Sở Công thương Đà Nẵng lúc đầu phát hành bản tin ngành theo kiểu “tự sản tự tiêu” nhưng chỉ ra được mấy số rồi “đình bản” vì chất lượng còn yếu. Để nâng cấp bản tin cả về nội dung lẫn hình thức lên tập san, cuối năm 2010, lãnh đạo Sở và ban biên tập tổ chức một cuộc họp ở số 2 Phan Bội Châu để nghe các nhà báo đang công tác ở các cơ quan thông tấn báo chí đóng ở Đà Nẵng, nhất là những cây bút chuyên về kinh tế, “hiến kế”.
Ông Lê Thanh Hạ và các cộng sự trong lần họp rút kinh nghiệm sau khi một số tập san Công Thương ra mắt bạn đọc. |
Báo ngành, tành tành cũng ra được?
Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đà Nẵng được Sở phân công trực tiếp thực hiện tập san. Ông Lê Thanh Hạ, Giám đốc Trung tâm nhớ lại: Lần đầu tiên chúng tôi bắt tay vào làm báo với số Xuân Tân Mão 2011. Xem đó như đứa con tinh thần của mình, từ khi tổ chức bài vở đến khâu làm ma-ket rồi ra báo, ai cũng lo lắng, hồi hộp đợi chờ. Đến khi cầm tờ báo trên tay mới thở phào nhẹ nhõm và cảm thấy mình bỗng dưng trở thành... nhà báo!
Ở Đà Nẵng, tập san Công Thương là một trong những “báo quý”, nghĩa là báo ra... hằng quý - như cách chơi chữ của nhà báo Hồ Duy Lệ trong một buổi gặp mặt cộng tác viên của tập san Doanh nhân trẻ Đà Nẵng. Lâu nay ai cũng tưởng làm báo ngành thì tành tành cũng ra được báo. Cách nhìn nhận này e rằng không hẳn đúng trong mọi trường hợp. Gặp tình huống bất ngờ, làm báo chuyên nghiệp còn thừa sức xoay xở, chứ làm báo “tay ngang” thì dễ toát mồ hôi như chơi.
Ông Lê Viết Tươi, Phó Giám đốc Sở Công thương, Trưởng ban Biên tập tập san Công Thương có lần chỉ hơn tiếng đồng hồ nữa là lên máy bay đi Hà Nội, gặp một số bài cần phải thống nhất trong ban biên tập trước khi đưa đi xin giấy phép. Ngay trưa, ông chạy ù xuống gặp ông Hạ, gút lại nội dung. Phải thay gấp một số bài, một số ảnh. Không có bài, ảnh “dự trữ”, ông Hạ và các cộng sự chỉ còn nước, như dân gian bảo, vắt giò lên cổ mà chạy!
Số Tết Giáp Ngọ 2014 vừa rồi, theo kế hoạch ban đầu thì tập san sẽ ra vào khoảng trước 20 tháng Chạp. Sau đó, lãnh đạo Sở chỉ đạo phải ra sớm hơn để kịp tặng đại biểu dự buổi gặp mặt cán bộ hưu ngành Công thương diễn ra vào ngày 6-1-2014 (nhằm ngày mồng 6 tháng Chạp) mỗi vị một tập làm quà Tết. Thế là, lại vắt giò lên cổ mà chạy. Trong cái rủi có cái may. Nhờ kéo thời gian ra báo sớm hơn nên cộng tác viên (hầu hết là phóng viên các báo) “rảnh tay”, gửi bài cho tập san Công Thương trước khi lo bài Tết cho báo mình.
Đúng hẹn, sáng 6-1, báo từ bên nhà in Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết và Dịch vụ in Đà Nẵng vừa ra lò là anh em mang thẳng về hội trường tặng cho đại biểu. Mở trang báo Tết còn thơm mùi mực, hình ảnh đầy sắc xuân, nội dung tràn hương Tết, ai nấy cảm thấy năm mới đang đến thật gần. Một quà tặng thật ý nghĩa. Những người làm báo ngành hôm đó cảm thấy thật hạnh phúc.
Một số “báo quý” Công Thương Đà Nẵng đã phát hành trong thời gian qua. |
Khi “người ngoại đạo” yêu nghề làm báo
Sinh dễ, dưỡng không dễ. Tập san in ốp-xét 4 màu nên chi phí cao. Kinh phí của ngành hạn chế, ban biên tập phải nhờ cậy đến nguồn lực của các DN, tổ chức. Gặp lúc kinh tế khó khăn, DN cũng chật vật với chuyện kinh doanh của mình rồi, nhưng vì tình cảm, trách nhiệm nên sẵn sàng xắn tay áo vô giúp mỗi người một tay. Có thể nói, tập san Công Thương “trụ” được đến hôm nay là nhờ sự nhiệt tình của các DN đóng trên địa bàn thành phố, có thể kể đến: Công ty CP 28 Đà Nẵng (Công ty TNHH MTV Tổng Công ty 28), Tổng Công ty Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Cao su Đà Nẵng, các thương hiệu Giày BQ, Lót giày Hương Quế, Co.op Mart...
Tập san, ngoài mỗi số có một bài phỏng vấn lãnh đạo thành phố liên quan đến chuyện thời sự về kinh tế - xã hội, thỉnh thoảng có bài của lãnh đạo một số Cục thuộc Bộ Công thương. Ngoài bài vở thuần túy về kinh doanh, tập san còn giới thiệu một số nội dung chuyên đề qua từng quý như Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, các công trình trọng điểm, các điểm đến an toàn, thân thiện của thành phố...
Quý 2 vừa rồi, “tòa soạn” của tập san đã được chuyển từ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đà Nẵng sang Trung tâm Xúc tiến Thương mại Đà Nẵng. Tất cả mọi công việc từ tổ chức bài vở đến in ấn, phát hành tập san lại phải quay về điểm xuất phát với những “biên tập viên”, “phóng viên” hoàn toàn “trắng” về nghiệp vụ báo chí.
“Tác phẩm đầu tay” của đơn vị mới này ra mắt đầu tháng 4 vừa rồi, tập trung giới thiệu một số chương trình, hành động triển khai Năm DN Đà Nẵng 2014, mở thêm mục Trích yếu văn bản, chính sách mới về Thuế để giúp các DN, đơn vị hiểu rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc đóng góp cho sự phát triển phồn vinh của đất nước. Hiện đơn vị đang chuẩn bị ra số quý 3 để chào mừng Hội nghị Liên kết ngành Công thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ) dự kiến diễn ra vào đầu tháng 7 tới.
Ông Hứa Tự Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Đà Nẵng, Phó trưởng ban biên tập mới của tập san nói vui: Hồi mới nhận bàn giao, tôi thấy mình như người ngoại đạo với nghề làm báo. Anh em bảo làm báo khó lắm, coi chừng “phạm húy”, “phạm quy”; phải thức đêm thức hôm lo lắng công việc rồi bạc đầu như Ngũ Tử Tư! Cũng may, nhờ sự hỗ trợ chuyên môn của anh em báo chí, sự “biết học hỏi” của bản thân và các cộng sự nên mọi việc đã thuận buồm xuôi gió. Cơ quan quản lý doanh nghiệp mà làm báo thì khó thật. Nhưng chừ thì tôi đã trót yêu cái nghề làm báo rồi…
Ông Lê Viết Tươi, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng, Trưởng ban Biên tập tập san Công Thương: Làm báo, biết học hỏi là quan trọng nhất Với mong muốn có một “tờ báo” chuyên về mảng doanh nghiệp để làm “hàn thử biểu” cho nền kinh tế của Đà Nẵng - Thành phố động lực miền Trung, Sở Công thương Đà Nẵng đã ra mắt tập san Công Thương số đầu tiên vào đầu năm 2011. Ngoài “báo in” Công Thương, Sở còn có “báo điện tử” tại địa chỉ www.socongthuong.danang.gov.vn (mới mở thêm mục “Năm DN Đà Nẵng 2014”), Cổng Thương mại điện tử thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là DBG) tại địa chỉ www.danang.biz.vn và một chuyên mục “báo hình” mang tên Công Thương trên DRT. Chúng tôi làm báo nhưng không có nghiệp vụ, chỉ biết tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm và biết học hỏi. Trong đó, biết học hỏi về chuyên môn từ các nhà báo là quan trọng nhất. Một công đôi việc, chúng tôi nhờ nhà báo hướng dẫn cách đưa những vấn đề cần thiết lên tập san, nhà báo thấy điều đó là nên làm và sau đó triển khai thành bài viết trên báo của họ. Lê Gia Lộc ghi |
VIÊN PHÚC QUÂN