơ sở đại học, dừng tiếp nhận hồ sơ nâng cấp cơ sở mới. Tạm dừng bồi dưỡng chứng chỉ sư phạm. Công bố các chuẩn đầu ra của từng chuyên ngành. Công bố công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng lên các phương tiện đại chúng để các nhà tuyển dụng lao động xem xét, xã hội giám sát… - Bộ trưởng Luận nêu hàng loạt giải pháp.

Có con số 34 nghìn tỉ đồng trong Đề án đổi mới sách giáo khoa là 'sai sót kỹ thuật'

ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận) đặt câu hỏi: Dư luận cho rằng Bộ trưởng không kiểm soát được tình hình khi Bộ Giáo dục trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa với chi phí trên 30 ngàn tỉ đồng làm xôn xao dư luận. Ở đây không kiểm soát được ở chỗ khi ra phát biểu Bộ trưởng nói rằng đây không phải là ý kiến của Bộ.

Thứ hai, trong đề án của Bộ không trình bày con số kinh phí thực hiện thì đó là một sai sót, chắc chắn đó là một đề án chưa chuẩn xác, chưa đúng, chưa đầy đủ đã trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Lý do giải thích của Bộ trưởng có lẽ cũng chưa có sức thuyết phục?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích khá cặn kẽ: "Trong đề án trình sang Ủy ban Thường vụ QH không có vấn đề kinh phí, tức là không có con số 34 nghìn tỉ đồng".

Vì sao lại như vậy, đây có phải là thiếu sót, một sự chuẩn bị sơ sài nội dung đề án hay không, ông Luận lý giải việc này thực hiện theo đúng cách làm của QH khóa 10 năm 2000.

"Trong Nghị quyết 40 của QH khóa 10 không có vấn đề kinh phí nên hồ sơ mà Bộ GD-ĐT chuẩn bị, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và trình lên Thường vụ QH xem xét trước khi trình ra kỳ họp QH là không có vấn đề kinh phí.

Giống như năm 2000, sau khi QH có Nghị quyết về chủ trương đổi mới chương trình - sách giáo khoa, Chính phủ sẽ phê duyệt các đề án triển khai Nghị quyết đổi mới chương trình sách giáo khoa của QH và mỗi đề án đó sẽ có vấn đề kinh phí. Trong các đề án đó sẽ có một đề án về sách giáo khoa. Phê duyệt đề án thì theo đúng thẩm quyền theo quy định hiện hành.

Cách tiếp cận chuẩn bị hồ sơ trình QH năm nay theo hướng đó, do vậy nên không có nội dung về kinh phí và không có con số 34 nghìn tỉ trong đó", Bộ trưởng Luận giải thích.

TPO/TNO

 

;
.
.
.
.
.