Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, chiều 4-6, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Chính phủ trình các dự án luật liên quan đến quyền công dân, trong đó có dự luật Căn cước công dân. Nếu được thông qua, luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2015. Theo đó, thẻ căn cước sẽ thay thế chứng minh nhân dân (CMND) và được cấp từ khi công dân chào đời.
Tờ trình dự luật Căn cước công dân đánh giá thời gian qua, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để cấp, quản lý CMND, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch của nhân dân, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ công an. Trên cơ sở các văn bản này, hệ thống cơ quan quản lý căn cước công dân đã được hình thành trên cả nước; cơ sở dữ liệu CMND với hệ thống tàng thư căn cước công dân đã và đang đáp ứng yêu cầu cấp, đổi, cấp lại CMND và yêu cầu nghiệp vụ công an.
Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật về căn cước công dân đến nay còn tản mạn, chủ yếu được ban hành dưới hình thức nghị định của Chính phủ nên hiệu lực thi hành thấp. Trong khi đó, quyền và nghĩa vụ của công dân về căn cước công dân là quyền và nghĩa vụ cơ bản nên cần phải được quy định trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao là Luật.
Mặt khác, sự phát triển kinh
tế - xã hội của đất nước đặt ra các yêu cầu mới. Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 đã quy định quyền tự do đi lại, giao dịch, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình là quyền con người, quyền công dân được Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm. Căn cước công dân liên quan trực tiếp đến những quyền này.
Dự án luật cũng quy định việc sử dụng thẻ Căn cước công dân theo công nghệ tiên tiến vừa bảo đảm bền, đẹp, chống làm giả, vừa có khả năng tích hợp nhiều thông tin cần thiết để góp phần đơn giản hóa giấy tờ cho công dân, từng bước thực hiện Chính phủ điện tử...
Theo Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, thẻ căn cước được cấp ở 4 giai đoạn phát triển của công dân: 0-14 tuổi; 15-25 tuổi; 25-70 tuổi (15 năm đổi một lần) và trên 70 tuổi (không xác định thời hạn sử dụng). Với người dưới 15 tuổi, trên thẻ căn cước sẽ có thông tin về mã số định danh cá nhân và nhân thân. Người đủ 15 tuổi sẽ làm thủ tục đổi thẻ căn cước, trong đó bổ sung thông tin về đặc điểm nhân dạng, vân tay.
Ủy ban Quốc phòng-An ninh nhận định, việc cấp thẻ căn cước công dân, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mã định danh cá nhân giúp việc quản lý dân cư trong tương lai đơn giản, thuận tiện, thay thế được nhiều loại giấy tờ cá nhân như giấy khai sinh, chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu... Song, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cùng nhiều thành viên Ủy ban cho rằng, thời điểm hiệu lực ngày 1-7-2015 khó khả thi, cần thêm thời gian 6 tháng để chuẩn bị.
Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng lo ngại nhiều địa phương chưa có điều kiện cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và cán bộ quản lý để triển khai. Do đó, Bộ Công an sẽ báo cáo Thủ tướng cho phép duy trì các quy định của pháp luật hiện hành đến khi đủ điều kiện, chậm nhất là ngày 1-1-2020.
Quốc hội cũng nghe Chính phủ trình các dự án Luật Hộ tịch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam... Tờ trình của Chính phủ nêu rõ việc ban hành Luật Hộ tịch rất cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định, thống nhất cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, đặc biệt trong bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 với nhiều quy định mới đề cao quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, Chính phủ khẳng định việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 là rất cần thiết và cấp bách. Đến nay, nhiều người trong số những người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có quốc tịch nước sở tại, ổn định cuộc sống, công ăn việc làm và cư trú ở nước ngoài, nên việc lựa chọn giữ quốc tịch Việt Nam bên cạnh quốc tịch nước sở tại của họ là điều khó khăn, vì lo ngại ảnh hưởng đến quyền lợi, công ăn việc làm, cư trú của họ...
TTXVN