Vụ việc tàu cá của ngư dân Đà Nẵng bị tàu vỏ sắt Trung Quốc đâm chìm vào ngày 26-5 vừa qua càng làm cho ngư dân quyết tâm và kiên cường vươn khơi, giữ biển. Ông Trần Văn Lĩnh, quyền Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng, nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với Báo Đà Nẵng.
Cần hỗ trợ lãi suất cho ngư dân đóng tàu sắt để đánh bắt xa bờ an toàn hơn. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Ông Lĩnh cho biết:
- Ngay sau khi xảy ra vụ tàu ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng bị tàu vỏ sắt Trung Quốc đâm chìm, Ban Thường vụ Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng đã ra Thông báo số 10, cực lực lên án hành động ngang ngược, thô bạo, vô nhân đạo của phía Trung Quốc và yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay các hành vi gây hấn, gây thiệt hại cho ngư dân chúng tôi. Đồng thời yêu cầu phía Trung Quốc rút ngay không điều kiện giàn khoan Hải Dương-981 về nước, trả lại ngư trường truyền thống thuộc chủ quyền bất khả xâm phạm mà bao đời nay cha ông chúng tôi vẫn khai thác, làm ăn, sinh sống.
Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng cũng đề nghị các cơ quan hữu quan của Việt Nam can thiệp, yêu cầu phía Trung Quốc đền bù thiệt hại cho ngư dân; đồng thời kêu gọi toàn thể hội viên, bà con ngư dân, các tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân thành phố Đà Nẵng và cả nước kịp thời động viên, thăm hỏi và giúp đỡ kinh phí, vật chất cho ngư dân đóng lại tàu mới, có phương tiện vươn khơi sản xuất, gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
* Để ngư dân tiếp tục vươn khơi sản xuất, thành phố Đà Nẵng đã có giải pháp và chính sách hỗ trợ ngư dân như thế nào?
- Đà Nẵng là một trong những địa phương có chính sách rất tốt đối với sự phát triển của nghề cá. Đơn cử như cuối năm năm 2012, Hội Nghề cá tham mưu cho UBND thành phố Đà Nẵng ra quyết định về việc hỗ trợ cho sự phát triển của nghề cá. Theo đó, mỗi tàu cá được đóng mới có công suất từ 400 CV trở lên sẽ được thành phố hỗ trợ 400 - 800 triệu đồng. Ngoài ra, Hội Nghề cá cũng đề xuất với UBND thành phố hỗ trợ 100% bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn… cho thuyền viên trên tất cả các tàu đánh bắt hải sản của thành phố. Đối với ngư dân là thuyền trưởng, máy trưởng sẽ được thành phố hỗ trợ đào tạo nghề miền phí; đồng thời hỗ trợ ngư cụ cũng như các trang thiết bị thông tin cho tàu cá…
Tuy nhiên, tàu cá của chúng ta dù có được đầu tư đóng lớn bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng là tàu gỗ, mà đã là tàu gỗ thì không thể vượt sóng để vượt qua những cơn bão cấp 12. Mặt khác, không gian của tàu gỗ thường chật hẹp nên việc trang bị các phương tiện cũng như ngư cụ đánh bắt và khu vực bảo quản không được tốt nên giá trị của hải sản sẽ không cao.
* Được biết Chính phủ đang dự thảo nghị quyết hỗ trợ lãi suất vay 3% cho ngư dân đóng mới tàu cá bằng vỏ sắt. Theo ông, chính sách này có đáp ứng được nguyện vọng của ngư dân?
- Chủ trương hỗ trợ lãi suất 3% cho ngư dân đóng tàu sắt là đúng đắn. Rút kinh nghiệm chương trình hỗ trợ nông nghiệp và cả chương trình đắt bắt xa bờ trước đây, nên khi giao cho bộ, ngành triển khai cần làm bài bản, tránh trường hợp làm theo phong trào. Theo tôi, ngư dân đóng được tàu vỏ sắt ra khơi là bước đầu tiên, nhưng lớn hơn là các dịch vụ hậu cần nghề cá để quá trình sản xuất trên biển dài hơn và ngư dân có điều kiện sơ chế hải sản bán ngay trên biển để giảm bớt chi phí, đồng thời thu lợi được nhiều hơn.
Hiện nay khâu yếu nhất là hậu cần nghề cá, ngư dân không có kho ướp lạnh nên phải vào bờ thường xuyên và điều này gây tốn kém cho chuyến đi biển. Tuy nhiên, muốn phát triển nghề cá một cách bền vững không chỉ có chính sách hỗ trợ lãi suất 3% cho ngư dân vay vốn đóng tàu sắt, mà điều quan trọng là chúng ta phải đưa ra những giải pháp phát triển đồng bộ cho nghề cá, đặc biệt là khâu đào tạo nguồn nhân lực cho việc tiếp cận với các con tàu đánh bắt hiện đại.
* Mỗi khi ngư dân chúng ta ra vùng biển Hoàng Sa đánh bắt thường bị tàu Trung Quốc uy hiếp, xua đuổi, lấy hết tài sản, thậm chí đâm chìm tàu cá như vụ việc mới đây. Vậy theo ông, ngư dân cần phải làm gì khi vươn khơi đánh bắt tại vùng biển chủ quyền của mình?
- Không phải bây giờ Trung Quốc mới quấy nhiễu tàu cá của chúng ta, cách đây cả chục năm Trung Quốc đã có những hành động ngang ngược, thô bạo với tàu cá của ngư dân Việt Nam. Thế nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, phía Trung Quốc càng ngang ngược và thô bạo với quy mô ngày càng lớn hơn. Cũng vì hành động thô bạo từ phía Trung Quốc, ngư dân của chúng ta càng trở nên rất kiên cường, kiên quyết bám biển để bảo vệ vùng biển của chúng ta.
Ngày xưa chúng ta chỉ có tàu nhỏ nhưng ngư dân đã ra vùng biển Hoàng Sa để đánh bắt, còn bây giờ ngư dân có tàu lớn lại được trang bị hiện đại thì có gì mà phải sợ. Gần một tháng qua, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam cùng hàng trăm tàu hộ tống, kể cả tàu quân sự và hàng chục tàu cá vỏ sắt sẵn sàng đâm va tàu chấp pháp cũng như tàu cá Việt Nam, ngư dân của chúng ta càng đồng lòng và càng tỏ rõ quyết tâm vươn khơi để bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc và cũng là bảo vệ vùng biển mưu sinh của mình.
TRỌNG HÙNG thực hiện