Chiều nay (10-6), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - thành viên Chính phủ đầu tiên được chọn để trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần này.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng (ảnh TBTC) |
Trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về tình hình nợ công, tình trạng chuyển giá, các biện pháp bình ổn thị trường giá cả…
Trong báo cáo này, về nợ đọng xây dựng cơ bản, Bộ trưởng Dũng cho rằng, đây là khoản nợ phát sinh do cần thiết đẩy nhanh tiến độ một số dự án trọng điểm, do chấp hành kỷ luật tài chính ở một số nơi chưa nghiêm. Do vậy, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng “cần thực hiện đúng nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng về việc thực hiện việc cân đối vốn dự toán để thanh toán các khoản nợ đọng của các công trình trong danh mục đã được phê duyệt. Phấn đấu tăng thu để có nguồn xử lý nợ đọng ở lĩnh vực này”.
Về nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Theo số tuyệt đối, nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nếu so với GDP thì tỷ lệ thay đổi không nhiều, (tỷ lệ nợ công trên GDP qua các năm 2010 là 51,7%, 2011 là 50,1%, đến 2012 là 50,8% và ước tính của 2013 là 54,1%). “Nợ công hiện ở dưới mức theo nghị quyết của Quốc hội là 65%”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Sở dĩ, nợ công tăng nhanh như vậy, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, là vì đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn của Nhà nước tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế cho đầu tư phát triển còn chưa lớn, để có nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu phát triển của đất nước, cần phải huy động nguồn tài chính bổ sung cho đầu tư phát triển, đặc biệt là cơ sở hạ tầng.
Cơ cấu nợ công, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, khoảng 50% là nợ nước ngoài với điều kiện vay cơ bản là ưu đãi với thời gian đáo hạn còn lại khoảng 15 năm. 50% còn lại là khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn phần lớn nằm trong khoảng từ 2 - 5 năm.
Về các giải pháp giảm nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, sẽ thực hiện cân đối ngân sách tích cực, từng bước giảm bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP, bố trí nguồn để trả nợ trong nước, nước ngoài đến hạn hàng năm. Trong quá trình điều hành ngân sách Nhà nước, Bộ cũng sẽ phấn đấu tăng thu để sử dụng một phần hợp lý để tăng chi trả nợ.
Đặc biệt, Bộ sẽ “thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các khoản vay về cho vay lại, các khoản bảo lãnh cho doanh nghiệp; tập trung xử lý các khoản nợ vay về cho vay lại trong quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”.
“Bộ Công thương điều hành giá xăng dầu là bình thường”
Trả lời chất vấn chiều 10-6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, vừa qua trong điều hành thị trường xăng dầu, Nghị định 84 cơ bản đáp ứng yêu cầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý Nhà nước. Một năm gần đây, việc điều hành xăng dầu cơ bản theo thị trường và người dân hiện cũng đã quen với việc giá xăng dầu điều chỉnh lên - xuống. Chúng ta cũng đã rút được cách điều hành giật cục, như có lúc cần kiềm chế lạm phát, lẽ ra giá tăng nhưng do phải giữ giá thấp nên khi “thả” giá xăng tăng cao giật cục. Thế nên nó tỏa động lực lan tỏa gây lạm phát cao. “Thời gian qua, việc điều hành xăng dầu theo Nghị định 84 đã tránh cú sốc về giá cả” – Bộ trưởng Tài chính khẳng định.
Cũng theo người đứng đầu ngành Tài chính, trong Nghị định 84, Quỹ bình ổn đã có tác dụng tốt trong điều hành giá. 5 tháng 2014 Bộ triệt để sử dụng quỹ bình ổn. Từ quý 3/2014 Bộ Tài chính đã công khai định kỳ về quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết, việc sửa Nghị định 84 là cần thiết nhằm điều hành giá xăng dầu mềm dẻo, sát thực tế hơn. Chính phủ giao bộ Công thương chủ trì, Bộ Tài chính phối hợp. Bộ Tài chính và Bộ Công thương sẽ chỉnh sửa lần cuối, trong tháng 6 hoặc tháng 7 tới, Nghị định 84 sửa đổi sẽ được ban hành theo hướng sát diễn biến thị trường hơn.
Bộ trưởng cũng cho rằng: “Việc chuyển điều hành giá xăng dầu sang Bộ Công thương là chuyện bình thường. Nhưng trong quá trình điều hành Bộ Tài chính vẫn song hành, tham gia cùng Bộ Công thương. Càng đưa ra quy định mềm dẻo, sát với thị trường càng tốt”
VOV