.

Mấy suy nghĩ về công tác Mặt trận trong tình hình mới

.

Cứ vào mỗi dịp kỷ niệm ngày 30-4, một điều được nhiều người nhắc đến là làm sao để sự kiện ấy không đem lại niềm vui cho người này thì cũng đừng đem lại nỗi buồn cho người khác. Chiến tranh đã chấm dứt gần 40 năm, vậy mà dân tộc chưa thật sự hòa hợp thì làm thế nào có sức mạnh đoàn kết từ nội lực để đứng vững và vươn lên trong những thử thách mới.

Ngày hội Đại đoàn kết tại khu dân cư phường An Khê, quận Thanh Khê.                     Ảnh: SƠN TRUNG
Ngày hội Đại đoàn kết tại khu dân cư phường An Khê, quận Thanh Khê. Ảnh: SƠN TRUNG

Hồi Mỹ thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh, ai cũng đau lòng khi Mỹ gọi chiến lược này là thay màu da xác chết, dù ai cũng biết đó là âm mưu cổ truyền của các thế lực đế quốc xâm lược, bởi nó quá trắng trợn, lạnh lùng. Lúc đó ở chiến trường chúng tôi lần đầu được nghe nói đến một chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc, xóa bỏ hận thù, đoạn tuyệt với quá khứ, lấy chính nghĩa để thuyết phục, lấy nhân nghĩa để cảm hóa, lấy khoan hồng để đối xử, tuyệt đối không được báo oán, trả thù, không được đặt vấn đề truy tróc lý lịch vì lý do liên quan. Đúng là nhờ có tinh thần của chính sách này, trên đất nước ta đã không xảy ra những đợt tắm máu trả thù. Tuy vậy, với nhiều lý do khác nhau chính sách này không được thực hiện nghiêm chỉnh đến nơi đến chốn.

Một bà mẹ có con đi lính cộng hòa đã tử nạn là hàng xóm của một bà mẹ Việt Nam anh hùng, hai bà vẫn qua lại, chia sẻ với nhau miếng trầu, bát nước như những xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau, như chuyện đời bình thường phải vậy. Nhưng có những việc tưởng là hợp đạo nghĩa rất dễ làm như vậy mà phải mấy chục năm trăn trở.

Nghĩa trang quân đội Biên Hòa (nay thuộc huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) được chính quyền Sài Gòn xây dựng năm 1965, có 16.000 sĩ quan binh lính Sài Gòn được chôn cất tại đây. Sau ngày 30-4-1975, nghĩa trang này được giao cho Quân khu 7 quản lý. Tất nhiên là có việc cấm thăm viếng, tu sửa. Rồi mộ sụp, bia vỡ, cỏ dại, lau lách lan dày. Thân nhân những người dưới mộ không được đến cúng kiếng, thăm viếng, thắp một nén nhang. Dù có nghiêm lệnh nhưng các anh vệ binh nhiều lúc ngó lơ cho thân nhân những người dưới mộ đến thăm viếng, thắp nhang và thì thầm những lời tạm biệt người quá cố để vượt biên hay xuất cảnh.

Rồi cái gì phải đến đã đến. Ngày 27-11-2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định dân sự hóa 58ha đất khu nghĩa địa đang do Quân khu 7 quản lý ấy. Chính cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thổ lộ “có những cái vô lý, người sống đố kỵ nhau nên nó khổ liên quan đến người chết. Có một quyết định tuy trễ nhưng dù sao cũng rất tốt. Ông Nguyễn Tấn Dũng đã làm tốt cái đó, làm hơn tôi cái đó. Lúc tôi làm thì chưa làm được cái này, quyết định giao lại cho dân sự. Tôi cho quyết định đó là đúng”.

Đến lúc này không nên khứa cắt vào nỗi đau cũ mà ai cũng biết là do kẻ thù ngoại bang gây ra vì nó chỉ làm tổn thương sức mạnh đại đoàn kết đang rất cần được tô bồi. Chúng ta có quyền ngợi ca chiến thắng, tự hào về chiến thắng. Nhưng vì lợi ích trường tồn, vì sự phát triển của dân tộc đòi hỏi chúng ta biết khoan hòa, hòa giải, hòa hợp dân tộc để làm mới và tăng thêm sức mạnh đại đoàn kết.

Mặt trận với trách nhiệm lịch sử xây đắp và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc phải thông qua các hoạt động giám sát, phản biện, đóng góp kiến nghị với Đảng và Nhà nước để tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc thấm sâu và xuyên suốt mọi cơ chế chính sách, pháp luật ngay từ khi bắt đầu xây dựng cho đến lúc thực thi trong cuộc sống.

Mặt trận các cấp nhất là ở cơ sở, phải lấy tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc làm cốt lõi các cuộc vận động, đặc biệt là cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” để mọi người dân dù có quá khứ thế nào, dù ở bên này hay bên kia thì vẫn gần gũi, cởi mở chia sẻ với nhau, thực lòng đoàn kết, chung lòng xây đắp non sông.

Có những hiện tượng như là những cánh én báo mùa xuân về với bao điều tốt lành được mong đợi. Trong đoàn Việt kiều ra thăm Trường Sa năm nay, bên cạnh nhiều nhân vật từng nổi tiếng về các hoạt động chống Cộng, còn có vợ của các ông Ngụy Văn Thà, Nguyễn Thành Trí, hạm trưởng, hạm phó tàu Nhật Tảo đã anh dũng hy sinh trong trận quyết chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974.

Và giữa những ngày hè nóng bỏng, sôi động này, những hành động gây hấn, xâm lấn ngang ngược của Trung Quốc trên vùng biển Hoàng Sa càng làm chúng ta khẳng định, chiếm đoạt biển Đông là mưu đồ chiến lược của họ, không hề có thứ tình hữu nghị viển vông, đồng thời sự kiện này cũng làm cất lên từ những con tim của mọi người Việt Nam, dù trước đây ở phía bên nào, chung một lời thề bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Thời đại mới đã cho ta cơ hội và đòi hỏi chúng ta không được chậm trễ hơn nữa trong thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc.

Một xóm nhỏ như bao thôn xóm khác trên nước Việt này. Một hôm nhân được quyết định cả vùng này (đất ở và đất canh tác) sẽ được thu hồi để xây dựng khu đô thị mới. Rồi đo đạc, kiểm kê, định giá. Rồi được biết giá đền bù đất và tài sản trên đất, được biết nơi tái định cư. Rồi ôm một cục tiền (với nhiều người là rất lớn, lớn như chưa bao giờ được cầm trong tay) và về nơi ở mới mà không biết làm gì để mưu sinh. Rồi cũng sống đắp đổi qua ngày, làm thuê làm mướn, buôn gánh bán bưng. Rồi khu đô thị mới mọc lên nhiều nhà cao tầng khang trang, nhôm kính sáng trưng.

Ở không gian này có mấy thực thể. Cộng đồng những hộ nông dân bị thu hồi đất là nhóm yếu thế nhất. Nhà nước - đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, đương nhiên là có lợi ích, có nguồn thu và có thành tích. Người dân thường chỉ thấy Nhà nước, người xử lý, định đoạt những chuyện đất ruộng sinh tử của mình là các quan chức cùng các cán bộ dự án và cả những cò đất.

Dựa vào guồng máy công quyền, một nhóm trong những người này có đủ các chiêu thức thu lợi bất chính. Họ hình thành nên một nhóm lợi ích. Đứng sau và đứng trên tất cả là những nhân vật quan trọng nhất, chủ dự án. Tất nhiên họ là cốt lõi của nhóm lợi ích. Họ phải làm thế nào để có lợi nhuận, nếu không nói là siêu lợi nhuận. Nhóm yếu thế nhất chính là nhóm có lợi ích bị xâm hại tổn thương nhất.

Một vùng sản xuất lúa lớn. Nhiều hộ nông dân một vụ thu hoạch cả chục tấn lúa hàng hóa. Họ là lực lượng chủ công làm nên vị thế hàng đầu về xuất khẩu gạo của Việt Nam. Nhưng trong các chủ thể làm nên thành tích xuất khẩu gạo, họ là nhóm yếu thế nhất.

Các tổng công ty lương thực Vinafood với Hiệp hội lương thực Việt Nam (tổ chức giữ vai trò điều phối hoạt động xuất khẩu gạo) và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vệ tinh, cùng các thương lái, những chân rết thu mua lúa gạo. Các doanh nghiệp ấy có chức năng là tổ chức hoạt động xuất khẩu gạo sao cho có hiệu quả kinh tế nhất, đương nhiên cũng là làm nhiệm vụ hỗ trợ đầu ra cho nông dân, người làm ra lúa gạo. Có ý kiến cho rằng trong vô số quan hệ chằng chịt giữa các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp và các cá nhân trên đã hình thành một nhóm lợi ích móc nối với nhau, thao túng nguồn lợi từ xuất khẩu gạo.

Chỉ có người nông dân, nhóm yếu thế nhất luôn chịu cảnh được mùa rớt giá và cho dù một nắng hai sương, lao động cực nhọc, họ chưa mấy khi có lời bằng 30% giá lúa như chính quyền cam kết với họ.

Đương nhiên cũng đang có những doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực này lỗ lã khủng khiếp, song đó là do chuyện làm ăn yếu kém của họ. Và cũng xin yên tâm, doanh nghiệp Nhà nước có thể lỗ khủng. Nhà nước rồi sẽ phải bù chi để cứu gỡ cho các doanh nghiệp này, nhưng nhiều cá nhân chèo lái các doanh nghiệp ấy vẫn mập khỏe.

Một người đi bệnh viện và được chỉ định làm xét nghiệm với thiết bị có nguồn xã hội hóa. Nói cho đúng, thiết bị này do một người có tiền đầu tư và bệnh nhân phải trả tiền cho mỗi lần xét nghiệm để bảo đảm họ thu hồi vốn nhanh và có lãi lớn. Hợp đồng quy định phần bệnh viện được hưởng (bởi bệnh viện phải lo mặt bằng, phòng ốc đặt thiết bị, chi phí điện nước và cả nhân công vận hành thiết bị) các khoản này không phải nộp ngân sách mà thường để cải thiện đời sống cán bộ, nhân viên. Bên cạnh đó còn có các khoản bồi dưỡng phi chính thức được dành cho các cán bộ quản lý bệnh viện, và những khoản thu lời bất chính rất tệ hại, như bệnh nhân có được lấy máu nhưng không được xét nghiệm mà lại nhận một kết quả nhân bản từ kết quả xét nghiệm một bệnh nhân khác. Người bị tổn thương là bệnh nhân, còn nhóm lợi ích với sự kết nối giữa nhà đầu tư và cán bộ quản lý bệnh viện thì có đủ các trò thu lợi trên sức khỏe và mạng sống bệnh nhân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, có ba biểu hiện được cán bộ, nhân dân và dư luận xã hội quan tâm nhiều nhất, bức thiết nhất. Đó là tham nhũng, bè phái, lợi ích nhóm ở một bộ phận đảng viên có chức, có quyền, cả trong một số cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước đương chức hoặc thôi chức.   

Có thể nói nhóm lợi ích là một dạng tham nhũng có tổ chức, có sự cấu kết giữa quyền lực và tiền bạc, hoạt động mưu lược hơn, tác hại nghiêm trọng hơn, thường nhằm vào thao túng các dự án lớn, các lĩnh vực quan trọng để mưu lợi cho một số cá nhân, xâm hại đến lợi ích Nhà nước, lợi ích cộng đồng, nhất là các nhóm yếu thế.

Có thể nói, nhóm lợi ích hiện diện và len lỏi khắp mọi nơi để mưu lợi ích, siêu lợi ích cho một thế lực nhất định, làm tổn hại đến quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của người dân. Dù quyền và lợi ích hợp pháp của họ trên các vấn đề ấy đã được quy định rất rõ, họ vẫn phải mất những chi phí không chính thức, bôi trơn, nhóm yếu thế luôn bị thua thiệt, tổn thương vì các nhóm lợi ích.

Chúng ta không theo chủ nghĩa khổ hạnh, chúng ta không bài xích lợi ích. Chúng ta mong sao với động cơ lợi ích (làm giàu) và khát vọng chấn hưng đất nước, các doanh nhân sẽ mở mang sản xuất, kinh doanh, làm ăn lớn, với công nghệ cao thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chúng ta lên án các nhóm lợi ích, thường là sự liên minh ma quỷ giữa quyền lực và tiền bạc, lợi dụng kẽ hở của luật pháp và những yếu kém (hay cố tình yếu kém) của quản lý để mưu lợi bất chính và xâm hại, làm tổn thương đến lợi ích của người khác, của các nhóm yếu thế.

Hiến pháp mới 2013 tại điều 9 ghi rõ, Mặt trận đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Như vậy theo Hiến định, Mặt trận phải tham gia vào cuộc đấu tranh chống các nhóm lợi ích. Vấn đề là làm thế nào có cơ chế, chính sách luật pháp đủ rộng thoáng, tạo điều kiện cho người dân, các doanh nghiệp thỏa sức tung hoành nhưng cũng đủ chặt chẽ, không có những kẽ hở để các nhóm lợi ích khó bề thao túng. Trí tuệ, tâm huyết của Mặt trận thông qua hoạt động giám sát, phản biện phải được phát huy, đóng góp vào vấn đề này. Một điều quan trọng nữa là cuộc đấu tranh để xây dựng chính quyền của Mặt trận phải góp phần loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất, móc nối hình thành các nhóm lợi ích, cũng như phải loại bỏ những người trong bộ máy công quyền vì năng lực yếu kém mà tiếp tay cho các nhóm lợi ích.

Xin nhắc lại, với chức năng được Hiến định, cán bộ Mặt trận là đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân phải hiểu rõ, nắm vững (đầy đủ chứng lý) những trường hợp quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân bị xâm hại, tổn thương, phải xem những người đó như ruột thịt của mình, xót xa khi đồng tiền, bát gạo, tấc đất do mồ hôi nước mắt họ làm ra bị tước đoạt, để rồi bền bỉ quyết liệt đấu tranh với các nhóm lợi ích.

Hiểu và thực hiện nhiệm vụ theo tinh thần trên, công tác mặt trận sẽ luôn nồng ấm hơi thở cuộc sống, chan chứa tình người, sẽ đầy hứng thú tuy rất khó khăn.

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.