.

Giám sát dồn điền đổi thửa, cải tạo vườn tạp

.

Bộ mặt nông thôn một số xã thuộc Hòa Vang chuyển biến rõ rệt sau 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM). Song song với công tác huy động nguồn lực đầu tư cho NTM, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng các đề án được cấp ủy địa phương tích cực triển khai nhằm kịp thời chỉ đạo khắc phục hạn chế phát sinh ở cơ sở.

Mô hình rau sạch Túy Loan, xã Hòa Phong.
Mô hình rau sạch Túy Loan, xã Hòa Phong.

Người dân chưa thật sự tâm huyết

Kết quả giám sát tại xã miền núi Hòa Bắc cho thấy, 3 năm qua, xã tranh thủ ngoại lực và phát huy nội lực đã huy động hơn 16,6 tỷ đồng để đầu tư, nâng cấp các hạng mục công trình thiết yếu và đầu tư phát triển các mô hình kinh tế. Đối với đề án cải tạo vườn tạp, xã chọn thực hiện thí điểm tại 3 thôn Tà Lang, Lộc Mỹ và Phò Nam với 69 hộ dân đăng ký tham gia với tổng diện tích 9,2ha. Trên cơ sở đó, UBND huyện Hòa Vang hỗ trợ trồng 2.730 cây mít nghệ Thái Lan.

Đến nay, khoảng 70% số lượng cây phát triển tốt. Tuy vậy, giám sát tại các thôn thực hiện phát triển kinh tế vườn chỉ rõ, mặc dù nhận thức của người dân có tăng, tuy nhiên vẫn còn một số hộ dân thiếu tâm huyết, chưa có sự đầu tư, chăm sóc, bảo quản cây trồng để trâu, bò ăn và đạp làm cây chậm phát triển và chết khoảng 30%.

Thực hiện cải tạo vườn tạp, xã Hòa Nhơn chọn và thực hiện thí điểm tại thôn Trước Đông với 18 hộ dân đăng ký tham gia và cam kết thực hiện trên tổng diện tích 20.650m2. Huyện hỗ trợ 395 cây mít ghép Thái Lan, 320 cây bưởi da xanh. Đến nay, qua giám sát có 256/395 cây mít sống và phát triển tốt; 240/320 cây bưởi phát triển. Đối với đề án dồn điền đổi thửa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch vùng rau sạch tại thôn Thạch Nham Tây thuộc xã Hòa Nhơn với tổng kinh phí đầu tư 8,6 tỷ đồng trên diện tích 9ha.

Đến nay, vùng rau này trong quá trình hoàn thiện để triển khai trồng rau sạch trong thời gian đến. Qua đánh giá, việc thực hiện thí điểm dồn điền đổi thửa ở xã Hòa Nhơn tuy được triển khai nhưng công tác tổ chức tuyên truyền vận động, họp dân xây dựng phương án trình UBND huyện phê duyệt còn chậm. Công tác khảo sát chọn hộ gia đình tham gia chương trình của xã và thôn thực hiện chưa bảo đảm; nhiều hộ dân không có nhu cầu nhưng vẫn được chọn tham gia mô hình. Việc cây trồng chết, chậm phát triển là do thiếu sự đầu tư, chăm sóc; để trâu, bò ăn, đạp chết…

Cấp ủy, chính quyền phải sâu sát

Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Lê Văn Toàn chỉ rõ 3 hạn chế và cũng là 3 nguyên nhân chủ quan rút ra được sau 3 năm triển khai chương trình xây dựng NTM ở Hòa Vang. Đó là nội lực chưa được phát huy đúng mức, vai trò chủ thể của người dân chưa được huy động mạnh mẽ. Vai trò của cấp ủy, người đứng đầu thiếu quyết liệt, kém năng động; sự phối hợp thực hiện thiếu đồng bộ. Vai trò của Ban chỉ đạo, Ban quản lý, tổ chuyên trách của huyện và xã ở một số nơi chưa thể hiện rõ nét, hạn chế trong cả tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện.

Mới đây, tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 18-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự chỉ đạo đẩy mạnh chương trình xây dựng NTM ở huyện Hòa Vang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí nhấn mạnh đến vai trò chủ thể của người dân phải được nâng cao hơn; đặc biệt là tham gia phát triển các mô hình, đề án cải tạo vườn tạp, dồn điền đổi thửa…; bởi đây là tiền đề quan trọng để hình thành, nhân rộng các mô hình kinh tế chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đặc biệt lưu ý đến vai trò chỉ đạo, đôn đốc, giám sát của cấp ủy, chính quyền địa phương. Trong đó, ngoài chủ động xây dựng chương trình hành động, hoàn thành các tiêu chí NTM thì công tác thông tin, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát phải được tăng cường; nhất là tuyên truyền để người dân không trông chờ, ỷ lại vào sự quan tâm đầu tư của Nhà nước. Có như vậy, bộ mặt NTM ở các xã mới thật sự chuyển biến toàn diện, tạo sự đoàn kết, chung sức hoàn thành thắng lợi mục tiêu NTM trên vùng đất Hòa Vang trong thời gian đến.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.