.
Chuyện tổ, chuyện thôn

Nhà văn hóa xây xong để đó

Ông Nguyễn Thơm, tổ trưởng tổ 22, phường Chính Gián (quận Thanh Khê) cứ thắc mắc vì sao nhà văn hóa (NVH) khu dân cư khu vực 2 phường Chính Gián đã được xây dựng hoàn chỉnh cách đây hơn 2 tháng, nhưng đến nay vẫn chưa cho người dân sử dụng. Suốt bao năm, việc họp tổ hay họp đoàn thể trong tổ đều diễn ra tại nhà dân. Nay có NVH rồi, vậy mà vì sao vẫn phải họp ở nhà dân?

NVH nằm ngay mặt tiền đường Võ Văn Tần và mặt tiền kiệt 12 Võ Văn Tần, thuận lợi cho người dân 16 tổ dân phố trong khu vực sinh hoạt. Có điều, dù NVH chưa được đưa vào sử dụng nhưng bất cập đã nảy sinh trong quá trình thiết kế, xây dựng và hoàn thiện. “Phòng vệ sinh có cửa khóa ngoài, lại án ngữ ngay mặt tiền đầu lối vào kiệt 12 Võ Văn Tần, đối diện quán cà-phê của nhà dân. Cửa phòng vệ sinh để khóa ngoài, không lẽ đi vệ sinh mà còn phải có người trông hộ. Rồi đặt cửa ngay sát đường, ai trông coi bảo vệ? Những lần dự họp, người dân muốn đi vệ sinh phải đi vòng ra đường, xin chìa khóa từ người quản lý để vào đi vệ sinh thì bất tiện lắm. Không thể chấp nhận kiểu làm phòng vệ sinh đối với nhà sinh hoạt cộng đồng như thế”, ông Phạm Hữu Năm cho biết.

Câu hỏi đặt ra là trong quá trình thiết kế, xây dựng, chẳng lẽ đơn vị thiết kế, xây dựng và quản lý không nhận ra sai sót này? Được biết, đây là công trình do thành phố phê duyệt, chủ đầu tư là UBND quận Thanh Khê. “Trước khi xây dựng NVH, UBND quận đã công bố bản thiết kế công khai với UBND phường để tiếp thu góp ý, chỉnh sửa những điểm chưa hợp lý. Là người đại diện nhân dân khu vực 2, cũng là thành viên Ban thanh tra nhân dân phường, tôi và các cán bộ phường tham gia cuộc họp đã có ý kiến cụ thể về những bất cập đối với cửa phòng vệ sinh. Kiến nghị bằng văn bản, có chữ ký của Chủ tịch UBND phường cũng như dấu đỏ gửi UBND quận đề nghị xem xét, sửa bản thiết kế cho phù hợp với thực địa vị trí xây dựng ngôi nhà. Nhưng kiến nghị cho có, họ vẫn xây dựng như bản thiết kế cũ, có ai nghe chúng tôi đâu”, ông Năm nói.

Phản hồi mà UBND quận trả lời là... không đồng ý thay đổi thiết kế. Khi đại diện dân cư khu vực 2 thắc mắc, đơn vị thi công cho biết họ thực hiện theo bản thiết kế từ bản vẽ thành phố đã phê duyệt, ngân sách cũng do thành phố quyết toán nên không thể tự ý thay đổi. Nếu thay đổi thì buộc phải thay đổi kết cấu toàn bộ ngôi nhà (?!). Vậy là ý kiến thì mặc ý kiến, rốt cuộc NVH ra đời rồi… để đó!

TRỌNG HUY
 

;
.
.
.
.
.