.

Làm báo phải biết... liều

.

Trong nghề báo, để làm được việc, đôi khi cũng phải... liều. Có những hội nghị, không có giấy mời nhưng phóng viên cũng “xô cửa xông vào”, đôi khi còn bị đuổi ra khỏi hội trường; có những chuyến công tác của lãnh đạo về địa phương, cơ sở, không được thông báo nhưng cũng bám theo. Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi cũng có những lần phải liều để có tin, bài, nắm bắt thực tế, tích lũy thêm vốn sống.

Chiếc xe thiết giáp chở phóng viên đi tác nghiệp bị sập hố do lũ lụt phải bỏ lại bên đường.
Chiếc xe thiết giáp chở phóng viên đi tác nghiệp bị sập hố do lũ lụt phải bỏ lại bên đường.

Tôi vẫn còn nhớ, có lần khi nghe tin đồng chí Nguyễn Bá Thanh, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nay là Trưởng ban Nội chính Trung ương đi máy bay trực thăng lên vùng núi Bà Nà thị sát để hoạch định kế hoạch xây dựng Bà Nà thành khu du lịch, tôi liền gặp đồng chí và xin được cùng đi Bà Nà để đưa tin. Đồng chí Bí thư bảo: “Số lượng người đi đã có danh sách, nếu cậu vào sân bay xin đi được thì đi!”. Ngồi trên xe vào sân bay, xung quanh là lãnh đạo các sở, ngành liên quan được mời đi khảo sát, tôi không khỏi lo lắng là không biết mình (ngoài danh sách trong đoàn) có lên được máy bay không hay bị đuổi xuống. Rất may là tôi đã vượt qua được sự “kiểm soát” và đến khi máy bay rời khỏi mặt đất tôi mới thở phào nhẹ nhõm, yên tâm là mình đã được bay.

Chiếc máy bay trực thăng của Liên Xô (cũ) sản xuất rất lạc hậu, tiếng động cơ nổ như cối xay. Đồng chí Bí thư Thành ủy ngồi phía trước cùng với phi công. Bà Nà mây phủ trắng xóa, máy bay như lạc vào giữa những đám mây khổng lồ như không có đường ra và ai cũng thầm lo lắng khi người lái máy bay lần đầu tiên bay lên vùng núi Bà Nà, nếu không may va vào núi thì “hốt gọn” lãnh đạo thành phố cùng các giám đốc sở. Một lãnh đạo sở ngồi bên tôi nói nhỏ: “Sáng nay không báo với vợ con là đi đâu”. Tôi cũng vậy, không cho gia đình biết về chuyến đi này.

Có lẽ lần đầu tiên tôi chứng kiến một lãnh đạo địa phương dùng máy bay trực thăng để đi khảo sát thực tế. Sau khi quần đảo ở khu vực Bà Nà, Núi Chúa, máy bay bay vào vùng Điện Bàn, qua Hội An, ra Cù Lao Chàm, bay quanh núi Non Nước, bán đảo Sơn Trà… Sau chuyến khảo sát thực tế này của đồng chí Bí thư Thành ủy, dự án khu du lịch Bà Nà đã trở thành hiện thực và trong những ngày mở đường công vụ lên Bà Nà tôi đều có mặt để tác nghiệp…

Còn nhớ, năm 1999, cơn lũ lịch sử ập đến với các tỉnh miền Trung, giao thông đường bộ bị cắt đứt hoàn toàn, chỉ có máy bay trực thăng đi cứu trợ nhân dân những vùng bị ngập lụt. Trong những ngày đó tôi đều có mặt ở sân bay Đà Nẵng để đi đưa tin về cứu trợ nhân dân vùng lũ lụt. Trong những chuyến bay của  ngày đầu, việc phóng viên xin lên máy bay trực thăng để đi tác nghiệp không phải là chuyện dễ. Tôi gặp các đồng chí lãnh đạo Đoàn B72 để xin được đi máy bay tác nghiệp. Các anh chần chừ, vì sự có mặt của  tôi trên máy bay là chiếm chỗ hàng cứu trợ, trong khi đó một ki-lô-gam hàng hóa đến với dân vùng lũ là vô cùng quý. Tôi nói liều: “Các anh không cho tôi đi tôi cũng cứ lên máy bay, vì không đi được là không có thông tin quân đội giúp dân vùng lũ lụt, tôi không hoàn thành nhiệm vụ trên giao và sẽ bị kỷ luật!”. Trước sự bướng bỉnh của tôi, các đồng chí lãnh đạo Đoàn B72 đã đồng ý cho tôi - phóng viên Báo Đà Nẵng và phóng viên Thanh Lộc (Báo Nhân Dân) được đi máy bay đến các vùng lụt để viết tin, bài, chụp ảnh cứu trợ.

Sau những chuyến bay đầu, những ngày tiếp theo, thấy mặt tôi là các anh cho lên máy bay mà không phải năn nỉ hay xin xỏ nữa. Trong cơn đại hồng thủy đó, bằng các chuyến bay trực thăng, tôi đã có mặt để tác nghiệp đưa tin cứu trợ các vùng ngập lụt ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế… Dưới máy bay nước ngập trắng xóa. Nhiều người dân đã gồng mình nhiều ngày trong nước lũ, dỡ mái nhà đưa tay cầu cứu khi thấy máy bay bay qua. Nhịn đói, nhịn khát sau những ngày lũ lụt, khi lương thực, thực phẩm cứu trợ được máy bay mang đến người dân vô cùng phấn khởi. Có vùng ngập lụt sâu, máy bay không hạ được phải rải hàng cứu trợ xuống đồi hoặc những khu đất cao, bà con nằm rạp dưới đất vì sức đẩy của cánh quạt máy bay, bò trên mặt đất nhặt từng thùng hàng; có người phải bơi trên dòng nước xiết, lạnh cóng để nhặt các thùng mì tôm, các chai nước lọc, thấy mà rơi nước mắt và thương cho bà con vùng lũ miền Trung…

Tôi còn nhớ, khi thực hiện chuyến bay cứu trợ bà con vùng lũ tỉnh Quảng Ngãi, vì cơn lũ quá lớn, không lên vùng sông Vệ được, sau khi máy bay trực thăng hạ xuống thành phố Quảng Ngãi, chúng tôi phải đi xe thiết giáp của quân đội ngược lên vùng sông Vệ. Cùng chuyến đi với tôi có Đỗ Sự, Duy Hòa (VTV Đà Nẵng). Trên đường từ sông Vệ trở về lại thành phố Quảng Ngãi, vì nước lũ phủ trắng, xe thiết giáp đã lệch đường suýt nữa thì lao xuống vực sâu giữa dòng nước xiết. Xe bị nghiêng hẳn một bên, nước ngập, không đi được nữa đành phải tăng-bo bằng ca-nô, các loại phương tiện khác. Máy quay phim của phóng viên Đỗ Sự bị hư sau khi bị cú va đập mạnh… Sau những chuyến đi bằng nhiều loại phương tiện, kể cả sự liều lĩnh trong tác nghiệp ở vùng nước lũ, tôi đã có rất nhiều tin bài, ảnh, trong đó có bài “Bộ đội Cụ Hồ - những Sơn Tinh của thời đại” được đăng trên trang nhất của Báo Thanh Niên... 

Trong cuộc đời làm báo, tôi nghiệm ra một điều, người làm báo không chỉ có sự say mê nghề nghiệp, kinh nghiệm, vốn sống, thực tiễn mà đôi lúc còn phải có sự liều lĩnh trong tác nghiệp, nhất là trong thời đại cạnh tranh thông tin như ngày nay và để có được những tin, bài hay, những hình ảnh đẹp đến với bạn đọc.

LÊ VĂN HOA

;
.
.
.
.
.