Chiều 3-6, Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng đến thăm chị Đặng Thị Phúc Thùy, vợ của kiểm ngư viên Mai Văn Diệp, tàu KN 629, Chi đội số 3, Kiểm ngư Vùng 2. Một mình nuôi con, chăm sóc gia đình để chồng yên tâm làm nhiệm vụ trên biển, suốt 3 năm qua, người vợ trẻ mới bước qua tuổi 30 một mình chống chọi với căn bệnh ung thư tuyến giáp.
Bà Nguyễn Thị Vân Lan, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng, thăm chị Đặng Thị Phúc Thùy. |
Món quà mà Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh gửi đến chị Thùy trong chiều qua không chỉ gồm số tiền 3 triệu đồng cùng lon sữa, hộp bánh, mà còn là sự chia sẻ cụ thể với căn bệnh của chị: Nếu chị Thùy điều trị tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, Hội sẽ chi trả toàn bộ phần viện phí còn lại sau khi bảo hiểm thanh toán.
Sau khi tốt nghiệp ĐH Kinh tế Đà Nẵng và làm việc cho một ngân hàng trên địa bàn thành phố, chị Thùy kết hôn với anh Diệp vào năm 2009. Họ có với nhau cậu con trai 4 tuổi thật đáng yêu. Trong căn nhà tập thể 15m2 của Chi đội kiểm ngư số 3, cậu bé đang nằm ngủ ngon lành khi ngoài kia đã có bố Diệp vững vàng bảo vệ biển khơi, còn mẹ Thùy luôn là điểm tựa bình yên cho hai bố con trong mọi hoàn cảnh.
Cách đây 3 năm, Thùy đón nhận kết quả mắc bệnh ung thư tuyến giáp. “Một cảm giác rất kinh khủng, không có lời nào tả hết khi mình nhận được tin đó. Những ngày đầu lẻ loi ra ra vào vào Hà Nội (Bệnh viện 108) điều trị, bao nỗi lo sợ cứ bủa vây và mình chỉ biết khóc…”, Thùy nhớ lại. Vất vả nhất có lẽ là sau mỗi đợt Thùy uống thuốc phải cách ly con vì sợ tác động của thuốc đối với người xung quanh. Nhà chỉ có hai mẹ con nên lúc ấy con trai bé nhỏ phải gửi về Hà Tĩnh ở với ngoại đợi đến ngày mẹ “an toàn”. 3 tháng/lần, Thùy gửi con cho các anh chị trong khu tập thể trông nom để ra Hà Nội kiểm tra sức khỏe. “Ông ngoại chạy thận suốt một năm nay nên bà phải chăm ông, không còn nhiều thời gian chăm cháu. Ông bà nội ở Thái Bình đều già yếu”, Thùy chia sẻ về những ngày loay hoay tìm nơi giữ con để đi bệnh viện.
Cảm giác yếu mềm ấy cũng dần qua mau khi giờ đây Thùy luôn dặn lòng không khóc, sẵn sàng đón nhận mọi thử thách để luôn là hậu phương vững chắc cho chồng toàn tâm toàn ý hoàn thành nghĩa vụ với đất nước. Cách đây ít hôm, anh Diệp cùng đồng đội trên con tàu thương tích KN 629 bị Trung Quốc đâm va đã trở về đất liền. Vài giây phút ngắn ngủi gặp vợ con vội vã rồi anh lại đi. Chuyện đi biền biệt rồi về chóng vánh đã thành bình thường với những người có chồng làm kiểm ngư như chị Thùy.
Hiện chị Thùy đã xin nghỉ việc tại ngân hàng vì không đủ sức khỏe vừa làm việc vừa chăm con. Cuộc sống lại tiếp nối những lo toan bởi mọi chi phí sinh hoạt gia đình chỉ có thể dựa vào đồng lương của chồng. Chưa kể mỗi lần đi khám, tiền đi lại, ăn ở, thuốc thang tốn kém ít nhất 5 triệu đồng. Thế nhưng, trong suốt câu chuyện, Thùy không hề than thở một lời. Với người vợ trẻ này, những ngày bão giông trên biển, chị chỉ mong đến chương trình thời sự để được nhìn thấy một chút hình ảnh từ Biển Đông. “Anh đã dặn em không phải lo chi hết, mọi thứ đang rất ổn”, lời động viên, trấn an của chồng trong mỗi giây phút gặp nhau chính là liều thuốc quý giá để Thùy có thêm sức mạnh cùng chồng vượt sóng gió.
Dịp này, Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố cũng trao tặng 3 triệu đồng cho bà Nguyễn Hứa Diệu Hương, 48 tuổi, ung thư vú, là mẹ của Nguyễn Nhật Trường, Bộ đội Hải quân. Đối với trường hợp bà Hoàng Thị Tự, ung thư thanh quản, mẹ của Cảnh sát biển Trần Kim Ba, Hội chi trả toàn bộ phần chi phí điều trị sau khi bảo hiểm thanh toán. Cá nhân bà Nguyễn Thị Vân Lan, Phó Chủ tịch Hội, tặng chị Đặng Thị Phúc Thùy 1 triệu đồng. |
Bài và ảnh: THU HOA