.

"Đừng nghỉ cô ơi, buồn lắm!"

.

Mùa hè với các thầy cô giáo và học trò nói chung là khoảng thời gian “xả hơi”. Nhưng thầy và trò nạn nhân da cam vẫn tất bật với mùa hè. “Nếu trường tạm nghỉ, các em sẽ chẳng biết đi về đâu, cha mẹ cũng phải bỏ hết công việc, bởi nhiều em 17, 20 tuổi rồi mà vẫn như đứa trẻ lên 3”, một cô giáo nói.

Cô và trò trong lớp học của nạn nhân chất độc da cam.
Cô và trò trong lớp học của nạn nhân chất độc da cam.

“Cô mau lên với con”

Từ vài năm nay, cơ sở 3 của Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng đặt tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) đã trở thành ngôi trường thân quen của trẻ em bị phơi nhiễm chất độc da cam ở khu vực này.

Trung bình một buổi học có 60 em ở nhiều độ tuổi, nhưng các em đều cùng ngồi chung một lớp với những bài học ê a như nhau. Hằng ngày, xe của Hội đến từng nhà đón các em tới trường vào sáng sớm và đưa trở về vào chiều tối. Một số trẻ ở xa, không thuận tiện đi lại sẽ được ngủ qua đêm tại trường. Hành trình này nhiều năm qua đã thành nền nếp với những đứa trẻ nạn nhân da cam, thế nên các thầy cô giáo của trường cũng không nỡ dừng việc học dù trong vài ngày.

Những giáo viên như cô Vang, thầy Hiếu, cô Yến, thầy Sự, v.v… vẫn ngày ngày đều đặn đến lớp. Một số người sống trong nội thành cũng không hề ngại đường sá, nắng nóng đến lớp với các em. “Các thầy cô khác được nghỉ trong mùa hè, còn mình vẫn đến lớp nhưng lại thấy vui. Nghề của chúng mình là vậy. Hơn nữa, không gặp các em thì buồn và lo lắm. Nhìn học trò cao lớn như vậy nhưng thực chất vẫn ngây thơ, non nớt và chưa thể tự lo cho bản thân”, các thầy cô tại cơ sở 3 cho biết. Chưa kể, hôm nào thấy cô không có mặt ở trường thì đám trẻ lại liên tục ríu rít qua điện thoại: “Cô ơi, cô mau lên với tụi con!”.

Không có ngày thứ bảy, chủ nhật

Không riêng cơ sở 3, mà các cơ sở khác của trẻ em nạn nhân da cam đều hoạt động quanh năm, kể cả thứ bảy và chủ nhật. Ngày cuối tuần cũng là thời điểm nhiều nhóm tình nguyện hoặc đoàn từ thiện đến thăm trường, nên thầy và trò gần như liên tục có chương trình sinh hoạt. Nếu các học sinh thường mong đến cuối tuần để không phải đi học thì trẻ em da cam lại tỏ ra vô cùng hào hứng khi ngày nghỉ có đoàn đến vui chơi. Nhiều sinh viên tình nguyện đến đây dạy các em tập võ hay dân vũ. Biết “đi vài đường võ thuật” nên các bạn nam hớn hở đua nhau tập luyện.

Chị Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố, cho biết hiện Hội có 35 cán bộ, giáo viên và nhân viên xã hội chăm sóc cho 150 cháu tại các trung tâm. Mùa hè cũng như bao mùa khác, thu nhập của thầy cô vẫn không thay đổi, có chăng là bấp bênh tùy thuộc thời điểm vận động tài trợ của Hội. Vì toàn bộ kinh phí hoạt động, bao gồm cả việc dạy, học, ăn ở của học sinh đều do Hội tự chi trả bằng nguồn đóng góp của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước nên không ổn định. “Hiện nay, vận động tài trợ đang gặp khó nên làm sao bảo đảm thu nhập của giáo viên cũng là chuyện đau đầu”, chị Hiền nói. Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều giáo viên tại đây, “được dạy dỗ, chăm sóc cho các em bị nhiễm chất độc là vui nhất rồi”.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.