.
Chuyện tổ, chuyện thôn

Thôn 600 hộ

Bà Nguyễn Thị Tánh, Phó Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Dương Sơn (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang), cho biết tính bình quân mỗi tối bà nhận hai cuộc điện thoại từ người dân đề nghị được hỗ trợ do mâu thuẫn gia đình của họ. Không đi không được! Dù đã có lực lượng dân phòng, công an khu vực phụ trách, nhưng vẫn phải có mặt trưởng thôn trực tiếp phân giải thì mới xong chuyện. Với thôn có đến 600 hộ dân như Dương Sơn, để lãnh đạo toàn thôn đạt hiệu quả và được lãnh đạo thành phố tặng bằng khen quả thật không dễ.

Dương Sơn có địa bàn rộng, được chia thành hai khu vực gồm xóm Nỏng và xóm Dưới, mỗi xóm có 4 tổ dân cư. Để đi hết tất cả các hộ trong thôn, theo ước tính của bà Tánh, phải mất 2-3 ngày liên tục. Để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của thành phố, huyện, xã, hình thức hiệu quả nhất là thông báo qua loa phóng thanh, các cuộc họp thôn, các cuộc họp quân dân chính được lồng ghép kết hợp các đợt triển khai phổ biến pháp luật, triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp trước thời vụ...

Một thực tế được trưởng thôn thừa nhận là hầu như không thể tổ chức trọn vẹn một cuộc họp thôn mà có đầy đủ các hộ trong thôn cùng tham dự. “Thực ra, nếu các hộ cùng đến dự họp thì hội trường thôn không thể đáp ứng chỗ ngồi. Hiện hội trường chỉ giới hạn tối đa khoảng 400 người, nếu 600 người chen chúc nhau thì cuộc họp cũng sẽ rối rắm và không thể phổ biến hết các nội dung. Dẫu vậy, trong cái khó, mình cũng phải linh động để làm sao mọi người dân trong thôn đều nắm bắt được các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thành phố, các hoạt động của toàn thôn, nhất là vào các vụ mùa”, bà Tánh nói.

Theo bà Tánh, tuy có đến 4 phó thôn hỗ trợ cùng trưởng thôn, nhưng kinh phí hỗ trợ cho phó thôn hoạt động hạn chế nên hiệu quả công việc cũng ở mức độ vừa phải. Vì vậy, công tác tuyên truyền có phần hạn chế theo. Địa bàn rộng, dân cư đông đúc nên nhiệm vụ trọng tâm của trưởng thôn trong việc quản lý cư trú, nhân khẩu cũng chỉ… chung chung. Áp lực nhất với trưởng thôn là vào các dịp Tết đến, khi có chương trình cấp phát gạo cho hộ khó khăn, hay bình xét hộ nghèo.

Ông Ngô Chí Thức, Trưởng phòng Nội vụ huyện Hòa Vang, cho biết, một số thôn trên địa bàn huyện hiện có quá đông số hộ, như Quan Châu, Dương Sơn (xã Hòa Châu) có 600 hộ, Lệ Sơn 1 (xã Hòa Tiến) có 600 hộ, Nam Yên (xã Hòa Bắc) có 500 hộ, ảnh hưởng đến công tác quản lý, tạo áp lực lớn cho trưởng thôn. Trước tình hình đó, huyện Hòa Vang có kế hoạch tách thôn nhưng phải chờ sự đồng ý của lãnh đạo thành phố. Còn bà Nguyễn Thị Tánh cho biết, khi đề cập việc chia tách thôn, người dân trong thôn phản đối, cho rằng “bao nhiêu năm nay chung sống với nhau, sao phải chia tách, xé lẻ ra”. Dẫu vậy, việc một thôn có đến 600 hộ tạo nên nhiều bất cập trong công tác quản lý, tập hợp, hội họp. Như thôn Dương Sơn, cả năm nhiều khi các hộ trong thôn không gặp mặt nhau một lần.

TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.