.

Kỷ niệm bài báo về chiến sĩ hy sinh ở Trường Sa

.

Tháng 6-2011, khi sự kiện Trung Quốc tấn công tàu ngư dân của ta và cắt cáp các tàu thăm dò dầu khí ở Trường Sa, tôi đã có  bài viết “Có một Trường Sa ở Hòa Cường”. Đây là bài báo đầu tiên về các chiến sĩ Đà Nẵng hy sinh năm 1988 sau 23 năm trận hải chiến ở Gạc Ma. Trước đó, vì nhiều lý do, chúng ta ít tuyên truyền sự kiện này.

Viếng mộ trên đảo Trường Sa Đông. Ảnh: M.C.M
Viếng mộ trên đảo Trường Sa Đông. Ảnh: M.C.M

Cơ duyên bài viết này đến khi tôi đọc truyện ký “Cho má được một lần ra biển” của cô bạn tôi hơn 10 năm trước. Những thông tin hằng ngày về việc Trung Quốc gây hấn làm tôi nhớ đến chuyện của bạn. Giục bạn viết thì bạn bảo hồi đó chỉ biết các má ở hội trường nhân một lần UBND phường gặp gỡ, đâu nhớ các má ở đường nào, còn sống hay đã mất. Tôi bèn gọi điện cho anh Dũng, Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu. Anh cử một cán bộ làm chính sách ở phường dẫn tôi đi gặp bà Lê Thị Muộn hiện ở 47 Hàn Thuyên, mẹ của liệt sĩ Phan Văn Sự.

23 năm, mẹ Muộn đã kể cho tôi nghe trong nỗi nghẹn ngào, khoe cái áo trắng đang mặc chính là từ chiếc áo thủy thủ của con trai, bà đã cắt lại và tự tay khâu mấy ngày liền. Riêng chiếc yếm viền xanh và đôi măng-sét áo thì bỏ trong gối nằm, thi thoảng đem áo ra mặc, giữ hơi ấm của con luôn bên mình. Bên tấm yếm hải quân, bà cứ ngồi bần thần với bao kỷ niệm yêu thương về người con trai mà bà chưa một ngày nguôi thương nhớ.

Má Lê Thị Muộn bên kỷ vật của người con trai hy sinh ở Trường Sa.
Má Lê Thị Muộn bên kỷ vật của người con trai hy sinh ở Trường Sa.

Ở nhà ông Lê Văn Xuân, cha của liệt sĩ Lê Văn Xanh cũng vậy, nỗi nhớ con lại cuồn cuộn như sóng Trường Sa. Ông kể năm 1988, đã đi nói chuyện nhiều nơi trong thành phố về sự hy sinh của con trai, động viên lớp trẻ hăng hái bảo vệ Tổ quốc. Tấm ảnh anh Xanh mặc bộ quân phục lính thủy bên hàng dừa trong đơn vị thật hiền hòa. Những bài thơ, dòng lưu niệm con trai chép, ông Xuân nâng niu như báu vật.

Lãnh đạo phường Hòa Cường Bắc và Hòa Cường Nam (trước đây là Hòa Cường) thì kể cho tôi nghe về sự tri ân đối với 7 chiến sĩ hải quân của phường đã hy sinh ở Gạc Ma. Vẫn còn đó nhiều công trình lưu dấu Trường Sa mà người dân nơi đây đã bỏ công xây dựng. Bài báo “Có một Trường Sa ở Hòa Cường” dài 1.200 chữ đong đầy cảm xúc của tôi đăng trên báo Đà Nẵng tháng 6-2011 đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ người dân Hòa Cường. Ai nấy đều nêu tình cảm tự hào về con em mình và khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc khi bị nguy biến. Bài viết của tôi đã được chọn là tác phẩm hay trong tháng 6, sau đó được trao giải ba của Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng năm 2011. Bài báo đã khởi đầu cho nhiều bài viết khác về các chiến sĩ hy sinh ở Trường Sa, đặc biệt chiến sĩ trên địa bàn Đà Nẵng. Nhiều tác phẩm về truyền hình cũng đoạt giải từ đề tài này. Anh Dũng, Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Bắc nói rằng, từ khi có bài báo của tôi, anh liên tục tiếp các nhà báo, thấy vinh dự cho địa phương vô cùng.

Những ngày này Trung Quốc lại gây hấn ở Biển Đông với hành động ngang ngược và nguy hiểm hơn trước, tôi lại nhớ bài báo viết về các chiến sĩ hy sinh ở Trường Sa. Sự nhạy cảm nghề nghiệp hay chính tình yêu biển đảo đã  thúc giục tôi có tác phẩm kịp thời mà bạn đọc đang quan tâm. Đó chính là hạnh phúc của người lính cầm bút.

HỒNG VÂN

;
.
.
.
.
.