.

Đề nghị đăng ký để được cấp giấy tờ chứng minh quốc tịch

.

Chiều 17-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung (SĐBS) một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam (QTVN); việc gia nhập Công ước và nghị định thư Cape Town.

Thảo luận dự án Luật SĐBS một số điều của Luật QTVN, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một phần máu thịt của Việt Nam và không có gì ngăn cản được những người Việt Nam ở trong và ngoài nước ngày càng gắn bó với nhau hơn. Điều này đã được Hiến pháp ghi nhận tại Điều 18: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. ĐB đề nghị không nên nhìn nhận dự thảo luật này dưới góc độ quản lý Nhà nước mà nên dưới góc độ quyền công dân.

ĐB đặt câu hỏi, phải chăng do không nắm được số liệu cụ thể về người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam nên dự thảo luật vẫn tiếp tục giữ quy định về đăng ký giữ QTVN. Chính điều này gây khó khăn cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, vì để giữ quyền có quốc tịch của mình thì họ phải thực hiện nghĩa vụ bắt buộc là phải đăng ký giữ QTVN. Theo ĐB thì một nền pháp lý công bằng phải tính đến khả năng tuân thủ của người dân.

Thực tế Luật Quốc tịch hiện hành còn coi việc không đăng ký giữ quốc tịch là một trong những căn cứ mất QTVN; nhưng gần 5 năm qua thì tỷ lệ đăng ký rất thấp, chỉ 6.039 người trên khoảng 4,5 triệu người. Dự thảo lần này lại kế thừa quy định phải đăng ký giữ QTVN; nhưng nếu xin định cư ở nước ngoài mà không đăng ký giữ QTVN thì vẫn còn QTVN, vẫn là công dân Việt Nam. Như vậy việc đăng ký giữ QTVN có còn cần thiết không. Vì vậy, ĐB đề nghị bỏ quy định đăng ký giữ QTVN là hợp lý.

Theo ĐB, Hiến pháp quy định chỉ có nhóm quyền về chính trị, an sinh xã hội, đi lại, cư trú là trao cho công dân, các quyền còn lại trao cho mọi người. Vậy thì, để được hưởng các quyền mà Hiến pháp trao cho công dân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ cần xuất trình một trong các giấy tờ chứng minh QTVN. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là trong số 6.039 người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký giữ QTVN chỉ có 1.000 người có giấy tờ chứng minh QTVN.

Như vậy, có những người Việt Nam định cư ở nước ngoài tuy chưa mất QTVN nhưng lại không có một trong các giấy tờ chứng minh QTVN còn giá trị sử dụng thì họ rất cần việc bảo hộ của Nhà nước, tạo điều kiện cho họ đăng ký để được cấp giấy tờ chứng minh QTVN. Do đó, việc đăng ký này là rất cần thiết và nên quy định thủ tục đăng ký phải hết sức thuận lợi để người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực thi các quyền của mình được tốt hơn. ĐB đề nghị, thay vì quy định đăng ký giữ QTVN như dự thảo thì nên quy định đăng ký để được cấp giấy tờ chứng minh QTVN là hợp lý.

HỮU HOA

;
.
.
.
.
.