Gần dân, sát dân, biết lắng nghe và chia sẻ với nhân dân, thường xuyên nắm bắt tình hình cơ sở... là những kinh nghiệm quý rút ra từ bài học thực tiễn mà Ban Công tác Mặt trận (CTMT) số 29 (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) vận dụng có hiệu quả trong các phong trào, cuộc vận động, cũng như thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Lễ tế nghĩa sĩ và hội làng Khuê Trung được tổ chức thành công hằng năm đều có sự đóng góp tích cực của Ban CTMT và nhân dân khu dân cư 29. |
Trước đây, gia đình anh Đặng Ngọc Tuấn (tổ dân phố 190, phường Khuê Trung) nằm trong diện hộ nghèo của phường. Hai vợ chồng không có việc làm ổn định, lại nuôi hai con nhỏ trong tuổi ăn, tuổi học; vợ thì thường xuyên đau ốm. Biết được hoàn cảnh như vậy, Ban CTMT số 29 đã thường xuyên đến động viên, chia sẻ, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của gia đình anh Tuấn, qua đó, tìm cách tháo gỡ khó khăn.
Biết được anh Tuấn có nhu cầu mua xe máy để chạy xe ôm cho phù hợp với sức khỏe, Ban CTMT số 29 đã đề xuất với phường Khuê Trung và quận Cẩm Lệ xét hỗ trợ cho gia đình anh Tuấn 7 triệu đồng. Từ ngày có chiếc “cần câu”, cùng với tính siêng năng, chăm chỉ của anh Tuấn, gia đình anh có đồng ra đồng vào, cuộc sống bớt vất vả. Ngoài việc chạy xe ôm, anh Tuấn tranh thủ lúc rảnh rỗi nhận hàng gia công về nhà cho vợ làm thêm. Nhờ đó, đến nay gia đình anh Tuấn đã vươn lên thoát nghèo.
Anh Nguyễn Văn Thành (tổ 190, phường Khuê Trung) vui mừng cho biết: “Nếu không có bộ đồ nghề xây dựng này, gia đình chúng tôi không biết bao giờ mới thoát nghèo được. Vợ chồng chúng tôi cảm ơn sự hỗ trợ kịp thời của phường, của quận, cảm ơn Ban CTMT tổ 29 đã làm cầu nối giữa người nghèo chúng tôi với chính quyền địa phương”. Trước đây, gia đình anh cũng thuộc diện nghèo của phường, cả hai vợ chồng không có việc làm ổn định. Vợ thì đau ốm thường xuyên, bản thân anh Thành thì làm phụ hồ nhưng lại bị bệnh dạ dày mãn tính, làm một ngày lại nghỉ đến mấy ngày nên gia đình rơi vào cảnh nghèo túng không có lối ra; trong khi đó phải lo tiền ăn học, sách vở cho hai con nhỏ. “Nếu không có sự thấu hiểu và đề xuất hỗ trợ kịp thời của Ban CTMT số 29 thì gia đình tôi không thể vay ưu đãi được gần 10 triệu đồng và được địa phương hỗ trợ thêm 2 triệu đồng để mua phương tiện làm ăn thì chắc bây giờ, cái nghèo vẫn luôn đeo bám gia đình chúng tôi”, anh Thành chia sẻ.
Ban CTMT số 29, phường Khuê Trung có 6 tổ dân phố, gồm 155 hộ, với 535 nhân khẩu nhưng đã có đến 10 hộ nghèo, tính trung bình 15 hộ có một hộ nghèo - một áp lực rất lớn đối với những cán bộ ở cơ sở. Tuy nhiên, với vai trò là cầu nối vững chắc giữa ý Ðảng với lòng dân, tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách đến với nhân dân, Ban CTMT số 29 luôn luôn sát dân, thường xuyên nắm bắt tình hình cơ sở. Nhờ đó, các phong trào, cuộc vận động, cũng như nhiệm vụ chính trị ở địa phương được thực hiện một cách có hiệu quả, thiết thực. Đến nay, đã xóa được 8/10 hộ nghèo theo tiêu chí mới của thành phố.
Ông Lê Sỹ Tưng, Trưởng ban CTMT số 29 cho biết, ngoài công tác giảm nghèo, qua bình xét hằng năm, trên địa bàn có trên 98% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, trong đó có 10% hộ gia đình văn hóa tiêu biểu; 100% tổ dân phố đạt tổ dân phố văn hóa tiêu biểu. Ngoài ra, với tấm lòng tương thân tương ái, Ban CTMT số 29 đã vận động các hội, đoàn thể và nhân dân ủng hộ gần 60 triệu đồng và gần 3.000kg gạo (hơn 15 triệu đồng) cho các hộ khó khăn, neo đơn, hộ chính sách và các gia đình học sinh nghèo. 100% hộ dân tự giác đóng góp Quỹ vì người nghèo với số tiền gần 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, Ban CTMT số 29 đã vận động Chi hội Phụ nữ góp vốn quay vòng, giúp nhau làm kinh tế với tổng số tiền 150 triệu đồng.
Với những thành tích đạt được, từ năm 2008 đến nay, Ban CTMT số 29 được các cấp từ phường đến thành phố và Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tặng nhiều giấy khen và bằng khen.
Bà Ngô Thị Thương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Khuê Trung cho biết: “Ban CTMT số 29 luôn năng động, sáng tạo và biết phát huy tốt sức mạnh khối đại đoàn kết ở khu dân cư; từ đó làm tốt vai trò của mình, góp phần tích cực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương”.
Bài và ảnh: VĂN NỞ