“Có một số việc chưa thể hoàn thành trong một sớm một chiều nhưng chúng tôi đã và đang tận tâm, tận lực cống hiến hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến hồi âm câu hỏi về từ chức của đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. |
Tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, Bộ trưởng Kim Tiến vẫn đứng đầu danh sách các thành viên Chính phủ nhận được nhiều chất vấn qua văn bản của các vị đại diện cho dân.
Câu hỏi được gửi tới Bộ trưởng là, với tư cách là “tư lệnh ngành” trên mặt trận “nóng bỏng này”, đã liên tục để xảy ra “những tai họa” cho đất nước và cho gia đình nạn nhân, Bộ trưởng có thấy tình trạng trên có phần trách nhiệm chính do công tác điều hành của mình hay không? Ở các nước khác, nếu để xảy ra tình trạng trên, Bộ trưởng phải từ chức. Đến thời điểm này Bộ trưởng có nghĩ đến điều này hay không?
Tại văn bản trả lời, Bộ trưởng Kim Tiến viết: Như đã phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 29-4-2014, tôi không thể “từ chức” khi toàn ngành y tế đang tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch bệnh, đang dồn sức lực cho việc giành giật sự sống của các bệnh nhi, nhằm dập tắt dịch sởi càng sớm càng tốt.
Hiện nay, khi dịch sởi cơ bản đã được kiểm soát thì dịch chân tay miệng, sốt xuất huyết và một số dịch bệnh nguy hiểm khác đang có nguy cơ bùng phát tiếp tục đặt ngành y tế trước những thách thức mới đầy khó khăn, Bộ trưởng viết tiếp.
Văn bản trả lời chất vấn cũng nêu, với mục tiêu kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh và giảm tới mức thấp nhất số trường hợp tử vong, ngành y tế hiện đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục khẩn trương triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên toàn quốc.
Lý do tiếp theo khiến Bộ trưởng không thể rời vị trí là Bộ Y tế đang tiếp tục triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra từ đầu nhiệm kỳ, đặc biệt là giảm quá tải bệnh viện, phòng chống dịch bệnh, đổi mới và phát triển ngành y tế… nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Bộ trưởng cũng cho biết đối với bất cứ vụ việc nào xảy ra trong ngành y tế, quan điểm của Bộ là phải xử lý nghiêm minh, không bao che, đúng người đúng việc, đúng trách nhiệm, thẩm quyền quản lý, giải quyết theo quy định của pháp luật và cần có sự phối hợp chặt chẽ, quyết liệt, cộng đồng trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức ở cả Trung ương và địa phương, bên cạnh trách nhiệm của người đứng đầu ngành y tế.
“Tôi mong đại biểu Quốc hội và cử tri thấu hiểu, chia sẻ, ủng hộ ngành y tế nói chung và với Bộ trưởng y tế nói riêng để chúng tôi tiếp tục vững tâm hoàn thành được những nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược của ngành, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn”, Bộ trưởng kết thúc văn bản trả lời chất vấn.
Giá thuốc ở Việt Nam rẻ hơn các nước xung quanh
Bộ trưởng Y tế cho biết: Chúng ta có 2 loại là thuốc chi trả theo ngân sách Nhà nước, BHYT thì theo Luật đấu thầu và đấu thầu theo danh mục thuốc. Đối với các tỉnh thì đấu thầu tập trung tại các Sở Y tế. Còn đối với đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thì Bộ phân quyền cho các bệnh viện. Còn một loại thuốc trên thị trường không thuộc danh sách Nhà nước chi trả thì chúng ta quản lý bằng tổ liên ngành 3 Bộ (Tài chính - Công thương, Y tế), phối hợp các tổ chức khác và các DN kê khai giá theo một khung giá nhất định. |
Trong khi đó, trả lời chất vấn trực tiếp tại nghị trường vào sáng 11-6 về thực trạng giá thuốc Việt Nam hiện nay ra sao và so với các nước khác, Bộ trưởng Y tế dẫn thống kê chỉ số lạm phát, trong đó, PCI Giá thuốc của Việt Nam luôn đứng thứ 9 trong danh mục thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2013. Lúc đầu tăng giá nhóm hàng dược phẩm là 3,45%, thấp hơn mức tăng CPI 6,04% và đứng thứ 9/11 nhóm hàng. Nhóm này năm 2014 là 0,74% so chỉ số giá tiêu dùng là 0,88%.
“Như vậy, dù là mặt hàng rất nhạy cảm và thiết yếu nhưng chỉ đứng thứ 8 hoặc thứ 9 trong xếp hạng CPI”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Kim Tiến, Bộ Y tế đã tổ chức đoàn công tác liên ngành cùng Bộ Tài chính, Kế hoạch-Đầu tư, Ủy ban các vấn đề xã hội và các chuyên gia khảo sát 6 mặt hàng phổ biến trong các bệnh viện ở hai nước Trung Quốc và Thái Lan. Kết quả khảo sát cho thấy, giá thuốc ở Việt Nam thấp hơn Trung Quốc từ 1,5-2 lần và thấp hơn Thái Lan từ 2-3 lần.
Một dẫn chứng khác được Bộ trưởng Y tế đưa ra là Tổ chức y tế thế giới kết hợp với Viện chiến lược chính sách điều tra đánh giá khoảng 3.000 mặt hàng thuốc để xem sự tăng giá thời gian qua khi nguyên liệu đầu vào tăng… giá thuốc của Việt Nam tăng như thế nào so với tốc độ tăng của giá thuốc trên thế giới. Họ đánh giá rằng, đối với thuốc nội, tốc độ tăng thấp, thuốc nhập khẩu thì tốc độ tăng ở mức trung bình.
Bộ trưởng khẳng định: “Qua đó cũng thấy rằng, giá thuốc của Việt Nam không phải là giá cao nhất”.
Việc quản lý giá thuốc hiện nay là do 3 bộ Tài chính, Công thương và Y tế, các hội đồng chuyên môn đảm nhiệm. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế đã nêu bất cập trong cách quản lý hiện nay và đề nghị: “Trong Luật Dược sửa đổi sắp tới, Bộ Y tế mong muốn không quản lý giá thuốc vì vừa sản xuất, nhập khẩu, phê chuẩn các quyết định nhập khẩu, phân phối, ghi toa, bán thuốc… Mà thuốc thì người bệnh không thể mặc cả được. Đối với thị trường như vậy thì “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Như kết luận vừa rồi, Chủ tịch Quốc hội có nói là Bộ Y tế chỉ làm công tác chuyên môn”.
Trong luật này, Bộ trưởng Y tế cũng bày tỏ mong có một đột phá phát triển công nghiệp dược trở thành mũi nhọn và tiến tới Việt Nam sản xuất, sử dụng được nhiều thuốc trong nước, hướng tới xuất khẩu một số loại thuốc. “Hiện tại, thuốc do Việt Nam sản xuất nói chung là chất lượng tốt, giá cả phải chăng” - Bộ trưởng Y tế kết thúc phần giải trình của mình trước Quốc hội.
VnEconomy/VOV