.

Hoàng Sa còn mãi trong tim

.

Mặc dù bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép đã hơn 40 năm, nhưng Hoàng Sa vẫn còn mãi trong con tim và khối óc của những người Việt Nam từng làm việc ở nơi đây. 

 

Như một phần máu thịt

Cụ Nguyễn Văn Nhự (ở thôn Bắc An, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) là nhân viên Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ trước năm 1975 và đã 6 lần ra làm nhiệm vụ tại Trạm Khí tượng Hoàng Sa. Gần 90 tuổi nhưng vị nhân chứng Hoàng Sa chuyện trò khá mạch lạc và nhấn mạnh: Hoàng Sa đã in sâu trong tim cụ như một phần máu thịt!

Cụ Nhự còn nhớ rõ, lần đầu tiên cụ đi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa vào năm 1969. Năm ấy, sau khi đón Tết Nguyên đán, cụ và 4 đồng nghiệp nhận gạo, nếp cùng nhiều loại thực phẩm và lên tàu tại cảng Tiên Sa. Trên tàu có một trung đội địa phương quân cũng ra làm nhiệm vụ luân phiên tại Hoàng Sa.  

Ở Hoàng Sa, hằng ngày cụ Nhự đảm nhiệm việc chiết khí hydro từ bình hơi vào hai quả bóng để thả lên không trung. Khi cụ thả bóng, có một quan trắc viên dùng kính theo dõi đường bay của quả bóng. Nếu trời trong, ít gió thì quả bóng bay lên cao hơn 1.000 mét mới nổ. Nếu gió mạnh, mây mù, quả bóng sẽ nổ thấp hơn. Căn cứ vào đó để biết hướng gió, sức gió. Một quan trắc viên khác theo dõi bảng đồng hồ gắn trên một thiết bị chuyên dụng hình tròn để đọc các yếu tố khí áp, nhiệt độ, độ ẩm, lượng mây… Trưởng trạm theo dõi, kiểm tra tỉ mỉ và lập báo cáo chuyển cho nhân viên vô tuyến điện báo về trên.

Ngoài thời gian làm nhiệm vụ, các nhân viên rủ nhau đi bắt ốc, bắt vích, câu cá và dạo chơi quanh đảo. Vào dịp rằm, mồng 1 hằng tháng, thủy triều rút rất xa. Anh em khí tượng theo mực nước rút, bắt các loại hải sản còn kẹt lại trong hốc nước, kẽ đá. Cá, ốc bắt được nhiều, ăn không hết, anh em chặt ra phơi khô để khi hết nhiệm kỳ (3 tháng), đem về cho gia đình…

Đầu năm 1974, khi cụ Nhự đang làm việc tại Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ thì nghe tin Hoàng Sa đã bị Trung Quốc xâm chiếm. Cụ Nhự ngậm ngùi: Tất cả anh chị em trong sở làm hết sức bàng hoàng, sửng sốt vì một bộ phận lãnh thổ của Việt Nam đã rơi vào tay ngoại bang!

 

Hoàng Sa mình đó tạc lòng ghi xương  

Trước ngày đất nước thống nhất, ông Trương Văn Quảng (ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) làm việc trên tàu hải quân của quân đội Sài Gòn, thường xuyên vận chuyển binh sĩ và nhân viên khí tượng ra làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa. Ông Quảng kể: Mỗi chuyến ra Hoàng Sa, tàu chở 30 binh sĩ, 5 nhân viên khí tượng cùng với nhiều gạo, muối, nước ngọt, lương thực, thực phẩm... Ông nhớ nhất là chuyến ra Hoàng Sa lần đầu vào tháng 2-1958. Chuyến ấy, tàu nhận người và hàng tại bến sông Hàn, xuất phát buổi chiều, đến trưa hôm sau thì đến Hoàng Sa. Tàu chạy vào sát bờ cát, hạ cửa đổ bộ. Binh sĩ và nhân viên khí tượng tự vác gạo, lương thực, thực phẩm lên đảo, còn thủy thủ kéo vòi bơm nước ngọt từ khoang tàu lên các bể chứa trên đảo.

Lần đầu tiên đến Hoàng Sa, ông Quảng thật bỡ ngỡ trước cảnh tượng hoang sơ giữa nghìn trùng sóng nước. Anh em ở đảo người nào da cũng đen sạm, nhiều người râu tóc rất dài, bởi lâu ngày không cắt. Trên đảo có mấy ngôi nhà lính, nhà khí tượng và một ngôi miếu nhỏ. Anh em thủy thủ đã đến thắp hương ở ngôi miếu đó. “Hôm sau, chúng tôi đón anh em mãn hạn ở đảo trở về đất liền, mang theo nhiều lá thư viết vội của bộ phận mới ra đảo. Số anh em mới ra đứng trên đảo vẫy tay tiễn chúng tôi mà rưng rưng nước mắt”, ông Quảng nhớ lại.

Từ năm 1958-1972, ông Quảng và anh em thủy thủ thường xuyên chở người, hàng ra Hoàng Sa và chở người ở Hoàng Sa về đất liền. Nhiều lần thủy thủ đoàn còn thực hiện nhiệm vụ tuần tra quanh khu vực Hoàng Sa để phát hiện, ngăn chặn những hành động xâm phạm chủ quyền. Đầu năm 1973, ông Quảng được bổ nhiệm làm Trưởng xưởng động cơ trong một nhà máy sửa chữa tàu ở cảng Tiên Sa. Dù làm việc trong đất liền, ông vẫn nghe nhiều thông tin về những âm mưu, hành động lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Ngày 19-1-1974, sau khi Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, hai tàu hải quân Sài Gòn bị trúng đạn đã chạy vào sửa chữa tại nhà máy mà ông Quảng đang làm việc. Ông Quảng và anh em đồng nghiệp làm việc cật lực hơn một tuần mới sửa xong...

16 năm gắn bó với Hoàng Sa để lại trong lòng ông Quảng biết bao ký ức sâu sắc về “bãi cát vàng” trên vùng biển phía đông của Tổ quốc. Đau đáu với Hoàng Sa, ông đã làm nhiều bài thơ nói lên nỗi xót xa đối với một phần lãnh thổ Việt Nam bị Trung Quốc xâm chiếm. Vị nhân chứng lịch sử đọc cho chúng tôi nghe đoạn đầu trong bài thơ “Nhớ Hoàng Sa” mà ông vừa sáng tác:

“16 năm gắn bó Hoàng Sa
40 năm mất đảo xót xa nỗi lòng
Hỡi ai con Lạc cháu Hồng
Hoàng Sa mình đó tạc lòng ghi xương…”.

 

Mong có một tổ chức nhân chứng Hoàng Sa

Ông Phạm Sô (ở phường Bình Hiên, quận Hải Châu), là người trực tiếp xây bể nước tại Hoàng Sa vào năm 1957. Hồi ấy, ông Sô làm việc cho nhà thầu Hồ Quang Đội tại Đà Nẵng. Đầu năm 1957, ông Đội nhận thầu xây một bể nước tại Trạm Khí tượng Hoàng Sa và cử ông Sô đi làm công trình này.

Đầu tháng 4-1957, ông Sô lên tàu tại bến cầu Trịnh Minh Thế (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi). Nhà thầu cho nhân công chuyển lên tàu một số gạch và xi-măng. Trên tàu có anh em binh sĩ và nhân viên khí tượng ra thay phiên làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa. Tàu chạy hơn một ngày đêm thì đến Hoàng Sa, dừng cách bờ khoảng 300 mét, rồi cho ca-nô chở người, vật liệu lên đảo...

Sau khi công việc hoàn thành, hằng ngày ông Sô phụ với anh em khí tượng đi bắt ốc, câu cá, nấu cơm, đến gần 2 tháng sau mới có tàu ra đón. Ông Sô thường đến thắp hương tại Miếu Bà (miếu thờ Quan Âm) và khu mộ của những người bị chết khi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa. Thời gian rảnh rỗi, ông chọn bắt các loại ốc có vỏ óng ánh như: ốc hoa, ốc xà cừ, ốc tai tượng, luộc chín, súc rửa sạch sẽ để đem về đất liền làm quà cho người thân. “Khi nghe tin Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm chiếm, tôi vô cùng bức xúc. Một phần lãnh thổ của Tổ quốc mình đã bị họ chiếm đóng trái phép suốt 40 năm nay!”, ông Sô bùi ngùi.

Cụ Nhự, ông Quảng, ông Sô thường kể cho con cháu nghe những kỷ niệm về Hoàng Sa, về “bãi cát vàng” trên vùng biển Việt Nam mà các cụ từng làm việc tại đó và đã 40 năm bị Trung Quốc xâm chiếm. Các cụ đều mong muốn có một tổ chức các nhân chứng Hoàng Sa để tuyên truyền cho thế hệ trẻ biết thêm về Hoàng Sa, về một phần non sông đất Việt, đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.