Tuy không còn đốt vàng mã, thắp hương trong quầy hàng, nhưng với sự xuống cấp của hạ tầng các chợ cùng với thói quen nấu cơm điện, sử dụng quạt máy, vẩy tàn thuốc lá bừa bãi... là những hiểm họa mà hầu hết các chợ Đà Nẵng đang phải đối mặt trong những ngày nắng nóng này…
Các lực lượng chữa cháy phối hợp diễn tập tại chợ Hòa Khánh. |
Thấy mà lo
Vào các chợ trung tâm thành phố như chợ Cồn, chợ Mới, trước mắt chúng tôi là khung cảnh tấp nập người ra vào mua bán. Đến khu áo quần, giày dép chợ Cồn chật vật mãi khách hàng mới có thể lách qua các lối đi gần như bị trưng hết bởi hàng hóa. Phía trên đầu là mái tôn với chằng chịt dây điện. Không khí nóng hầm hập khiến người qua lại toát mồ hôi. Để xua bớt hơi nóng, các hộ buôn bán phải thường xuyên sử dụng quạt điện. Đến chợ Thanh Khê 1 (trên đường Cù Chính Lan) từ 7 giờ sáng, chúng tôi thấy đông đúc người đi chợ. Từ lâu chợ này là điểm nóng về trật tự giao thông mà lực lượng quy tắc quận Thanh Khê phải xử lý khá vất vả. Dù mới được xây sửa chỉ vài năm trở lại đây nhưng các ngành hàng kinh doanh sắp xếp khá lộn xộn. Từ phía ngoài, ai muốn vào chợ phải cúi đầu vì vướng những tấm ni-lông, vải bạt do các chủ quầy căng ngang dọc, chiếm hết cả lối đi. Phía bên trong chợ có đầy đủ các mặt hàng thịt, cá, vàng mã, rau hành… nhưng tối om vì không có ánh sáng, do đó các tiểu thương phải bật điện cả ngày. Lối đi quanh chợ đã bị vây kín bởi lô sạp, hàng rong. Đã vậy, những người đàn ông ra vào chở hàng cho tiểu thương hút thuốc luôn miệng. Có lẽ, chỉ cần sơ ý một chút, tàn thuốc vứt trúng quầy hàng mã thì không biết hậu quả sẽ ra sao. “Chợ hẹp nên chị em hàng rong chúng tôi thấy trống chỗ nào ngồi bán chỗ nấy, làm chi được ngồi cố định. Có đuổi thì chạy, cố bám chợ để kiếm sống”, một chị bán bánh tiêu ở chợ Thanh Khê 1 than vãn.
Chợ Hòa An hiện diện trên một diện tích tương đối rộng rãi trên đường Yên Thế (quận Cẩm Lệ). Thế nhưng, phía mặt tiền chợ là ngành hàng chăn, chiếu, mùng mền được tiểu thương lấn ra tận vỉa hè bậc tam cấp lối ra vào; phía sau là đường Hòa An 1 trở thành chợ trời với hàng loạt hộ kinh doanh áo quần di động, rau củ, quả tràn xuống lòng đường. Phương tiện dùng để bày biện hàng hóa của tiểu thương chủ yếu là các sạp tre, sạp gỗ, tủ, giường, nia, mẹt… Những thứ đó, chỉ cần một đốm tàn lửa nhỏ cũng có thể biến thành đám cháy lớn.
Phòng ngừa là trên hết
Mùa nắng nóng năm nào Đà Nẵng cũng xảy ra những vụ cháy đáng lo ngại. Khi thì cháy nhà dân, lúc cháy quầy hàng ở chợ. Mới đây ngày 13-4, xảy ra vụ cháy tại chợ Quán Hộ (đường Kỳ Đồng, quận Thanh Khê). Rất may đám cháy đã được lực lượng chữa cháy cơ sở và một số tiểu thương dùng bình chữa cháy xách tay dập tắt trước khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến nơi. Ông Nguyễn Đình Sáu, Trưởng BQL chợ Cồn cho biết: “Chúng tôi luôn nhắc nhở các tiểu thương thu dọn hàng hóa cẩn thận sau mỗi ngày và nhất là tuyệt đối không được đốt vàng mã, thắp hương cúng bái ngày rằm, mồng một hay đốt giấy đốt vía mở hàng nhằm bảo đảm công tác phòng, chống cháy nổ. Bên cạnh việc tuyên truyền của BQL, các hộ kinh doanh viết cam kết, thực hiện đúng nội quy đề ra”.
Từ sau Tết đến nay, hàng loạt chợ trên địa bàn tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn như chợ Hòa Khánh, Nam Ô, Đầu mối Hòa Cường, chợ Cồn... Ông Đặng Quang Hưng, Phó BQL Các chợ quận Liên Chiểu đánh giá: “Hiện nay nguy cơ cháy nổ tại các chợ rất cao do nắng nóng nên tiểu thương sử dụng nguồn điện lớn. Trước tình hình đó, chúng tôi liên tục cho kiểm tra hệ thống điện, các mặt hàng dễ cháy và trên hết là tuyên truyền về công tác phòng cháy chữa cháy. BQL chợ cũng hình thành tổ tự quản theo ngành hàng, quầy hàng an toàn về phòng cháy chữa cháy (mỗi tổ 12-14 người), như chợ Hòa Khánh có 33 tổ, chợ Hòa Mỹ 8 tổ, chợ Nam Ô 8 tổ, khuyến khích mỗi hộ mua sắm ít nhất 1 bình chữa cháy. Đến nay UBND quận Liên Chiểu cũng đồng ý chủ trương cho phép khu A và B chợ Hòa Khánh được cải tạo lại mạng lưới điện, mua sắm trang thiết bị.
“Chợ ngồi trên lửa” tăng cường các biện pháp PCCC So với những chợ khác, chợ Cồn được ví là “chợ ngồi trên lửa” bởi nguy cơ cháy nổ ở mức cao do chợ được xây dựng từ rất lâu. Ông Nguyễn Đình Sáu, Trưởng BQL chợ Cồn cho biết, ngày 23-5 vừa qua đã triển khai tập huấn cho gần 300 tiểu thương ở các ngành hàng nhằm phổ biến, tuyên truyền kiến thức pháp luật, nghiệp vụ PCCC. Mới đây, chợ đưa vào vận hành hệ thống 16 đầu camera được đầu tư với số tiền 150 triệu đồng giúp kiểm tra nghiêm ngặt hơn tình hình an toàn ở chợ. Điểm mới trong công tác PCCC trong năm nay tại chợ là tuần tra ban đêm theo điểm trao thẻ. Dự kiến trong thời gian tới chợ Cồn sẽ trang bị thêm một máy bơm công suất lớn (V75) nằm trong dự án chống nóng của thành phố để tăng cường khả năng chữa cháy cơ sở. |
Bài và ảnh: DUYÊN ANH