Việc đặt giàn khoan Hải Dương-981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam và sử dụng số lượng tàu chấp pháp áp đảo gây hấn, khiêu khích lực lượng chấp pháp của Việt Nam đều nằm trong chiến lược xâm lược mềm của Trung Quốc.
Mạn phải tàu kiểm ngư 703 của ta bị tàu Trung Quốc đâm thủng. Ảnh: VnExpress |
Đối sách của ta phải linh hoạt, tỉnh táo, khôn khéo không mắc mưu khiêu khích, kiên quyết, kiên trì đấu tranh một cách hòa bình. Đại tá Nguyễn Hồng Sâm (ảnh), nguyên Chủ nhiệm Chính trị Vùng Cảnh sát biển 2, nhìn nhận như vậy khi trao đổi với Báo Đà Nẵng.
* Việc Trung Quốc chỉ dùng tàu chấp pháp ngăn chặn tàu chấp pháp của ta có học giả trong nước đánh giá đây là một trong những biện pháp trong chiến lược “xâm lược mềm” của Trung Quốc nhằm chiếm trọn Biển Đông. Ông đánh giá ý kiến này thế nào?
- Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam rồi đưa một lực lượng tàu chấp pháp hùng hậu và cả tàu quân sự để bảo vệ rõ ràng đây là một kế hoạch có tính toán rất kỹ từ trước. Ta có thể thấy rõ thủ đoạn chọn thời điểm của Trung Quốc cũng như dùng lực lượng tàu chấp pháp với số lượng áp đảo ngăn chặn, gây hấn với tàu chấp pháp của ta làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển.
Bên cạnh đó, họ vẫn bố trí tàu quân sự ở vòng trong, sát giàn khoan Hải Dương-981 nhằm mục đích uy hiếp các lực lượng của ta. Họ lấp liếm rằng giàn khoan đặt cách đảo Tri Tôn 17 hải lý trong vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa (mà Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép của Việt Nam từ 1974) thuộc chủ quyền của họ để sử dụng tàu chấp pháp trực tiếp tấn công, gây hấn với tàu chấp pháp của Việt Nam. Đó chính là phương cách Trung Quốc thực hiện chiến lược “xâm lược mềm” đối với Việt Nam và có thể sẽ thực hiện tương tự với các nước khác có chủ quyền trên Biển Đông.
* Theo ông, chúng ta cần làm gì để đối phó với những âm mưu như vậy?
- Qua quan sát sự kiện này trên truyền thông báo chí cho ta kinh nghiệm sử dụng lực lượng chấp pháp trên biển để đấu tranh trên thực địa bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nhưng ta đấu tranh bằng phương pháp hòa bình, kiên trì tuyên truyền, thuyết phục, tránh đối đầu kết hợp với đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, tuyên truyền, vận động quốc tế, tạo sự đoàn kết nhân dân trong nước và dư luận yêu chuộng hòa bình trên thế giới ủng hộ quan điểm, phương pháp đấu tranh của ta.
Trong khi ta thiện chí thì trên biển, Trung Quốc có những hành động hung hăng, hiếu chiến, gây hấn, khiêu khích với lực lượng chấp pháp của Việt Nam nhằm “bẫy” chúng ta mắc mưu và chỉ chờ ta mắc mưu để tạo cớ. Trên kênh truyền thông báo chí thì vu cáo trắng trợn, đổ lỗi cho Việt Nam. Chúng ta cần phải tỉnh táo, bình tĩnh, kiên trì, kiên quyết và tránh mắc mưu Trung Quốc nhưng không phải ta cứ phải chịu đựng cho tàu Trung Quốc đâm húc, phun vòi rồng mãi hoặc né tránh mãi. Ta phải có những biện pháp linh hoạt, phù hợp để đối phó hiệu quả chặn đứng hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam.
Về lâu dài, trong đấu tranh với Trung Quốc, chúng ta cần phải dấy lên tinh thần yêu nước trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các bạn trẻ. Vừa qua báo chí đưa tin các bạn trẻ xếp hình bản đồ đất nước, hát Quốc ca..., nhưng như thế là chưa đủ. Yêu nước là gì, như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói, yêu nước là mỗi công dân làm hết sức mình, làm thật hiệu quả, thật sự chất lượng công việc của bản thân mình. Mỗi người làm tốt nhất công việc của mình là đã góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước ta ngày một giàu mạnh.
* Về lâu dài chúng ta cần chuẩn bị gì trước thông tin Trung Quốc đang xây dựng tàu chấp pháp với số lượng khổng lồ chuẩn bị cho những cuộc “chiến tranh không khói súng” nhằm hiện thực hóa đường lưỡi bò phi lý trên Biển Đông?
- Như tôi đã nói trước đó, để thực hiện chiến lược xâm lược mềm, Trung Quốc đang xúc tiến đóng mới nhiều tàu chấp pháp có lượng giãn nước lớn, cải hoán tàu quân sự thành tàu chấp pháp với mục tiêu tạo nên một sự áp đảo khi sử dụng lực lượng này đối đầu phi quân sự với các lực lượng chấp pháp nước mà họ có tranh chấp chủ quyền. Họ coi đây như một lực lượng “hải quân hai”. Đây thực sự là chủ trương, chiến lược cực kỳ nham hiểm của Trung Quốc nhằm thực hiện âm mưu hiện thực hóa “đường lưỡi bò”, thôn tính, độc chiếm Biển Đông. Tuy nhiên, âm mưu đó có thực hiện được hay không phụ thuộc vào chính Việt Nam chúng ta và các nước ASEAN.
Chúng ta và các nước ASEAN cần đồng lòng, chung sức trong việc đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế. Về phía Việt Nam chúng ta, cùng với các biện pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền như tôi đã nói, chúng ta cần phải xây dựng phát triển đất nước mạnh lên về mọi mặt. Lịch sử Việt Nam chúng ta cho thấy dân tộc ta thường xuyên phải đương đầu với những kẻ địch mạnh hơn mình gấp nhiều lần song với tinh thần đoàn kết, tinh thần yêu nước, không chịu khuất phục chúng ta đã thắng và bảo vệ được lãnh thổ khỏi sự xâm lược của ngoại bang. Chúng ta tin tưởng vào đường lối của Đảng và Nhà nước ta nhất định sẽ có những đối sách phù hợp, hiệu quả bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.
* Ngư dân được xem như là những cột mốc chủ quyền trên biển. Theo ông, bên cạnh các lực lượng chấp pháp, ngư dân đóng vai trò như thế nào trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển?
- Lực lượng nòng cốt trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển, đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam là Cảnh sát biển, Kiểm ngư. Ngoài những lực lượng trên, chúng ta phải tạo ra thế trận mới, trong đó cần tiếp tục tạo điều kiện tối đa để ngư dân ra khơi đánh bắt một cách bình thường ở khu vực vùng biển Hoàng Sa, nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép; để cho Trung Quốc thấy rằng không chỉ Cảnh sát biển, lực lượng Kiểm ngư mà còn có người dân Việt Nam đang làm việc, đang đánh bắt cá, đang làm công việc thường ngày trên vùng biển chủ quyền của mình.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
ĐÀ NAM - HOÀNG ANH thực hiện