.

Giữ vững "cột mốc sống" trên biển

.

Hơn lúc nào hết, toàn thể dân tộc Việt Nam đang hướng về Biển Đông, ủng hộ các lực lượng chấp pháp, cũng như những ngư dân dũng cảm đang ngày đêm bám biển.

Ngư dân mong muốn đóng tàu vỏ sắt để vươn khơi bám biển bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.  		                   Ảnh: NGỌC PHÚ
Ngư dân mong muốn đóng tàu vỏ sắt để vươn khơi bám biển bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Ảnh: NGỌC PHÚ

Đặc biệt, khi chương trình tín dụng khai thác hải sản xa bờ của Thủ tướng Chính phủ đi vào thực tiễn bằng quyết định hoán đổi đóng 3.000 tàu vỏ sắt thay cho tàu vỏ gỗ để ngư dân vươn khơi, bám biển, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, ngư dân cả nước như được đón nhận luồng gió mới, muốn được vay vốn ưu đãi, đóng tàu vỏ sắt công suất lớn hướng về ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Đội tàu sắt mang tên “Hoàng Sa-Trường Sa”

Theo ông Nguyễn Thế Đạt, một người tâm huyết với nghề đánh bắt hải sản, đang nung nấu ý định thành lập tổ đội tàu sắt vươn khơi bám biển mang tên “Đội tàu sắt Hoàng Sa-Trường Sa” tại một số tỉnh, thành phố miền Trung (trong đó có Đà Nẵng), đây là chủ trương rất đúng và kịp thời của Chính phủ. Bởi, không phải đến khi xảy ra sự việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, vấn đề đóng tàu vỏ sắt mới đặt ra.

Ông Đạt cho rằng “mạnh về biển, làm giàu từ biển” là một trong những chủ trương lớn, có từ những năm trước của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên việc triển khai chủ trương này chưa đạt hiệu quả như mong muốn; mà một trong những nguyên nhân chính là ngư dân vẫn trung thành khi đóng mới tàu vỏ gỗ nên gặp những hạn chế nhất định so với tàu vỏ sắt.

Ông Đạt cho rằng, trong khai thác hải sản cần tổ chức lại sản xuất sao cho phù hợp với từng nhóm nghề, ngư trường để nâng cao hiệu quả và thu nhập của ngư dân, đồng thời hướng đến phát triển thành ngành công nghiệp khai thác hải sản hiệu quả và bền vững, kết hợp nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn trên biển.

Từng bước hình thành các đội tàu sắt vươn ra vùng biển xa bờ, vừa góp phần hiện đại hóa nghề khai thác hải sản, vừa giữ ngư trường truyền thống và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Trong thời gian đến, chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân hiện đại hóa tàu cá, đóng mới tàu vỏ sắt, đóng mới tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, vay vốn phục vụ sản xuất với lãi suất ưu đãi… sẽ được Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt. Những chính sách này, cùng với tầm nhìn dài hạn sẽ là động lực chủ đạo cho ngành thủy sản phát triển “mạnh về biển, làm giàu từ biển” một cách thực sự trong những năm đến.

Vững “cột mốc sống”

Nhiều chuyên gia đóng tàu cho biết, với lợi thế vượt trội của tàu cá vỏ sắt, ngư dân có thể thu hồi vốn trong vòng 4-6 năm, đủ chi trả cho khoản đầu tư từ 4-5 tỷ đồng cho một tàu đóng mới. Một số ngư dân cần cù, làm ăn hiệu quả có thể thu hồi vốn trong thời gian ngắn hơn. Ưu điểm nổi trội của tàu vỏ sắt là tốc độ tàu nhanh hơn, lại tiết kiệm khoảng 15% nhiên liệu so với tàu gỗ. Tàu có khoang chứa lưới lớn, có khoang chứa ngư cụ, khoang bảo quản sản phẩm rộng.

Tàu cá vỏ sắt còn trang bị máy dò cá, hệ thống thông tin liên lạc, định vị hiện đại. Trong khi tàu gỗ chỉ đi được trong sóng cấp 4-5 thì tàu vỏ sắt có thể chịu được sóng cấp 7-8 tùy theo quy mô tàu. Điều quan trọng là với chất liệu thép nên khả năng chịu va đập, sức ép từ tác động bên ngoài của tàu vỏ sắt là một trong những điều mà ngư dân sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi đánh bắt trên những ngư trường truyền thống thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước ta nhưng bị Trung Quốc có hành động ngang ngược lấn chiếm và đưa tàu cá vào tranh giành đánh bắt cá trong ngư trường Việt Nam.

Rõ ràng, không khó để có thể thấy lợi ích to lớn khi chuyển dần từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ sắt sẽ giúp hiệu quả khai thác hải sản cao hơn, đi liền với đó là bài toán về dịch vụ hậu cần nghề cá và chế biến ngay trên biển sẽ được giải quyết dần. Bên cạnh đó, việc thành lập tổ, đội, xí nghiệp, công ty hay tập đoàn cũng sẽ là xu hướng phát triển phổ biến trong tương lai.

Điều này đồng nghĩa với việc ngư dân sẽ có việc làm thường xuyên với thu nhập ổn định hơn, giảm bất trắc, rủi ro và tai ương trên biển. Quan trọng nhất vẫn là sự hiện diện của những con tàu sắt vững vàng trên những ngư trường truyền thống lâu đời sẽ được ví như những “cột mốc sống” góp phần bảo vệ vững chắc lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam trước bất kỳ sự dòm ngó, đe dọa từ bên ngoài.

DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.