.

Doanh nhân hướng về biển đảo

.

Diễn biến tình hình Biển Đông qua vụ giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển Hoàng Sa, vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam luôn được các doanh nhân trên địa bàn thành phố quan tâm theo dõi. Dù còn đó những lo toan về hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng với tấm lòng đối với chủ quyền quốc gia, những doanh nhân Đà Nẵng đã biến tinh thần yêu nước của mình bằng những việc làm cụ thể, góp phần gánh vác trách nhiệm cùng đất nước trong lúc này.

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa:

 

Trong lúc này, chúng tôi kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp (DN) nâng cao năng lực sản xuất, bảo đảm uy tín, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh. Nhất là việc kêu gọi mọi người dân ủng hộ các DN Việt Nam, ưu tiên dùng hàng Việt Nam để góp phần phát triển kinh tế đất nước và tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của quốc gia. Hiệp hội DN nhỏ và vừa Đà Nẵng cũng kêu gọi cộng đồng doanh nhân thể hiện trách nhiệm của mình đối với đất nước. Qua đó, tiếp tục duy trì các hoạt động hợp tác, đầu tư, sản xuất, kinh doanh bình thường với tất cả các nước, kể cả với Trung Quốc, vì lợi ích bền vững của quốc gia, dân tộc, của đôi bên. Các DN ngành thủy sản và ngư dân kiên trì bám biển, bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông. Kêu gọi sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng DN và mọi người dân đối với các lực lượng chức năng và ngư dân Việt Nam đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Ông Phan Hải, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, Giám đốc Công ty Giày BQ:

 

Trước tình hình Biển Đông “dậy sóng”, đội ngũ doanh nhân không thể hành động như lực lượng chấp pháp, chúng tôi chỉ có đóng góp bằng tinh thần yêu nước theo cách riêng của mình. Thông qua chương trình phát động trong Hội, chúng tôi nhận thấy các doanh nhân như đang xích gần lại với nhau hơn. Đó không chỉ là liên kết cùng hướng về biển đảo mà còn là liên kết giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong sản xuất và kinh doanh, vượt qua giai đoạn khủng hoảng này. Cách làm của chúng tôi là sản xuất được nhiều hàng hóa có chất lượng trong nước, phục vụ người dân, dần xóa tan định kiến hàng nội - hàng ngoại, đủ sức tự chủ và phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

Tôi nghĩ, chỉ có liên kết, thắt chặt hơn mối quan hệ làm ăn và xây dựng trên nền tảng yêu nước mới có sự phát triển bền vững. Trong phạm vi của mình, DN của tôi cũng muốn làm một cái gì đó nhằm kết nối giữa nhà cung cấp, khách hàng, người tiêu dùng cùng toàn thể cán bộ, nhân viên công ty chung tay góp sức với các lực lượng chấp pháp trên biển để tiếp tục đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Hy vọng, với những gì cá nhân tôi cũng như cộng đồng doanh nhân trẻ đang thực hiện sẽ giúp những người lính đang làm nhiệm vụ trực tiếp trên biển được ấm lòng hơn. Bởi vì, sau lưng các chiến sĩ là hàng triệu trái tim người Việt Nam luôn hướng về biển, đảo.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, Chủ tịch CLB Doanh nhân 20-30, Phó Tổng Giám đốc Công ty VLXD Đông Nguyên:

 

Giống như triệu triệu công dân Việt Nam khác, tôi không khỏi bức xúc trước hành động ngang ngược của Trung Quốc vi phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam. Là một doanh nhân, tôi thấy mình có thể làm được điều gì đó trên mặt trận kinh tế. Và cách yêu nước của tôi là nâng cao năng lực chuyên môn của mình để phát triển DN lên tầm cao hơn, đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế quốc gia. Trước tình hình Biển Đông như vậy, dư luận vẫn lo ngại về việc Trung Quốc cắt đứt giao thương, gây thiệt hại về kinh tế. Nhưng tôi cho rằng đây là cơ hội để DN trong nước vươn lên và nhìn lại mình. Cái gì cũng có sự hy sinh, nhưng trước hoàn cảnh như vậy phải có bước đi mạnh mẽ mới mong tới đích.

Việc làm của tôi trong lúc này là tạo sự chuyển biến trong cách làm, cách nghĩ, cụ thể cần nâng cao hơn tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bản thân tôi cũng đã phát động tinh thần yêu nước và sử dụng hàng do chính DN trong nước sản xuất cho các nhân viên của mình khi đi mua sắm (nếu mua hàng Made in Vietnam, sản xuất tại Việt Nam) có hóa đơn chứng từ mang về sẽ được công ty trích lại 10%). Chúng tôi cũng đã tiếp cận thêm một số đối tác làm ăn từ các thị trường mở rộng. Chẳng hạn trước đây nhà cung cấp nguyên vật liệu là Trung Quốc thì giờ đây, dù phải đổi hướng sang nhà cung cấp khác có giá thành đắt hơn chúng tôi vẫn lựa chọn để tránh những rủi ro có thể xảy ra.

Ông Trương Phước Ánh, Giám đốc Công ty TNHH Việt Tin:

 

Trước hết, xin khẳng định bộ phận DN đóng vai trò hết sức quan trọng đối với đất nước. Kinh tế có mạnh thì quốc phòng mới mạnh và an ninh chính trị được giữ vững. Hơn khi nào hết, đội ngũ doanh nhân - doanh nghiệp chúng tôi hiểu rằng mình cần phải nỗ lực hơn nữa trong lao động sản xuất, làm cơ sở cho đất nước phát triển. Trong hoàn cảnh như thế này, doanh nhân cũng như toàn dân, một lòng ủng hộ thiết thực tinh thần và vật chất để làm hậu phương vững chắc cho các chiến sĩ ngoài biển đảo. Tất cả chúng ta đều có thể tham gia đóng góp dù ít, dù nhiều nhưng thể hiện được sự gắn kết giữa những người làm kinh tế với các chiến sĩ làm nhiệm vụ chấp pháp trên Biển Đông.

Bình thường, chúng tôi cũng làm thế, nhưng thời điểm hiện tại, bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nhân còn mang bên mình tinh thần đau đáu về Biển Đông. Đứng trên bình diện vĩ mô, sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam đang ở bối cảnh mới, cần phải giảm bớt sự phụ thuộc vào nền kinh tế láng giềng. Điều này không chỉ cần sự định hướng chuyển dịch từ phía Nhà nước mà các doanh nghiệp phải tự mình thoát ra khỏi tình trạng lâu nay. Ở góc độ vi mô, mỗi doanh nhân có những tính toán trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Trước đây, đội ngũ doanh nhân cũng thấy được điều đó, nhưng vẫn chưa có sự thay đổi lớn, còn bây giờ sự định hình đã rõ nét hơn.

DUYÊN ANH ghi

;
.
.
.
.
.