Sở VH-TT-DL Đà Nẵng đề xuất phương án chọn mua pháo hoa từ châu Âu thay cho pháo Trung Quốc để cung cấp cho các đội tham dự DIFC 2015 |
Sở VH-TT-DL Đà Nẵng cũng đề xuất tổ chức DIFC 2015 vào hai đêm 28 và 29-4 (thứ Ba và thứ Tư) thay vì hai đêm 29 và 30-4 như các năm trước. Mục đích của việc thay đổi này, theo ông Trần Quang Thanh, là sau khi tổ chức DIFC 2015 sẽ tiếp tục có thêm các hoạt động nhân dịp lễ 30-4 và 1-5 nhằm kéo dài thời gian thu hút du khách đến Đà Nẵng, tăng hiệu quả kinh tế cho các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn.
Về địa điểm bắn pháo hoa, từ lần đầu tiên năm 2008 đến năm 2012 đều tổ chức ở khu vực cảng Sông Hàn, có ưu điểm góc bắn rộng, người xem thoải mái; khoảng cách giữa khán đài và khu vực bắn lớn, an toàn cho người xem; không đầu tư nhiều chi phí cho khu vực bắn. Song cũng có nhược điểm là độ an toàn thấp đối với kết cấu của hệ thống kính hai tòa nhà cao tầng là khách sạn Novotel và Trung tâm Hành chính TP ở cạnh đó.
Ông Trần Quang Thanh cho biết, vừa qua đã có ý kiến đề xuất bắn trên sà lan lắp đặt giữa sông Hàn. Ưu điểm của phương án này là ý tưởng mới, tạo màn hình nước giữa sông phục vụ người xem hai bên bờ sông Hàn; quy mô khán đài sẽ tăng lên, dự kiến khoảng 50.000 chỗ ngồi (vì lắp đặt thêm khán đài khoảng 25.000 chỗ ngồi tại địa điểm bắn cũ ở khu vực cảng Sông Hàn).
Tuy nhiên, phương án này rất khó khăn, phức tạp, tốn nhiều chi phí trong việc cấp điện, đảm bảo an toàn cháy nổ, bảo vệ…; khoảng cách giữa người xem và khu vực bắn khá gần (chỉ 210m), khi có gió thì có nguy cơ xác pháo rơi vào người xem gây nguy hiểm; góc bắn hẹp gây khó chịu cho khán giả; kinh phí của các sở, ban, ngành liên quan phục vụ cho việc bắn pháo hoa giữa sông cao…
Đặc biệt, ông Trần Quang Thanh cho biết, để có cơ sở xem xét đề xuất phương án bắn pháo hoa trên sà lan giữa sông, Sở VH-TT-DL Đà Nẵng đã có công văn tham khảo ý kiến của Sở GTVT Đà Nẵng về số lượng sà lan hiện có trên cả nước có thể đáp ứng cho việc này, kinh phí thuê, lai dắt, lắp đặt sà lan làm địa điểm bắn.
Theo Sở GTVT Đà Nẵng, hiện loại xà lan này chỉ có ở Hải Phòng, Quảng Ninh; việc lai dắt, lắp đặt gặp nhiều khó khăn, thời gian lai dắt ít nhất từ 15 - 20 ngày; kinh phí thuê, lắp đặt, gia cố cho 10 sà lan kích thước 120m x 400m lên đến khoảng 15 tỉ đồng nhưng việc lắp đặt giàn pháo trên sà lan lại hạn chế về tính ổn định và an toàn.
“Sở GTVT Đà Nẵng cho biết, phương án tổ chức điểm bắn pháo hoa trên sà lan đặt giữa sông Hàn là không khả thi. Ngoài ra, dự toán kinh phí của Công ty Môi trường đô thị, Công ty Quản lý vận hành điện chiếu sáng công cộng Đà Nẵng cho phương án bắn giữa sông đều rất cao. Do vậy, Sở VH-TT-DL Đà Nẵng đề nghị UBND TP chọn địa điểm bắn cũ nhưng yêu cầu nhà tư vấn phải tính đến yếu tố an toàn cho hai tòa nhà khách sạn Novotel và Trung tâm Hành chính TP”, ông Trần Quang Thanh cho hay.
Về pháo hoa cung cấp cho các đội dự DIFC 2015, Sở VH-TT-DL Đà Nẵng đề xuất chọn phương án mua pháo từ châu Âu thay cho pháo Trung Quốc vẫn sử dụng trong các kỳ DIFC trước. Theo ông Trần Quang Thanh, sở dĩ đề xuất chọn pháo hoa châu Âu nhằm “tránh tình trạng lặp lại như các năm trước là toàn bộ pháo đều chuyển từ Trung Quốc nên hiệu ứng các màn trình diễn tương tự nhau, dễ gây nhàm chán cho khán giả!”.
Được biết, hiện có hai công ty vào “chung kết” tuyển chọn nhà tư vấn cho DIFC 2015 là GLOBAL 2000 (Malaysia) và Simmetrico (Ý). Để chọn được nhà tư vấn phù hợp, Sở VH-TT-DL Đà Nẵng đề nghị UBND TP chủ trì cùng các sở, ngành liên quan nghe hai công ty này trình bày về nội dung, ý tưởng, kinh phí theo phương án bắn tại địa điểm cũ; so sánh giá mua pháo Trung Quốc và châu Âu để chọn lựa. Đồng thời yêu cầu nhà tư vấn phải có ý tưởng mới hơn so với các năm trước để tăng sức thu hút đối với khán giả.
Tại cuộc họp do Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì sáng 24-6, UBND TP Đà Nẵng đã nghe ý kiến thảo luận của các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan về các đề xuất nêu trên. Theo kế hoạch, chiều 26-6, UBND TP Đà Nẵng sẽ báo cáo với lãnh đạo Thành ủy, HĐND TP Đà Nẵng để có kết luận cuối cùng nhằm triển khai thực hiện.
infonet