Năm 2013, tôi có 7 cuộc “viễn du”, đi đến 10 nước ở châu Á, châu Úc, châu Âu và Mỹ để sưu tầm tư liệu về Hoàng Sa - Trường Sa. Nhờ các chuyến đi này, tôi đã tiếp cận và sao chụp gần 30 tư liệu thành văn, hơn 50 bản đồ các loại để bổ sung cho font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà tôi cùng các đồng nghiệp ở Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng thực hiện trong những năm qua. Đây là những bằng chứng xác thực, chứng minh Việt Nam đã có quá trình khai phá, xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong hơn 4 thế kỷ qua.
Cũng từ các chuyến đi tìm tư liệu Hoàng Sa - Trường Sa này, tôi đã có cơ hội tiếp xúc, trao đổi và thảo luận với nhiều học giả quốc tế về giá trị của các “bằng chứng lịch sử” chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Họ là những nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa, luật gia, chính trị gia, tướng lĩnh… đã và đang nghiên cứu về sự tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông.
Đa chiều quan điểm trong vấn đề “bằng chứng lịch sử”
Trong nhiều cuộc trao đổi với các học giả quốc tế, tôi thường nêu câu hỏi: “Các nhà nghiên cứu Việt Nam đã công bố nhiều bản đồ và tư liệu, coi đó là những “bằng chứng lịch sử” để chứng minh Việt Nam đã có một quá trình xác lập chủ quyền và thực thi chủ quyền lâu dài, liên tục đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những bản đồ và tư liệu ấy có vai trò như thế nào trong việc giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia?”. Trả lời câu hỏi này, các học giả quốc tế đã đưa ra những quan điểm đa dạng và đa chiều, tùy theo cách nhìn nhận của từng người, tựu trung gồm hai nhóm quan điểm chính như sau:
GS Carlyle A. Thayer trả lời phỏng vấn ở Canberra, Úc. |
- Nhóm thứ nhất là những nhà sử học và những học giả chuyên nghiên cứu về tranh chấp chủ quyền. Họ đánh giá cao giá trị của các “bằng chứng lịch sử” này, coi đây là những chứng cứ quan trọng chứng minh Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đời. Có học giả dẫn chứng: Từ thập niên 1970, Trung Quốc đã chủ trương thu thập các tư liệu lịch sử và bản đồ cổ để xây dựng một bộ hồ sơ về chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với những vùng biển đảo ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Trên cơ sở các tư liệu này, ngày 30-1-1980, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố văn kiện ngoại giao, chính thức hóa quan điểm “Trung Quốc đã có chủ quyền lịch sử” đối với các đảo và quần đảo ở biển Hoa Đông và Biển Đông, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Năm 1988, Trung Quốc xuất bản bộ tư liệu đồ sộ do nhóm nghiên cứu - đứng đầu là GS Hàn Chấn Hoa - thực hiện, đã tập hợp những sử liệu, bản đồ do Trung Quốc soạn vẽ và tư liệu nước ngoài để chứng minh cho cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với những vùng biển đảo đang thuộc chủ quyền của các nước khác.
Trong mối tương quan ấy, rất nhiều học giả quốc tế đã đánh giá cao những tư liệu, bản đồ mà chúng tôi và nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam đã sưu tầm và công bố. Nhiều người kiến nghị Nhà nước Việt Nam cần đầu tư công sức và tiền của để thu thập, biên dịch, thẩm định và công bố những “bằng chứng lịch sử này” cho “bàn dân thiên hạ” biết, đồng thời phản bác những tư liệu, luận điểm xuyên tạc của Trung Quốc. Ông Nguyễn Mạnh Trí, cựu Trung tá Hải quân Việt Nam Cộng hòa, hiện sống ở Santa Ana (California, Mỹ) đề nghị: “Hiện nay, sự hiểu biết của đồng bào quốc nội và hải ngoại về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa tương đối hạn hẹp. Vì thế, chúng ta cần tổ chức được những buổi triển lãm thông tin, tư liệu, bản đồ… về tình trạng xác lập và bảo vệ chủ quyền ở hai quần đảo này và ở Biển Đông” (phát biểu ngày 24-4-2013).
- Nhóm thứ hai là những luật gia, chính trị gia ở các nước châu Âu và Mỹ. Họ cho rằng, tư liệu lịch sử và bản đồ cổ chỉ có giá trị tham khảo và không mang tính quyết định trong các phán quyết về tranh chấp chủ quyền ở các tòa án quốc tế. Theo họ, các yêu sách về chủ quyền và hàng hải phải được giải quyết thông qua luật pháp quốc tế, tố tụng tại Tòa án công lý quốc tế ở Hà Lan hoặc Tòa án quốc tế về Luật Biển ở Đức, hoặc Tòa trọng tài quốc tế hòa giải theo Phụ lục 7 và Phụ lục 8 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Trên thực tế, UNCLOS không áp dụng việc dùng lịch sử để phân xử tranh chấp chủ quyền trên biển. GS Jerome A.Cohen, Giám đốc Viện nghiên cứu luật pháp Mỹ - châu Á (Đại học Luật New York, Mỹ) giải thích: “Đó là lý do vì sao Philippines không kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về Luật Biển trên vấn đề chủ quyền lịch sử đối với những vùng biển đảo mà Trung Quốc đang tranh chấp với họ, mà họ kiện Trung Quốc về việc “đường chữ U” do Trung Quốc vạch ra đã ngăn cản thông thương trên biển, xâm phạm lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Philippines theo UNCLOS 1982” (phát biểu ngày 11-4-2013).
Còn theo GS Carlyle A. Thayer, nguyên GS Học viện Quốc phòng Úc: “Các chứng cứ về lịch sử chỉ có giá trị tham khảo, do tính pháp lý không cao. Do vậy, việc Trung Quốc đưa ra “đường chữ U” bao chiếm 80% diện tích Biển Đông và cho rằng đường này dựa vào các “bằng chứng lịch sử” của họ là rất thiếu tính thuyết phục. Không ai dựa vào những “bằng chứng lịch sử” đó để công nhận “đường chữ U” phi lý của Trung Quốc” (phát biểu ngày 27-7-2013).
Giải pháp giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo
Trả lời chúng tôi về vai trò của Mỹ trong những tranh chấp trên Biển Đông hiện nay, GS. Jerome A. Cohen nói thẳng: “Nước Mỹ không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nhưng lợi ích kinh tế của nước Mỹ hiện thời phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ với Trung Quốc. Các bạn phải lưu ý điều này”. Ông cũng nói thêm: “Trung Quốc sẽ ngày càng gia tăng sức ép, nên Việt Nam phải tìm kiếm sự hậu thuẫn từ các nước ASEAN, nhất là những nước đang có chung tình cảnh như Việt Nam. Việt Nam cũng nên kiện “đường chữ U” của Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về Luật Biển như Philippines đang làm để bảo vệ quyền khai thác, giao thương trên Biển Đông. Đó là giải pháp hợp lý nhất” (phát biểu ngày 11-4-2013).
GS Furuta Motoo trả lời phỏng vấn đoàn làm phim tại ĐH Tokyo, Nhật Bản. |
GS Furuta Motoo, Chủ tịch Hội những nhà Việt Nam học Nhật Bản, cho rằng: “Từ đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn của Việt Nam đã tuyên bố xác lập chủ quyền đối với Hoàng Sa. Sau đó, Hoàng Sa và Trường Sa do người Pháp quản lý. Khi Việt Nam giành được độc lập, quyền thống trị quần đảo này cũng chuyển đến tay Việt Nam. Căn cứ vào quá trình lịch sử như vậy thì Việt Nam có lý nhiều nhất trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng rất tiếc là “Việt Nam có lý” không đồng nghĩa với triển vọng trong tương lai Việt Nam sẽ giành lại được chủ quyền đối với những đảo đang bị Trung Quốc chiếm giữ. Tranh chấp lãnh thổ là một loại tranh chấp quốc tế khó giải quyết nhất. Tranh chấp ở Biển Đông khó có thể bùng nổ thành chiến tranh. Nhưng nếu bằng con đường thương lượng hòa bình thì việc phân chia biên giới, lãnh hải để làm hai phía hài lòng 100% là cực kỳ khó khăn. Theo tôi, để giải quyết tranh chấp thì phương thức phân chia 50/50, tức chia cho mỗi bên một nửa là cách giải quyết khả thi nhất, nếu chưa khẳng định được là tốt nhất. Trong mối quan hệ Việt - Trung đã có tiền lệ giải quyết như thế này. Đó là Hiệp định phân chia lãnh hải ở vịnh Bắc Bộ do Việt Nam và Trung Quốc ký kết vào tháng 12-2000. Theo Hiệp định này, phía Việt Nam có chủ quyền với 53,23% vịnh Bắc Bộ. Đó là kết quả khả dĩ” (phát biểu ngày 16-7-2013).
GS Carlyle A. Thayer khẳng định: “Việc Trung Quốc đòi quản lý chủ quyền trên phần lớn Biển Đông và đặc quyền cho phép tàu bè đi lại qua vùng biển này là phi lý và phi pháp. Một cuộc chiến pháp lý giữa các nước bị tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Tòa án công lý quốc tế hoặc Tòa án quốc tế về Luật Biển sẽ là điều không tránh khỏi. Việt Nam cũng sẽ theo hướng này mà thôi” (phát biểu ngày 27-7-2013).
Ông Nguyễn Mạnh Trí chia sẻ: “Nước Mỹ đã từng thỏa thuận ngầm với Trung Quốc trong vụ Hoàng Sa năm 1974. Vì thế, Việt Nam phải tự phát triển tiềm lực của mình. Chiến lược quân sự của Việt Nam phải đi song song với mặt trận ngoại giao, kinh tế. Điều quan trọng nhất là đừng để Trung Quốc dụ vào thế đối đầu để chiếm thêm các đảo tại Trường Sa. Hệ thống phòng thủ chỉ được dùng để phản công khi không còn giải pháp nào khác. Chiến tranh phi quy ước trên Biển Đông vẫn còn hiệu lực để đối đầu với nước mạnh hơn. Các ngư dân miền Trung đang ở tuyến đầu trong mặt trận này. Họ xứng đáng nhận được sự tri ân của toàn dân cả nước. Cuối cùng thì một thế liên minh quân sự chiến lược với Mỹ, các cường quốc Đông Á (Nhật Bản, Ấn Độ, Úc Đại Lợi) và các quốc gia liên hệ tại Đông Nam Á (Việt Nam và Philippines) chỉ là vấn đề thời gian” (phát biểu ngày 24-4-2013).
Mỗi chuyên gia đưa ra một giải pháp, nhưng những dự báo của họ về việc Trung Quốc sẽ gia tăng gây hấn trên Biển Đông cách đây một năm giờ đã thành hiện thực. Việc Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương-981 vào hạ đặt và tiến hành khoan thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế trong vùng biển của Việt Nam từ ngày 1-5-2014 đến nay đã chứng tỏ những tiên liệu của các học giả quốc tế là đúng và những lời khuyên của họ là rất giá trị. Vì thế, giải pháp kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế đã được lãnh đạo Nhà nước Việt Nam tính đến, nhằm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và lãnh thổ Việt Nam.
Còn với riêng tôi, việc tìm kiếm, thu thập những “bằng chứng lịch sử” cũng là hành động thiết thực nhằm cung cấp thêm những bằng chứng lịch sử và pháp lý cho bộ hồ sơ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong trường hợp Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Hơn nữa, những tư liệu và bản đồ cổ này chứa đựng những thông điệp giá trị về quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển đảo của cha ông chúng ta. Nếu người dân Việt Nam không biết những thông điệp ấy, không thuộc những bài học lịch sử về quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông thì sẽ không nuôi dưỡng ý thức về chủ quyền và sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.
TRẦN ĐỨC ANH SƠN