.

Một lòng hướng về quê hương

.

Đề cập về nhiệm vụ của Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (gọi tắt HLL), ông Trương Phước Ánh, Chủ tịch HLL cho biết:  “HLL là một tổ chức tự nguyện có mục đích làm cầu nối giữa đồng bào trong nước với người Việt Nam ở nước ngoài; tập hợp đoàn kết các gia đình có thân nhân định cư ở nước ngoài; cung cấp cho bà con người Việt Nam ở nước ngoài những thông tin về công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, giúp bà con thông hiểu các chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của bà con với chính quyền thành phố; góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng và hợp pháp của người Việt Nam ở nước ngoài khi về nước; hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho bà con người Việt Nam ở nước ngoài có nguyện vọng hướng về quê hương đóng góp xây dựng thành phố Đà Nẵng”.

Theo thống kê, thành phố Đà Nẵng hiện có gần 18.000 người Việt Nam ở nước ngoài có quê quán tại thành phố, sống tập trung phần lớn ở các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Canada, Úc, Pháp, Đức, Bỉ… Có khoảng trên 400 kiều bào trí thức, còn lại hành nghề tự do hoặc làm việc trong các nhà máy, công ty. Bà con hòa nhập vào xã hội nơi cư trú, có cuộc sống ổn định về kinh tế, văn hóa ở nước sở tại. Cộng đồng người Việt Nam nói chung, người Đà Nẵng nói riêng ở nước ngoài, là một cộng đồng trẻ, năng động, có xu hướng định cư lâu dài ở những nước Mỹ, Úc, Canađa, châu Âu, châu Á và nhiều quốc gia khác.

Thông qua HLL, trong thời gian qua, bà con người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều đóng góp vào công cuộc xây dựng thành phố Đà Nẵng trên các lĩnh vực đầu tư, sản xuất kinh doanh, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, công tác nhân đạo từ thiện.

Trong lĩnh vực y tế, giáo dục và khoa học công nghệ, bà con kiều bào đã đóng góp trong việc đầu tư, tài trợ trang thiết bị y tế, tình nguyện, chữa bệnh, hỗ trợ tập huấn chuyên môn cho nhiều y, bác sĩ tại Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Ung thư, Bệnh viện Phụ sản-Nhi; hỗ trợ các trường: Đại học Đà Nẵng, Đại học Duy Tân, Đại học Đông Á, Cao đẳng Nghề trong việc thực hiện các dự án đào tạo, hợp tác đào tạo, đầu tư trang thiết bị, hoạt động chuyên môn; chuyển giao khoa học công nghệ. Trong lĩnh vực đầu tư, số doanh nghiệp trong nước có người Việt Nam ở nước ngoài tham gia góp vốn thành lập là 55 doanh nghiệp, 120 dự án với số tiền đầu tư lên đến 1.800 tỷ đồng, tập trung ở nhiều lĩnh vực như sản xuất, chế biến, cung cấp các dịch vụ và công nghệ thông tin.

Các doanh nghiệp đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của thành phố, giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương. Trong lĩnh vực nhân đạo từ thiện, bà con kiều bào đã có nhiều đóng góp trong việc giảm nghèo tại các địa phương khó khăn của thành phố, hỗ trợ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật, giúp đỡ các nạn nhân thiên tai, hỗ trợ học bổng giúp học sinh nghèo vượt khó.

Lượng kiều hối chuyển về thành phố qua các kênh chính thức ngày càng tăng. Từ năm 2000 đến nay, tổng số kiều hối thu hút được là rất lớn, trung bình mỗi năm trên 100 triệu USD và đóng góp đáng kể vào vốn đầu tư tại Đà Nẵng. Lượng kiều hối trên chưa kể qua các kênh khác như gửi trực tiếp về gia đình hoặc người thân. Chính sự hỗ trợ từ nguồn này đã góp phần tích cực trong việc kiên cố nhà ở, giảm nghèo... trên địa bàn thành phố trong những năm qua. Trong năm 2013, mặc dù vẫn còn ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, nhưng bà con vẫn gửi về trên 80 triệu USD kiều hối.

Đặc biệt, với tinh thần yêu nước thiết tha, bà con kiều bào đau đáu hướng về quê hương với ý thức bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, tham gia vào việc đấu tranh ngoại giao, chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ông Trần Thắng, Việt kiều đang sinh sống tại Hoa Kỳ đã sưu tầm và trao tặng cho thành phố Đà Nẵng 150 bản đồ và 2 cuốn atlas liên quan đến việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này. Khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam, đâm chìm tàu cá của ngư dân, cản trở các tàu chấp pháp của ta đang làm nhiệm vụ trên biển, bà con Việt Nam ở nước ngoài đã cực lực lên án hành động ngang ngược của Trung Quốc; ủng hộ tinh thần và vật chất cho bà con ngư dân và các lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc…

Đánh giá về những đóng góp của bà con Việt kiều, ông Trương Phước Ánh nhận xét: “Có thể nói, với nghĩa tình sâu nặng với đất nước, với tình cảm “những người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc”, những đóng góp của bà con kiều bào cho đất nước, cho thành phố trong thời gian vừa qua là rất to lớn và hết sức quý báu. Trong thời gian sắp đến, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài phát huy những thành tích đạt được trong thời gian qua, tiếp tục vận động, kết nối, tạo điều kiện để bà con kiều bào tham gia đóng góp vào việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng thân yêu”.

LÊ NAM HỘI

;
.
.
.
.
.