.

Cần kịch bản ứng phó tác động của vấn đề Biển Đông

.

* ĐB Huỳnh Nghĩa: Cần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong tình hình mới

* Dành 16.000 tỷ đồng cho Biển Đông

Trong bối cảnh Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ phải có những kịch bản ứng phó với những tác động tiêu cực có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, thu hút đầu tư trên nguyên tắc bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, sáng 2-6, các đại biểu (ĐB) Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2013; phương án bảo đảm cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2014.

Thời điểm để tái cơ cấu nền kinh tế

Thể hiện sự tán thành với báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, tình hình triển khai kế hoạch những tháng đầu năm 2014 của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ĐB Quốc hội đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân… Chỉ ra những hạn chế tồn tại, các ĐB cơ bản nhất trí với các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra, nhấn mạnh đến việc tiếp tục thực hiện nhất quán nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Theo ĐB Vũ Chí Thực (Quảng Ninh), trước mắt Chính phủ cần tập trung cao độ cho việc tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó trọng tâm là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước; đồng thời tiếp tục đề ra các chính sách phù hợp để tăng năng suất tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng, nâng cao năng suất, thu hút lao động.

Bày tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) lưu ý: Mọi trí lực, sức lực quốc gia đang dồn cho xử lý những mối đe dọa vùng biển chủ quyền ở ngoài Biển Đông nhưng không được lơ là nhiệm vụ cần song hành đó là cải cách kinh tế, đổi mới mạnh mẽ. ĐB cũng cho rằng, đây là thời điểm để tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt khi mối giao thương với Trung Quốc gặp khó khăn, Chính phủ, các bộ, ngành cần trợ giúp nông dân tìm kiếm thị trường thay thế, chú trọng đầu tư sản xuất hàng hóa, không để lệ thuộc quá mức vào nước láng giềng này. Theo ĐB, điều đó nhằm đảm bảo “lực” đối phó với bất cứ mối đe dọa nào. ĐB nhấn mạnh: “Một khi nội lực quốc gia yếu kém, những mối đe dọa từ bên ngoài luôn rình rập và ta luôn vô cùng khó khăn để chống đỡ. Bởi thế, yêu cầu cải cách thể chế nhằm vừa phát triển đất nước bền vững, vừa bảo vệ vững chắc Tổ quốc càng trở nên cấp thiết hơn”.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ĐB Vũ Tiến Lộc nhận định, tác động của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép sẽ ảnh hưởng tới thương mại song phương và cho rằng, cần phải thận trọng và cứng rắn khi đàm phán thương mại để không ảnh hưởng đến nông dân, người lao động. Ông Lộc cho biết, kinh tế Việt Nam hiện lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, như đầu vào ngành dệt may nhập 50% từ Trung Quốc do giá nguyên liệu của họ rẻ. Thời gian tới chúng ta cần ký các hiệp định thương mại có điều kiện nhập khẩu từ Mỹ, Ukraine... để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia

Nhiều ý kiến đề nghị, trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và những năm tiếp theo, Chính phủ cần có đánh giá về những tác động của tình hình Biển Đông đối với nền kinh tế, đồng thời xây dựng kịch bản ứng phó để tiếp tục thu hút đầu tư, bảo đảm chủ quyền Tổ quốc. Đa số ĐB đã thể hiện sự đồng tình với phương án bảo đảm cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương năm 2013 để đầu tư phát triển cho các lực lượng chấp pháp trên biển như Cảnh sát biển, Kiểm ngư và bà con ngư dân đánh bắt xa bờ.

ĐB Đỗ Văn Đương (thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế-xã hội cần có nội dung về tăng cường các biện pháp giữ vững chủ quyền, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội với phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ cần yêu cầu các địa phương tổng rà soát, dừng triển khai các dự án chưa thực sự cần thiết, bức xúc để tập trung nguồn lực cho quốc phòng-an ninh; sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, đập tan mọi âm mưu của các phần tử xấu, tấn công triệt phá các loại tội phạm để giữ bình yên cho nhân dân...

Đề xuất các giải pháp nhằm giữ vững chủ quyền biển đảo, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên-Huế) nêu ý kiến, trước mắt, Chính phủ cần tăng cường đầu tư, trang bị phương tiện cho các lực lượng chấp pháp trên biển; tăng cường xây dựng hệ thống phòng thủ biển đảo; đầu tư những đội tàu cá lớn cho ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân trên biển. ĐB Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) khẳng định, chúng ta cần kiên quyết bảo vệ chủ quyền, buộc Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam và chủ động đối phó mọi tình huống, kể cả kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Dành 16.000 tỷ đồng cho Cảnh sát biển, Kiểm ngư, ngư dân

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội dự kiến dành 16.000 tỷ đồng cho lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và ngư dân để đáp ứng tình hình hiện nay. “Đây là vấn đề rất lớn sẽ được Quốc hội thảo luận và quyết định trong kỳ họp này, để đi đến quyết định đáp ứng tình hình thực tế đặt ra trong bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Thảo luận về vấn đề này, ĐB Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị: “Quốc hội lần này trong nghị quyết phải thể hiện cho được chính sách “thắt lưng buộc bụng” bằng hành động. Tôi ủng hộ 16.000 tỷ đồng cắt để ủng hộ Biển Đông nhưng 16.000 tỷ đồng chưa đủ. Tôi đề nghị Quốc hội lần này cắt phần lớn tất cả khoản chi thường xuyên mà không nằm trong lương và trợ cấp xã hội”.

ĐB Trần Du Lịch liệt kê, những kiểu như giao tế, tiếp khách, mua sắm, đi lại… phải cắt, cắt tối đa. “Tôi nói điều có thể mất lòng. Cử tri nói thế này: “Các anh đi lại tham quan, học tập không biết kiểu gì nhưng chúng ta trả nợ miệng với nhau bằng tiền ngân sách của dân đóng thuế”, chúng ta cắt được không? Chúng ta tự nhìn lại vấn đề này”, ông Lịch nói. Nếu thực sự thắt chặt chi tiêu, theo ĐB Trần Du Lịch, chúng ta không phải chỉ dành được 16.000 tỷ mà còn nhiều hơn nữa để xử lý những vấn đề đang đặt ra.

Để làm được điều này, ĐB Trần Du Lịch đề nghị phải thay đổi Luật Ngân sách, thay đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương để chúng ta tái cấu trúc tài chính công và hành chính công. “Nếu không có vấn đề Biển Đông thì đầu tư, chi tiêu, bội chi, nợ nần tôi không biết cái gì xảy ra trong vài năm tới. Chúng ta nhân đây phải làm mạnh mẽ về vấn đề này, thể hiện ngay trong nghị quyết kỳ họp này”, ông Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Đồng ý việc cần thiết phải dành 16.000 tỷ đồng, thậm chí nhiều hơn cho lực lượng Cảnh sát biển, lực lượng Kiểm ngư trên Biển Đông, ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng: Chính phủ cần yêu cầu các địa phương tổng rà soát, tạm dừng triển khai những dự án chưa thực sự bức xúc, chưa thật sự cần thiết, những dự án được cho rằng nhu cầu sử dụng dân sự được hình thành trong tương lai để tập trung nguồn lực, tiềm lực cho quốc phòng, an ninh, tăng cường sức mạnh cho quân đội và công an nhân dân.

B.T tổng hợp

;
.
.
.
.
.